Mô hình kinh tế Tôm Rừng Nuôi Sinh Thái

Tôm Rừng Nuôi Sinh Thái

Publish date Friday. June 21st, 2013

Giữa rừng đước xanh um, tôm giống được thả xuống. Không cần cho ăn, không dùng thức ăn tăng trưởng, không thuốc kháng sinh trị bệnh, người nuôi chỉ dọn dẹp xung quanh thật sạch và đảm bảo 50-60% rừng trên tổng diện tích nuôi tôm là có tôm sạch.

“Coi đơn giản vậy chớ thực tế “chua” lắm. Phải ưu tiên trồng rừng rồi mới tính chuyện nuôi tôm. Mà là con tôm sạch chớ không phải bình thường” - anh Trần Văn Vũ ở ấp Nhà Hội, xã Tam Giang (huyện Năm Căn, Cà Mau), nói.

Rừng - tôm kết hợp

Khu rừng đước rộng 17,8ha của anh Vũ xõa tán mát rượi in bóng lung linh dưới nước như tranh vẽ. Dưới lòng kênh, nước mặn ra vô theo thủy triều trôi lững lờ. Cặp theo mé, những chùm rễ đước vững chãi bám đất tạo cảm giác bình yên và trong lành. “Con tôm bơi theo rễ đước kiếm ăn và “núp bóng quân thù” trong đó” - anh Vũ giải thích rồi ngước mặt lên tán rừng, nơi vừa có thấp thoáng bóng chim bay, cánh vỗ xào xạc. “Lũ chim này tinh lắm. Con tôm lớ ngớ là nó “xớt” liền” - anh nói thêm.

Diện tích nuôi tôm sinh thái ở Cà Mau hiện đã tăng lên gần 6.000ha, so với tôm quảng canh thì còn khiêm tốn. Nhưng cái được lớn hơn là tạo ý thức gìn giữ và phát triển rừng trong dân.

Khu rừng này trước đây là vuông tôm nuôi quảng canh, cây rừng rất ít. Khi Nhà nước có chủ trương “rừng - tôm kết hợp”, anh Vũ trồng thêm cây đước, đào mương phía dưới và thả tôm giống. Năm 2002, lại nghe kêu nuôi tôm sinh thái dưới tán rừng, anh hăm hở làm liền và cũng không hình dung nuôi tôm sạch khó như vậy. Đầu tiên là phải dọn dẹp hết chuồng heo, gà, vịt trên bờ, kể cả “cầu tõm”, rồi phải thu gom rác để đồ dơ không thải xuống mương làm ô nhiễm môi trường nuôi tôm. Nhưng cực nhất là ghi chép sổ sách.

Anh Vũ nhớ lại: “Nông dân tụi tui hổng rành chữ nghĩa, nay lại kêu ghi hết nào là tôm giống mua ở đâu, thả xuống ngày nào, bữa nào xả nước, mật độ bao nhiêu. Tới bữa bắt tôm cũng phải ghi ngày bắt, được mấy ký… Nhờ có kỹ sư của Công ty cổ phần Chế biến thủy sản và xuất nhập khẩu Cà Mau (Camimex) hướng dẫn nên chuyện gì khó cũng qua. Nghe nói mấy ông bên Thụy Sĩ mua tôm về cho dân ổng ăn, ghi chép sổ sách là để họ biết nguồn gốc tôm này ở Việt Nam, do ai nuôi, ở địa phương nào, rừng nào để biết có đúng là sạch không”.

Khi rừng tôm đã hình thành, nông dân phải qua một đợt kiểm tra gắt gao nữa. Các chuyên gia của IMO (Viện Thị trường sinh thái - một trong những tổ chức quốc tế nổi tiếng trong lĩnh vực kiểm tra, cấp chứng nhận bảo đảm an toàn về chất lượng) đích thân xuống tới rừng để đánh giá chất lượng và quy trình nuôi tôm. Họ còn xác minh xem nông dân có “len lén” cho tôm xơi thức ăn tăng trưởng không. Điều quan trọng nhất là họ xem tỉ lệ rừng có đạt như đã cam kết.

Anh Vũ cho biết không ít hộ dân bị đánh rớt vì thiếu cây rừng, phải trồng thêm và đợi tới 1-2 năm sau mới có kiểm tra đánh giá lại.

“Trước đây người dân không có ý thức giữ rừng để dưỡng con tôm. Họ muốn mau có lời nên phá rừng lấy mặt nước nuôi tôm càng nhiều càng tốt. Nhưng sau mấy vụ thất bát, họ bắt đầu nghĩ lại và thấy ăn chắc mặc bền vẫn hơn, nhất là nên kết hợp rừng - tôm mới có lợi” - anh Lữ Minh Thảo, một chủ rừng tôm 12,3ha ở ấp Bông Súng, xã Tam Giang, cho biết từ kinh nghiệm của mình.

Rừng tốt thì môi trường nước mới sạch, tôm mới mạnh khỏe và mau lớn. Tuy thu nhập ít hơn nhưng đều, mỗi tháng xả tôm thu hoạch hai lần, kiếm trên dưới 20 triệu đồng. Rừng thì 15 năm tuổi thu hoạch một lần cũng không phải là lâu.

Thạc sĩ Nguyễn Văn Trung, chi cục phó Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh Cà Mau, cho biết hiện đã có 850 hộ dân được cấp giấy chứng nhận nuôi tôm sạch trên diện tích gần 6.000ha, tập trung ở hai huyện Năm Căn và Ngọc Hiển. Tỉnh đã giao cho Camimex kết hợp với Công ty TNHH Ngọc Hiển mở rộng diện tích rừng - tôm, tăng cường tập huấn cho nông dân và tìm thị trường cho sản phẩm.

Tôm sạch Cà Mau vào Thụy Sĩ

Đúng giờ hẹn, chúng tôi được lãnh đạo Camimex dẫn đi tham quan phân xưởng chế biến tôm sạch ở TP Cà Mau. Ai cũng phải mang giày ống, mặc trang phục bảo hộ, đầu trùm kín mít chỉ chừa hai con mắt. Trước khi vào xưởng chế biến, chân phải nhúng vào hồ nước sát trùng, tay rửa sạch bằng xà bông, được nhân viên xịt keo chống bụi khắp người. Thậm chí đồng hồ đeo tay cũng tháo ra để tránh vi khuẩn phát tán.

Bà Nguyễn Thị Tuyết, tổng giám đốc Camimex, cho biết ngoài việc giữ môi trường tuyệt đối sạch, các nhân viên còn phải ghi chép nhật ký như: ngày giờ con tôm vào xưởng, số lượng, nhiệt độ… Sau khi chế biến xong cũng ghi ngày giờ đóng gói, xuất xưởng, ca trực.

Trước đó, khi vô rừng mua tôm về nhân viên công ty phải ghi nhật ký sản phẩm của ai, ở chỗ nào, chở về trạm nào, bao nhiêu ký… Tất cả nhằm đáp ứng tiêu chuẩn của phía Thụy Sĩ. Họ muốn biết rõ hành trình của con tôm từ lúc mới thả nuôi đến khi vô tủ lạnh của người tiêu dùng.

Con tôm Cà Mau có thể tạm chia làm ba loại: tôm công nghiệp, tôm rừng nuôi quảng canh và tôm rừng nuôi sinh thái. Tôm rừng nuôi quảng canh đã ngon rồi, nướng lên đỏ au, thịt dai ngọt lịm. Tôm rừng nuôi sinh thái càng ngon hơn bởi được bảo đảm sạch hoàn toàn. Và tất nhiên giá tôm cũng cao hơn so với thị trường (20%).

Năm 2002, Sở Thủy sản Cà Mau tổ chức hội thảo về nuôi tôm sạch dưới tán rừng, có Bộ Thủy sản và Đại sứ quán Thụy Sĩ tại Việt Nam tham dự. Sau đó, Tổ chức SIPPO (Cơ quan xúc tiến nhập khẩu Thụy Sĩ) tài trợ kinh phí thuê tổ chức IMO gặp nông dân để tập huấn quy trình nuôi, rồi họ trực tiếp kiểm tra từng liếp đất, thử nguồn nước xem diện tích rừng đước ở địa bàn có đủ sạch không. Họ lại đến nhà máy kiểm tra con giống sạch bệnh, điều kiện sản xuất.

“Cả năm trời họ tới lui huấn luyện, kiểm tra, đánh giá. Từ nông dân tới cán bộ nhân viên công ty bị “quay” thật nhuyễn, cuối cùng mới được chứng nhận” - bà Tuyết nhớ lại. Năm 2003, Camimex xuất thử container đầu tiên qua Thụy Sĩ, thu được khoảng 50.000 USD. Đó là thành công ban đầu của con tôm sạch mang nhãn hiệu Cà Mau, Việt Nam.

Sau đó, năm 2004 tôm sạch Camimex được Hiệp hội các sản phẩm bio của Thụy Sĩ công nhận chất lượng. Phía Thụy Sĩ đặt hàng liên tục vì cho rằng con tôm Việt Nam là sản phẩm thân thiện với môi trường, có lợi cho sức khỏe, phù hợp với thói quen và nhu cầu của dân họ. So với nước xuất khẩu tôm sinh thái như Ecuador, tôm Cà Mau được đánh giá có lợi thế hơn nhờ có rừng.

Tôm sống trong rừng đã là chứng nhận sinh thái thực tế nhất, trong khi tôm của Ecuador phải truy xuất tới nguồn gốc của thức ăn là đậu nành phải được trồng ở vùng được chứng nhận chuẩn sinh thái. Từ đó, tôm sạch Cà Mau, Việt Nam xuất hiện trong các siêu thị của Thụy Sĩ.

Trước nhu cầu đó, Camimex tiếp tục liên kết với Sở Thủy sản, Lâm ngư trường 184 - nơi có diện tích rừng rộng lớn, gần 6.500ha, phù hợp triển khai chương trình mở rộng vùng rừng nuôi tôm sinh thái. Năm 2005, xuất khẩu từ tôm sinh thái thu về hơn 1 triệu USD, năm 2008 tăng lên 1,8 triệu USD và năm 2010 là 2,1 triệu USD. Diện tích nuôi tôm sinh thái hiện đã tăng lên gần 6.000ha, so với tôm quảng canh thì còn khiêm tốn. Nhưng cái được lớn hơn là tạo ý thức gìn giữ và phát triển rừng trong dân.

Hiện tôm sinh thái đã có mặt tại các nhà hàng khách sạn 5 sao ở Việt Nam như Caravelle, New World… Camimex đang xúc tiến chương trình tiếp thị con tôm sinh thái sang các thị trường khác ở châu Âu, Mỹ…


Related news

nong-dan-tre-san-xuat-dua-leo-theo-quy-trinh-vietgap Nông Dân Trẻ Sản Xuất… nguoi-di-dau-trong-ap-dung-co-gioi-hoa-san-xuat-lua-o-ha-nam Người Đi Đầu Trong Áp…