Mô hình kinh tế Tôm Sinh Thái Cánh Cửa Phát Triển Kinh Tế Và Bảo Vệ Rừng Ngập Mặn

Tôm Sinh Thái Cánh Cửa Phát Triển Kinh Tế Và Bảo Vệ Rừng Ngập Mặn

Publish date Monday. February 9th, 2015

Rừng ngập mặn Cà Mau chiếm ½ tổng diện tích rừng ngập mặn Việt Nam, đồng thời Cà Mau cũng là tỉnh chiếm ½ tổng diện tích nuôi và ¼ tổng sản lượng tôm của cả nước. Tuy vậy, nuôi tôm cũng là một trong các nguyên nhân chính dẫn đến sự suy giảm diện tích rừng ngập mặn ở Việt Nam nói chung và Cà Mau nói riêng.

Phát triển nuôi tôm và những hệ lụy với rừng ngập mặn

Rừng ngập mặn (RNM) là hệ sinh thái chuyển tiếp giữa môi trường biển và môi trường nước ngọt, có vai trò to lớn về kinh tế và sinh thái - môi trường. RNM không những là nguồn cung cấp thức ăn mà còn là nơi cư trú, nuôi dưỡng con non của nhiều loài thủy sản có giá trị, đặc biệt là tôm sú, tôm biển XK. Trong vòng đời của một số lớn các loài cá, tôm, cua… có một hoặc nhiều giai đoạn bắt buộc phải sống trong các vùng nước nông, cửa sông có RNM.

Hệ sinh thái RNM được coi là có năng suất sinh học rất cao, nhất là nguồn lợi thủy sản. Bình quân mỗi ha đầm lầy RNM cho năng suất hàng năm là 160kg tôm XK (Chan, 1986). Một cây số vuông RNM có thể cho sản lượng đánh bắt khoảng 450kg thủy sản ở ĐBSCL (Trung tâm Bảo tồn Sinh vật Biển và Phát triển Cộng đồng - MCD, 2008). Mỗi ha RNM bị tàn phá làm mất đi 1,08 tấn thủy sản/năm (Klaus Schmitt, 2009).

XK tôm của Việt Nam thu về trên 3 tỷ USD/năm và là một trong các sản phẩm XK chủ lực. Tuy vậy, nuôi tôm cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự suy giảm diện tích RNM ở Việt Nam. Gần đây, nhiều tổ chức quốc tế như Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hiệp quốc (FAO), Liên minh Quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên và Tài nguyên Thiên nhiên (IUCN), Quỹ Quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên (WWF)... cũng đã có những khuyến cáo về sự suy thoái tài nguyên, môi trường do phá RNM để sản xuất tôm.

Theo ước tính, từ năm 1943 – 2013, diện tích RNM toàn quốc bị thu hẹp rất nhanh, từ hơn 408.000 ha xuống chỉ còn 166.000 ha (giảm gần 60%). Theo ThS. Nhữ Văn Kỳ, Vụ Phát triển rừng, Tổng cục Lâm nghiệp, nguyên nhân làm mất rừng ven biển chủ yếu do phá rừng nuôi tôm, khai thác gỗ… Bên cạnh đó, việc quản lý, bảo vệ RNM của các cơ quan chức năng còn lỏng lẻo, thiếu đồng bộ.

Trong gần hai thập kỷ qua, được Nhà nước hỗ trợ và khuyến khích nên nghề nuôi tôm nước lợ ở những vùng cửa sông ven biển phát triển rất mạnh, vượt tầm kiểm soát và quản lý của ngành thuỷ sản và chính quyền một số địa phương. Mặt khác, do nguồn lợi nuôi tôm lớn hơn các loại sản xuất khác nhiều lần, nên không những người dân địa phương mà rất nhiều người di cư bất hợp pháp ồ ạt kéo nhau đến Bạc Liêu, Cà Mau, Bến Tre và một số nơi khác để phá rừng làm đầm tôm. Để nuôi tôm, nhiều nơi thậm chí đã chặt hoặc giết chết cây bằng cách giữ nước trong đầm, khiến cho môi trường thoái hoá nhanh.

Không thể phủ nhận nuôi tôm mang lại nguồn lợi lớn cho bà con nông dân, nhưng cơ cấu con tôm với lúa, với rừng.. không phải ở đâu cũng có hiệu quả lớn. Đôi khi được lợi về kinh tế trước mắt nhưng lại đánh mất về sinh thái lâu dài.

Phát triển kinh tế nhưng phải bảo vệ rừng

Mô hình nuôi tôm sinh thái xuất hiện ở Cà Mau vào đầu năm 1999 khi tỉnh Cà Mau kết hợp với Tổ chức chứng nhận Naturaland, Đức thực nghiệm mô hình sinh thái và đưa ra những đánh giá, thẩm định ban đầu. Năm 2002, dự án do Đại sứ quán Thuỵ Sĩ tài trợ bắt đầu được triển khai tại Lâm Ngư trường 184 thuộc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ngọc Hiển và Công ty CP XNK Thủy sản Năm Căn (Seanamico) làm đối tác để bao tiêu sản phẩm tôm sinh thái (cho gần 350 hộ dân trong khu vực rừng phòng hộ Kiến Vàng với diện tích hơn 2.500 ha) xuất bán cho COOP, chuỗi siêu thị lớn thứ 2 tại Thụy Sỹ.

Tuy nhiên, dự án của Thụy Sỹ kết thúc vào năm 2012 đã vấp phải một số vấn đề như: giá bán tôm sinh thái thời điểm đó không cao (chỉ hơn 5 - 6% so với giá bình thường); phân chia lợi nhuận giữa nhà chế biến, người thu mua và người nuôi không minh bạch; cơ sở chế biến cũng chỉ thu mua giá cao loại tôm nhỏ (40 con/kg) vì nhà NK (COOP) chỉ mua tôm nhỏ, các cỡ tôm to hơn chỉ bán được với giá bình thường; có trường hợp người thu mua trộn tôm thường và tôm sinh thái để thu lợi bất chính…

Để góp phần giải quyết những vấn đề trên và để phát triển thủy sản và bảo vệ rừng một cách hài hòa, gần đây IUCN và Tổ chức Phát triển Hà Lan (SNV) đã thực hiện dự án mới ở tỉnh Cà Mau, giúp người nuôi tôm có thể nhận các chứng nhận quốc tế đối với tôm sinh thái. Dự án 4 năm với tên gọi “Quản lý tích hợp vùng ven biển – ICMP”, được Bộ Môi trường - Bảo tồn thiên nhiên và An toàn hạt nhân CHLB Đức (BMU) tài trợ, mục tiêu giúp tạo vị thế bền vững hơn cho ngành nuôi tôm, đồng thời tăng cường sức chống chịu của khu vực bờ biển trước biến đối khí hậu.

Ông Đặng Công Bửu, cán bộ Dự án cho biết, ICMP hoạt động trên diện tích 12.500 ha của Ban quản lý rừng phòng hộ Nhung Miên. Người dân trong khu vực sử dụng mô hình canh tác kết hợp tôm và RNM, với mỗi hộ dân được giao từ 3 - 5 ha rừng. Các ao tôm được liên kết với nhau qua một hệ thống dẫn nước và cửa cống. Cứ mỗi nửa tháng, vào kì nước triều cao, cửa cống được mở ra lấy nước, đồng thời thu hút thêm cá và ấu trùng tôm. Khi triều thấp, cửa cống được mở trong khoảng 4-5 đêm, tôm trưởng thành bơi ra và được thu hoạch bằng túi lưới.

“Mô hình này không sử dụng thức ăn công nghiệp, không sử dụng hóa chất, các loại phân bón và hầu như không sử dụng quạt để tán oxy. Phương thức canh tác sử dụng thủy triều là chủ yếu để thay đổi nước và khi thu hoạch. Mô hình này có mật độ thả và năng suất cũng thấp, khoảng 350 – 400 kg/ha so với 10.000kg/ ha của nuôi tôm công nghiệp, nhưng sản phẩm thu hoạch lại đa dạng (gồm tôm bạc, tôm đất, cua, cá, nghêu, sò.. ) và chi phí bỏ ra không nhiều cũng như rủi ro mất mùa không cao. Ví dụ điển hình là các trại nuôi tôm ở huyện Ngọc Hiển đã không bị ảnh hưởng trong khi dịch bệnh gây thiệt hại nặng khu vực nuôi tôm công nghiệp vào năm 2012-2013 vừa qua”, ông Bửu chia sẻ.

Bên cạnh đó, đây còn là một mô hình nuôi tôm mang lại lợi ích quan trọng trong việc duy trì bền vững hệ sinh thái RNM khi chỉ sử dụng 40% đất cho nuôi thủy sản và 60% cho RNM. Mô hình còn cải thiện được tính đa dạng sinh học của cả dải đồng bằng ven biển qua việc khuyến khích trồng rừng trở lại và rừng cũng được chính người dân bảo vệ khá tốt.

Mặt khác, mô hình này không những chỉ ít bị ảnh hưởng trước các biến động của thị trường và dịch bệnh, mà còn rất ổn định và cho thu nhập cao. Một nghiên cứu của Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) kết hợp với SNV tiến hành vào năm 2013 đã chỉ ra rằng tổng thu nhập của mô hình tôm – RNM là 2.142 USD/ hecta / năm, cao gấp 2 lần hình thức nuôi tôm truyền thống, hay mô hình tôm - lúa (khoảng 1.000 - 1.300 USD/ hecta/ năm).

Bắt tay với doanh nghiệp phát triển tôm sinh thái

Theo yêu cầu, để được chứng nhận tôm sinh thái, ít nhất 50% diện tích ao nuôi phải được phủ rừng và ao nuôi phải được một tổ chức thứ 3 thanh kiểm tra thường xuyên để đảm bảo tuân thủ các chỉ tiêu chứng nhận.

Tháng 3/2013, tổ chức SNV đã đàm phán với Công ty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, công ty có giá trị XK tôm hàng đầu Việt Nam, cam kết mua toàn bộ sản phẩm tôm được chứng nhận (cả lớn lẫn nhỏ) giá cao hơn 10% so với giá thị trường (giá hiện nay mua tại hộ dân cho tôm cỡ 20con/kg là 300.000 VND/kg hay 15USD/ kg). Đồng thời Minh Phú cũng đã cam kết sẽ trả toàn bộ chi phí kiểm tra hàng năm, chi phí cho hệ thống kiểm soát nội bộ (ICS) để duy trì chuỗi cung ứng từ hộ nuôi tôm đến nhà máy.

SNV cũng đã tổ chức tập huấn cho 1008 hộ dân nuôi tôm, trong đó 783 hộ dân đã đồng ý đăng ký tham gia dự án. Hiện nay đã có 27 nhóm nông dân được thành lập, mỗi nhóm gồm 30 - 40 thành viên bầu 1 nhóm trưởng. Để giảm chi phí và tăng cường sự tuân thủ các tiêu chuẩn qua hoạt động tự giám sát, việc chứng nhận sẽ được tiến hành theo nhóm hộ dân chứ không phải là từng hộ cá thể.

“Đến thời điểm này năm 2014 đã có khoảng 14.000ha với 3.000 hộ sản xuất nhóm đã được chứng nhận sinh thái, năm 2020 tỉnh Cà Mau hướng tới mục tiêu đạt mức 20.000ha với 5.000 hộ nuôi. Hiện nay, 3 doanh nghiệp đã phối hợp với ban quản lý rừng để tiến hành nuôi tôm sinh thái, gồm Công ty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, Công ty CP Chế biến Thủy sản & XNK Cà Mau (Camimex) và Công ty CP XNK Thủy sản Năm Căn (Seanamico)”, ông Đặng Công Bửu cho biết.

“Với dự án ICMP và GIZ, chúng tôi sẽ cố gắng tiếp tục hỗ trợ cho tỉnh Cà Mau giải quyết các vướng mắc trong thực hiện dự án. Giai đoạn 2014 - 2017, chúng tôi sẽ thực hiện một số hoạt động nhằm xây dựng chiến lược phát triển thủy sản cho ĐBSCL, đồng thời sẽ tiến hành khảo sát nhu cầu thị trường đối với các loại tôm sinh thái và thực hiện hoạt động hợp tác công tư (PPP), thiết lập một sự liên kết bền vững giữa người nuôi, nhà chế biến và người tiêu dùng”, ông Đặng Công Bửu khẳng định.


Related news

tai-cau-truc-nganh-ca-tra-phai-bat-dau-tu-khau-phan-phoi Tái Cấu Trúc Ngành Cá… dong-thap-thu-hoach-tren-368-ngan-tan-ca-tra Đồng Tháp Thu Hoạch Trên…