Tin thủy sản Tôm mang phận tép!

Tôm mang phận tép!

Author Ngọc Hùng, publish date Monday. May 15th, 2017

Chưa khi nào như lúc này, con tôm đang gặp khó trước những hàng rào kỹ thuật tại hầu hết các thị trường lớn.

Chế biến tôm xuất khẩu tại một doanh nghiệp.Ảnh: Thuận Hải/TBKTSG.

Trong vòng 15 năm qua, giá trị xuất khẩu ngành thủy sản luôn tăng trưởng và con tôm có phần đóng góp quan trọng. Năm nào xuất khẩu tôm thuận lợi thì giá trị xuất khẩu toàn ngành tăng và ngược lại. Nhưng chưa khi nào như lúc này, con tôm đang gặp khó trước những hàng rào kỹ thuật tại hầu hết các thị trường lớn.

Vị thế dẫn đầu của con tôm

Năm 2002, lần đầu tiên Việt Nam vượt mốc 2 tỉ đô la Mỹ về giá trị xuất khẩu thủy sản, trong đó, mặt hàng tôm chiếm 48% (tương đương 966,7 triệu đô la Mỹ). Trong suốt 15 năm qua, con tôm vẫn đóng vai trò lớn trong ngành thủy sản xuất khẩu. Năm 2014, giá trị xuất khẩu thủy sản đạt 7,9 tỉ đô la Mỹ, cao nhất từ trước tới nay, trong đó, con tôm đóng góp 4 tỉ đô la Mỹ (hơn 50%). Sau đó, con tôm gặp khó về đầu ra nên trong hai năm vừa qua, giá trị xuất khẩu chỉ quanh mức 3 tỉ đô la Mỹ, theo đó, tổng giá trị xuất khẩu toàn ngành giảm xuống còn hơn 7 tỉ đô la Mỹ. Gần 1 tỉ đô la Mỹ sụt giảm này tương đương mức sụt giảm giá trị xuất khẩu tôm so với năm 2014. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), năm 2016, con tôm mang về 3,1 tỉ đô la Mỹ, chiếm 45% tổng giá trị xuất khẩu toàn ngành.

Như vậy, có thể nói, chỉ cần đầu ra cho con tôm gặp khó là sẽ ảnh hưởng ngay cho toàn ngành thủy sản. Mà thực tế cho thấy con tôm đang ngày càng bị làm khó ở các thị trường xuất khẩu. Nếu như trước đây là rào cản của thuế chống trợ cấp tại Mỹ, sự kiểm tra liên tục và gắt gao về các hóa chất cấm ở Nhật và EU, thì hiện nay, hàng rào kỹ thuật được dựng lên ở hầu hết các thị trường nhập khẩu tôm lớn, theo Cục Thú y – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Mỗi nơi một chuẩn

Điều đáng nói, ở những thị trường xuất khẩu tôm lớn của Việt Nam như Úc, Hàn Quốc hay Trung Quốc, mỗi nơi lại có những quy định kỹ thuật rất khác nhau, dù đều có chung sự giải thích là để bảo vệ người tiêu dùng trong nước mua được thực phẩm an toàn.

Úc phân loại tôm nhập khẩu thành tôm chưa nấu chín và tôm đã nấu chín. Với tôm chưa nấu chín, hàng xuất sang Úc phải được cơ quan có thẩm quyền của nước này công nhận là tôm sạch, tức không có các bệnh như đầu vàng, đốm trắng, taura, hoại tử gan do vi khuẩn, hoại tử gan cấp tính. Với tôm đã nấu chín, Úc chuyển quyền quyết định về cho nước xuất khẩu với điều kiện phải cam kết sản phẩm phù hợp làm thực phẩm cho người và được kiểm soát các bệnh truyền nhiễm.

Tuy nhiên, những lô tôm đạt chuẩn để xuất sang Úc lại “không hợp pháp” khi xuất đi Hàn Quốc vì thị trường này có những quy định không giống với Úc. Hiện Hàn Quốc đã có một số điều chỉnh Luật Quản lý dịch bệnh thủy sản. Những điều chỉnh này được VASEP đánh giá là “khắt khe” hơn đối với thủy sản nhập khẩu, trong đó có con tôm. Hàn Quốc đồng ý cho cơ quan thẩm quyền nước xuất khẩu cấp giấy thông hành cho sản phẩm tôm đông lạnh, ướp lạnh trước khi nhập, nhưng sau đó, cơ quan chức năng của Hàn Quốc cũng sẽ tiếp tục kiểm tra bước nữa để xem sản phẩm đã đạt chuẩn nhập khẩu hay chưa. Nghĩa là con tôm xuất sang Hàn Quốc phải chịu sự kiểm tra của cơ quan chức năng trong nước lẫn cơ quan có thẩm quyền ở Hàn Quốc.

Ngay cả thị trường vốn được biết đến là thị trường dễ tính như Trung Quốc, thì theo Cục Thú y, trong thời gian tới, nước này cũng sẽ có những tiêu chí khắt khe hơn đối với con tôm nhập khẩu. Chưa dừng lại ở Trung Quốc, con tôm Việt Nam có nhiều khả năng gặp phải những hàng rào kỹ thuật từ những thị trường khác nữa, như Ảrập Saudi, Nga, Brazil, Mexico… Vấn đề là khi nào mà thôi.

Nhập gia tùy tục

“Quyền lực nằm ở người mua”, các doanh nghiệp xuất khẩu tôm rất hiểu điều này. Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thủy sản và thương mại Thuận Phước ở Đà Nẵng, cho biết đây là thời kỳ khó khăn, các thị trường nhập khẩu đều đặt ra những tiêu chí rất khác nhau đối với con tôm nhập khẩu. Thuận Phước đang xuất khẩu tôm qua nhiều thị trường và cũng buộc phải tuân thủ tiêu chuẩn của từng thị trường mà không thể áp dụng một tiêu chuẩn thống nhất, dù sản phẩm của doanh nghiệp vẫn đáp ứng đầy đủ các tiêu chí về an toàn thực phẩm hiện hành.

“Việt Nam đã ký rất nhiều hiệp định thương mại tự do với nhiều quốc gia khác nhau. Các hiệp định này đều giảm thuế hàng nhập khẩu giữa các bên nhưng lại cho phép các nước dùng hàng rào kỹ thuật để bảo vệ sản xuất trong nước. Con tôm của Việt Nam đang đối diện với vấn đề này”, ông Lĩnh nói.

Theo ông Lĩnh, “con tôm đang bị đối xử như phận con tép” nhưng khi vẫn ở trong “cuộc chơi”, doanh nghiệp chẳng có cách nào khác là phải “nhập gia tùy tục”, dù chẳng ai thích thú với những “tập tục” này.

Trước đây Tổng cục Thủy sản đã đưa ra tiêu chuẩn VietGAP cho tôm nhưng tiêu chuẩn này không được các thị trường nhập khẩu chấp nhận. Con tôm Việt Nam buộc phải tuân theo tiêu chuẩn riêng của bên mua hàng.

Có ý kiến cho rằng, về lâu dài Việt Nam phải sớm chọn ra một bộ tiêu chuẩn mà ở đó có thể bao quát được tất cả những yêu cầu về an toàn thực phẩm của các thị trường, từ đó, doanh nghiệp có thể áp dụng một tiêu chuẩn thống nhất. Nhiêm vụ của cơ quan quản lý nhà nước là phải làm sao để các quốc gia nhập khẩu tin rằng một khi con tôm Việt Nam đã thỏa những tiêu chuẩn quốc gia thì không cần thêm tiêu chuẩn nào khác nữa.

Lúc đó, con tôm Việt Nam sẽ là tôm vua, có thể tự tin đi vào bất kỳ thị trường khó tính nào chứ không phải rơi vào cảnh thỏa theo tiêu chuẩn của từng thị trường như hiện nay.


Related news

ca-tra-cung-du-day-sang-lang-gieng Cá tra cũng đu dây… ca-mau-ky-vong-vao-de-an-tom Cà Mau: Kỳ vọng vào…