Mô hình kinh tế Tôm Nuôi Trước Vụ Lại Chết Hàng Loạt

Tôm Nuôi Trước Vụ Lại Chết Hàng Loạt

Publish date Tuesday. April 19th, 2011

Tỉnh Quảng Nam đang đồng loạt thả nuôi tôm giống vụ 1 năm 2011. Tuy nhiên, vẫn có không ít hộ dân ở TP.Tam Kỳ và các huyện Núi Thành, Thăng Bình... bất chấp khuyến cáo của cơ quan chức năng, thả nuôi trước vụ dẫn đến tôm chết hàng loạt.

Đồng loạt thả tôm giống

Theo Phòng NN&PTNT huyện Núi Thành, từ ngày 10/3, các địa phương trên địa bàn huyện đều đồng loạt xuống giống thả nuôi tôm vụ 1 năm 2011. Vụ 1 năm nay, toàn huyện Núi Thành có 1.500 ha ao nuôi, tập trung nhiều nhất ở các xã Tam Xuân 1, Tam Xuân 2, Tam Tiến, Tam Hòa. Hầu hết các diện tích đều được thả nuôi tôm thẻ chân trắng, với mật độ bình quân khoảng 70 con/m2. Ông Nguyễn Văn Hùng, xã Tam Tiến cho biết: “Năm nay gia đình tôi thả nuôi 4 ha tôm thẻ chân trắng. Các ao nuôi đều được xử lý theo quy trình kỹ thuật của ngành chức năng, đảm bảo độ pH, mực nước và thời gian thả nuôi đúng lịch thời vụ của Sở NN&PTNT”.

Tranh thủ những ngày nắng ấm, các hộ nuôi tôm ven sông Trường Giang thuộc các xã Tam Phú, Tam Thanh, Tam Thăng (TP.Tam Kỳ) cũng đồng loạt thả nuôi tôm thẻ chân trắng trên diện tích 70 ha. Tại các huyện Thăng Bình, Duy Xuyên và TP.Tam Kỳ, người dân cũng đã thả nuôi tôm vụ 1 trên 200 ha mặt nước. Ông Nguyễn Văn Hương, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Thăng Bình cho biết, trước khi xuống giống vụ 1, các ao nuôi tôm trên địa bàn huyện đã được khử trùng, diệt tạp và xử lý triệt để. Dù điều kiện thả nuôi trong thời điểm hiện nay rất thuận lợi nhưng ngành NN&PTNT huyện vẫn khuyến cáo người nuôi cần theo dõi môi trường nước, kiểm tra chính xác độ pH, độ kiềm và khí độc trong ao nuôi để loại trừ các yếu tố gây bệnh cho tôm.

“Vượt rào” nên... trắng tay

Những khuyến cáo của các cơ quan chức năng ở Quảng Nam đối với người nuôi tôm vụ 1 năm 2011 là không thừa, bởi không ít diện tích thả nuôi tôm thẻ chân trắng trước thời vụ bị chết hàng loạt. Ông Võ Độ, thôn Bình An, xã Tam Hòa (Núi Thành) cho biết, sau Tết Nguyên đán, gia đình ông thả nuôi tôm thẻ chân trắng trên diện tích 5.000m2. Sau gần 2 tháng phát triển tốt thì tôm có dấu hiệu yếu dần và chết hàng loạt. “Chúng tôi đã dùng các biện pháp kỹ thuật như nạo vét, tẩy dọn đáy ao, bón vôi và phơi đáy... nhưng không hiểu sao tôm lại bị chết” - ông Độ nói.

Không riêng gì các hộ nông dân tại các xã Tam Hòa, Tam Xuân 1, Tam Xuân 2 (Núi Thành), nhiều hộ dân tại huyện Thăng Bình và TP.Tam Kỳ cũng điêu đứng vì thả nuôi trước vụ. Ông Lê Văn Thống, xã Bình Nam (Thăng Bình) cho biết, vào thời điểm này năm trước, nhiều hộ dân trong xã thả nuôi tôm thẻ chân trắng trúng lớn nên gia đình ông cũng “tranh thủ” thả nuôi trước vụ. Không ngờ tôm chết hàng loạt, thua lỗ trên 50 triệu đồng.

Trước tình hình trên, ông Ngô Tấn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Nam khuyến cáo: “Thời điểm này, vi khuẩn Vibrio - tác nhân gây ra một số bệnh nguy hiểm trên tôm nuôi - vẫn còn xuất hiện với mật độ cao trong nước nên bên cạnh việc thông báo kết quả chương trình giám sát môi trường và bệnh tôm, chúng tôi cũng đã yêu cầu các cơ quan chuyên môn ở địa phương phối hợp chặt chẽ, khống chế không cho bệnh lây lan. Đồng thời giám sát phát hiện nhanh chóng những dấu hiệu dịch bệnh mới trên tôm nuôi để khoanh vùng khống chế kịp thời”


Related news

lam-dong-khoai-tay-duoc-mua-trung-gia Lâm Đồng: Khoai Tây Được… gia-ca-phe-xap-xi-48-000-dong-kg Giá Cà Phê Xấp Xỉ…