Tôm nước lợ được mùa trong khó khăn
Tưởng chừng sẽ đuối sức trước những hậu quả của hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng, tuy nhiên vượt qua muôn vàn khó khăn, ngành sản xuất tôm nước lợ đã cán mốc sản lượng 570.000 tấn, tăng 1,3% so với năm ngoái. Đây là bàn đạp tốt để con tôm tăng tốc mạnh mẽ trong năm 2017.
Trong ảnh: Vượt qua nhiều khó khăn, sản lượng tôm nước lợ đã cán mốc 570.000 tấn vào tháng 11. 2016. Ảnh: T.L
Hiện nay, ngành tôm Việt Nam thu hút khoảng 4 triệu hộ gia đình nuôi tôm thương phẩm. Trong lĩnh vực xuất khẩu, tôm là một trong số ít mặt hàng chủ lực đem về kim ngạch mỗi năm khoảng 3 – 4 tỷ USD. Ngành tôm mang lại nhiều việc làm và đóng góp lớn cho nền kinh tế...
Tôm nước lợ lập kỷ lục
Bộ NNPTNT cũng ưu tiên nguồn lực cho nghiên cứu chọn tạo giống tôm kháng bệnh, tăng trưởng nhanh; nghiên cứu giải pháp kỹ thuật cải thiện năng suất, chất lượng vùng tôm quảng canh, các giải pháp nuôi tôm thâm canh bền vững và đề xuất bổ sung tôm nước lợ vào danh mục sản phẩm chủ lực quốc gia.
Trong 6 tháng đầu năm 2016, khi cả nước phải đối mặt với nhiều thiên tai lịch sử như rét lạnh rét hại lịch sử, hạn hán lịch sử, xâm nhập mặn lịch sử, các trận bão lũ dồn dập, nhiều người lo lắng con tôm sẽ “đuối sức”, suy giảm diện tích nuôi cũng như sản lượng.
Thực tế, tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2016, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường (khi đó đang là Thứ trưởng Bộ NNPTNT) đã không giấu được sự lo lắng đối với ngành thủy sản trong bối cảnh nền nông nghiệp lần đầu tiên tăng trưởng âm. Ông chia sẻ với các đại biểu hội nghị: “6 tháng đầu năm, ngành thủy sản gặp nhiều khó khăn nhất từ trước đến nay. Thiên tai nặng nề nhất, ô nhiễm nặng nề nhất, thị trường cũng khó khăn nhất”.
Tuy nhiên ông Cường cũng nhận định rằng: “Trong 6 tháng tới, ngành thủy sản vẫn còn dư địa phát triển, cần tập trung phát triển, hết sức nỗ lực để toàn ngành đạt được mục tiêu đề ra”. Quả đúng như vậy, chỉ sau 5 tháng (tính đến ngày 30.11) sản lượng tôm nước lợ đã cán mốc 570.000 tấn, diện tích nuôi xấp xỉ 700.000ha, tăng 1,3% so với năm 2015.
Chia sẻ cụ thể hơn về thành tích của ngành tôm nước lợ, ông Như Văn Cẩn - Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng Thủy sản (Tổng cục Thủy sản) cho biết: “Ngoại trừ Cà Mau tới thời điểm này chưa đạt kế hoạch về sản lượng, còn lại tất cả các tỉnh nuôi tôm trọng điểm tại đồng bằng sông Cửu Long đều đã vượt về sản lượng so với cùng kỳ năm 2015. Đặc biệt riêng tỉnh Sóc Trăng, ước sản lượng tôm cả năm 2016 sẽ tăng tới gần 40.000 tấn. Đây cũng là năm Sóc Trăng có sản lượng tôm cao nhất từ trước tới nay”.
Theo ông Cẩn, hiện thời vụ thu hoạch tôm nước lợ tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long vẫn chưa kết thúc, vì vậy nếu tính tới hết tháng 12.2016, tổng sản lượng tôm nước lợ cả nước có thể cán mốc 650.000 tấn. Nếu vậy, 2016 sẽ là năm mà sản lượng tôm nước lợ cán mốc kỷ lục, bởi so với nhiều năm gần đây, sản lượng tôm nước lợ chỉ xoay quanh khoảng 600.000 tấn, cá biệt năm 2014 là năm cao nhất cũng chỉ đạt khoảng 630.000 tấn.
Hình thành nền công nghiệp sản xuất tôm
Đối với ngành tôm nước lợ, Chính phủ đã yêu cầu Bộ NNPTNT khẩn trương xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tổng thể phát triển bền vững tôm nước lợ đến năm 2025, định hướng 2030 theo hướng từng bước hình thành ngành công nghiệp sản xuất tôm với công nghệ cao và tôm sinh thái bền vững. “Sản xuất tôm nước lợ đang giữ vai trò chủ lực đối với ngành thủy sản cả nước. Trong thời gian tới, sản xuất tôm nước lợ được Chính phủ kỳ vọng và xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của cả nước và được tập trung nguồn lực để đầu tư phát triển” – Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết như vậy tại buổi làm việc với tỉnh Bạc Liêu đầu tháng 12 vừa qua.
Nhiều ý kiến cho rằng, ngành tôm còn nhiều bất cập vì vẫn phát triển theo chiều rộng, quy mô nhỏ lẻ, khai thác dựa trên các yếu tố tự nhiên như đất đai, nguồn nước, lao động… Yếu tố khoa học công nghệ, cách thức tổ chức chuỗi giá trị còn lỏng lẻo nên chưa có một thương hiệu mạnh mang tầm quốc gia, hiệu quả kinh tế chưa tương xứng. Vì vậy để phát triển thành ngành công nghiệp sản xuất tôm, cần làm tốt từ khâu quy hoạch, giống, thức ăn, chuỗi chế biến, thị trường… và hoàn thiện quản lý nhà nước.
Ông Nguyễn Hoàng Anh - Chủ tịch Hiệp hội Tôm tỉnh Bình Thuận cho rằng: “Quan trọng nhất trong chuỗi sản xuất ngành tôm là khâu con giống. Đây là yếu tố tiên quyết ảnh hưởng tới sự thành bại của cả chuỗi. Chính vì vậy, để hình thành ngành công nghiệp tôm, cần phát triển và nâng cao chất lượng tôm giống, bên cạnh đó cần quy hoạch vùng nuôi tôm tập trung, phát triển các mô hình nuôi tôm - lúa, tôm quảng canh…”.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Như Văn Cẩn cho hay: “Để phát huy lợi thế, phát triển ngành tôm Việt Nam bền vững tương xứng với tầm vóc, Bộ NNPTNT đang hoạch định chiến lược trong thời gian tới. Bộ đã chỉ đạo Tổng cục Thủy sản xây dựng Chương trình tổng thể tôm nước lợ hướng tới hình thành ngành công nghiệp tôm, với nội hàm là phát triển và nâng cao chất lượng tôm giống, quy hoạch vùng nuôi tôm tập trung, xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường tiêu thụ, đề xuất các chính sách khuyến khích, đầu tư phù hợp”.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng: Quy hoạch lại vùng nuôi
Để con tôm tăng trưởng bền vững, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của cả nước, các địa phương cần quy hoạch lại vùng nuôi tôm gắn với đề án tái cấu trúc sản xuất ngành nông nghiệp, biến đổi khí hậu toàn cầu; xác định lựa chọn con nuôi chủ lực để sản xuất; đầu tư xây dựng lại cơ sở hạ tầng đồng bộ; tổ chức lại sản xuất theo hình thức liên kết, tổ hợp tác; tăng cường công tác giám sát đầu vào, nhất là giống, thuốc, thức ăn. Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến thương mại, để con tôm Việt Nam vươn mạnh ra thế giới.
Ông Vũ Văn Tám - Thứ trưởng Bộ NNPTNT: Nhiều bài học quý
Năm 2016 sản xuất tôm đã tạo được sự bứt phá hết sức ngoạn mục. Kết quả đó không chỉ là kỳ vọng riêng của ngành nông nghiệp, mà còn là kỳ vọng của Chính phủ trong điều kiện khó khăn. Vì vậy nếu sản lượng tôm nước lợ cả năm 2016 cán mốc 650.000 tấn, thì đây sẽ là năm ghi dấu ấn đặc biệt cho ngành tôm Việt Nam, và sẽ là năm mà sản xuất tôm sẽ rút ra được rất nhiều bài học quý giá cho những năm tới đây.
Ông Võ Văn Phục - Giám đốc Công ty CP Thủy sản sạch VN: Thiếu nguyên liệu nuôi công nghệ cao
Hiện nay, cái thiếu lớn nhất của doanh nghiệp ngành tôm là nguồn tôm nguyên liệu nuôi theo công nghệ cao để sản phẩm tinh chế có màu sắc đỏ đẹp tự nhiên và đặc biệt là không có dư lượng chất cấm theo quy định của nước nhập khẩu. Tôm nuôi đạt chất lượng đều được doanh nghiệp mua với giá cao hơn từ 5% trở lên so với thị trường. Do đó, ngành chức năng cần sớm nghiên cứu, đưa ra quy trình nuôi tốt hơn để khuyến cáo người nuôi. Bởi chỉ có nguồn tôm nguyên liệu tốt mới xây dựng hình ảnh tôm Việt Nam tốt hơn, giúp nâng cao khả năng cạnh tranh...
P.V (ghi)
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao