Tóm lược thị trường thịt lợn 6 tháng đầu năm 2020
Giá lợn hơi liên tục tăng trong 5 tháng đầu năm, do dịch ASF làm nguồn cung sụt giảm, sang tháng 6 giá giảm do nhập khẩu lợn sống từ Thái Lan.
1. Giá cả
Giá lợn hơi trên cả nước liên tục tăng trong suốt 5 tháng đầu năm 2020, luôn ở mức trên 90.000 đ/kg, có thời điểm cuối tháng 5/2020 giá lên trên 100.000 đ/kg, do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi làm cho nguồn cung sụt giảm. Tốc độ tái đàn chậm, gặp nhiều khó khăn do giá lợn giống tăng cao, nhiều hộ dân chưa muốn tái đàn, do đó, lượng lợn trong dân không nhiều, hơn nữa chi phí trong chuỗi cung ứng và chi phí từ các loại thuế phí cao tác động tăng giá.
Sang tháng 6/2020 khi có thông tin nhập khẩu lợn sống từ Thái Lan về Việt Nam thì giá lợn hơi giảm dần khoảng 6- 8%; Cụ thể, đến ngày 20/6/2020 tại miền Bắc lợn hơi 84.000 -86.000 đ/kg; miền Trung 82.000 - 83.000 đ/kg; miền Nam 85.000 – 86.000 đ/kg.
Ngày 22/6/2020, Công ty TNHH Thành Đô Nghệ An nhập khẩu 500 con lợn thịt Thái Lan về bán tại chợ đầu mối ở Hà Nam với giá 81.000 - 84.000 đồng/kg, thấp hơn lợn trong nước khoảng 9.000 đồng/kg. Dự đoán, trong ngắn hạn, giá thịt lợn khó giảm mạnh, bởi nguồn lợn thịt Thái Lan còn rất ít. Hiện giá lợn thịt tại nước này cũng đã chạm mốc 70.000 đồng/kg, tăng 20.000 đồng so với trước đây.
Giá lợn giống vẫn ở mức cao: Lợn cai sữa (6-7 kg/con) lên tới 3 triệu đồng/con, tăng 300.000 đồng/con so với giữa tháng 4/2020; lợn con 2 tháng tuổi (trọng lượng khoảng 20 kg) gần 4 triệu đồng/con, tăng 300.000 – 400.000 đồng/con.
2. Cung cầu
Theo Bộ NN&PTNT, do ảnh hưởng của bệnh dịch tả lợn châu Phi, cả nước đã có gần 6 triệu con lợn buộc phải tiêu hủy, tương đương sản lượng 9,6%. Sau khi dịch bệnh qua giai đoạn cao điểm (tháng 5, 6, 7/2019), Bộ NN&PTNT đã quyết liệt chỉ đạo triển khai công tác tái đàn, tăng đàn lợn.
Từ đầu năm 2020 đến nay, các doanh nghiệp nhập khẩu trên 5.000 con lợn cụ kỵ, ông bà. Dự kiến, trong năm 2020, Việt Nam sẽ nhập tổng cộng 10.000 con lợn ông bà, cụ kỵ để phục vụ công tác phục hồi đàn lợn trong nước. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp còn nhập khẩu khoảng 6.000 con lợn bố mẹ; dự kiến sẽ tiếp tục nhập 400.000 con, bảo đảm đủ giống để người chăn nuôi tái đàn lợn cho cả giai đoạn 2021 - 2024.
Đến nay, tổng đàn lợn cả nước đạt gần 25 triệu con, tương đương gần 81% tổng đàn lợn trước khi dịch tả lợn châu Phi bùng phát. Sản lượng thịt lợn từ đầu năm 2020 cũng đạt hơn 1,7 triệu tấn, bằng 92% so với cùng kỳ.
Tốc độ tăng trưởng lĩnh vực chăn nuôi lợn đạt bình quân 5,78%/tháng; riêng 15 doanh nghiệp chăn nuôi lớn tăng trưởng tới 68,35%. Cùng với đẩy mạnh tái đàn, từ đầu năm 2020 đến nay, cả nước nhập khẩu trên 70.000 tấn thịt lợn (so với kế hoạch 100.000 tấn trong năm nay), tăng hơn 300% so với cùng kỳ năm 2019.
Bên cạnh đó, lần đầu tiên Việt Nam được phép nhập khẩu 500 con lợn sống từ Thái Lan để cung cấp cho thị trường. Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, nhập khẩu lợn sống chỉ là một trong nhiều giải pháp trước mắt để hạ giá thịt lợn. Ngày 13/6/2020, lô lợn giống hơn 300 con nhập khẩu từ Thái Lan đã cập bến Việt Nam, lợn con cập bến nhưng nhanh nhất đến tháng 9/2020 mới xuất bán lợn hơi do đó khó kỳ vọng giá lợn hơi giảm mạnh. Theo kế hoạch phục hồi đàn, đến quý 4/2020, đàn lợn trong nước sẽ đạt 31 triệu con như trước khi bị dịch.
3. Cảnh báo, dự báo
Cảnh báo
Việc nhập khẩu lợn sống về Việt Nam tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh, do đó cần kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo an toàn dịch bệnh cho đàn lợn.
Dự báo
Dựa trên phân tích thị trường thế giới và dịch bệnh, các chuyên gia nhận định người chăn nuôi còn rất e dè trong việc tái đàn, có thể đến năm 2021 tình hình mới khả quan hơn. Do đó, giai đoạn 2020-2021 giá thịt lợn sẽ có những khoảng biến động nhưng vẫn giữ ở mức cao, nhiều khả năng giá sẽ giảm nhiệt bắt đầu từ giữa năm 2021, giảm trong năm 2022 và ổn định trong những năm tiếp theo.
Dự báo giá thịt lợn tháng 7 vẫn ở mức cao, tương đương với cuối tháng 6, chứ khó có thể xuống thấp 70.000 đ/kg, do nguồn cung trong nước vẫn thiếu, hơn nữa nguồn nhập khẩu từ Thái Lan cũng hạn chế và giá nhập khẩu đã tăng cao. Theo tính toán, sớm nhất quý 4/2020, nguồn cung mới tương đương trước khi có dịch. Về nguồn thịt nhập khẩu trong thời gian tới có thể không dồi dào, ảnh hưởng đến giá thịt lợn.
Theo Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông thôn (IPSARD), với qui mô đàn lợn nái hiện nay, sản lượng thịt lợn năm 2020 có thể đạt 3,9 triệu tấn. Tuy nhiên, nếu qui mô đàn lợn nái giảm 10%, tương đương 590.000 con, sản lượng thịt lợn sẽ giảm 20%, xuống còn 3,1 triệu tấn; việc giảm 20% đàn lợn nái sẽ dẫn đến giảm 35% sản lượng thịt lợn, xuống còn 2,5 triệu tấn.
Căn cứ định hướng phát triển ngành chăn nuôi của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dự báo tăng trưởng giá trị sản xuất chăn nuôi bình quân năm 2020 đạt khoảng 4%, sản lượng thịt các loại ước đạt khoảng 5,5 triệu tấn, trong đó thịt lợn đạt khoảng 64 - 67%, tăng 8,8% so với năm 2019. Dự báo, nhu cầu tiêu thụ thịt lợn trong năm 2020 sẽ giảm 10%.
Tác động của EVFTA đối với ngành chăn nuôi
EVFTA có hiệu lực, sức ép cạnh tranh vừa phải cho ngành chăn nuôi đổi mới, nhưng không mạnh đến mức gây ra tổn thất lớn cho ngành. Khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, EU cam kết xóa bỏ 85,6% số dòng thuế đối với hàng hóa Việt Nam, tương ứng với 70,3% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang EU.
Hiện, chỉ có hơn 42% giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang EU được hưởng thuế suất 0% theo Quy chế ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP). Trong vòng 7 năm kể từ khi EVFTA có hiệu lực, EU cam kết xóa bỏ 99,2% các dòng thuế, tương đương 99,7% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Đối với các mặt hàng còn lại, EU cam kết cung cấp cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu bằng 0%.
Về hàng hóa nói chung, cơ cấu xuất khẩu hàng EU mang tính bổ sung nhiều hơn là cạnh tranh trực tiếp với những sản phẩm Việt Nam. Trong khi đó, ngành chăn nuôi sẽ phải đối mặt với áp lực cạnh tranh gia tăng từ các sản phẩm nhập khẩu từ EU khi EVFTA có hiệu lực. Cụ thể với thịt lợn đông lạnh sẽ được miễn thuế sau 7 năm, thực phẩm chế biến sau 7 năm và thuế suất đối với thịt gà sẽ giảm dần về 0% trong 10 năm.
Hiện, các sản phẩm chăn nuôi của EU xuất khẩu sang Việt Nam chịu mức thuế từ 10-40%. Trong 5 tháng đầu năm 2020, Việt Nam nhập khẩu 1,7 tỷ USD các sản phẩm chăn nuôi, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm 2019. Dù vậy, nhu cầu tiêu thụ thịt đông lạnh trong thời gian qua cho thấy, thói quen tiêu dùng cần thêm nhiều thời gian mới có thể thay đổi, đa phần người dân vẫn sử dụng thịt lợn được nuôi tại thị trường nội địa.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao