Tôm thẻ chân trắng nguy cơ hay cơ hội?
Một số mô hình nuôi thẻ chân trắng thành công càng kích thích mạnh mẽ bà con quan tâm đối tượng này, không ngừng mở rộng diện tích nuôi, gia tăng mật độ nuôi, nuôi liên tục bởi chu kỳ nuôi tôm thẻ chân trắng ngắn. Chúng ta đều biết rằng trong nuôi trồng thủy sản, chất lượng giống ảnh hưởng lớn đến sự thành công của mô hình. Trong quá trình kiễm soát của các cơ quan chức năng, gặp rất nhiều khó khăn trong việc xác định nguồn gốc và chất lượng con giống, con giống tôm thẻ chân trắng trôi nổi vẫn được bà con thả nuôi rất vô tư.
Vấn đề đặt ra ở đây, chúng ta thử suy nghĩ xem tôm thẻ chân trắng là vật nuôi cơ hội hay nguy cơ, tiềm năng hay tiềm ẩn, liệu nuôi tôm thẻ chân trắng có thể lỗ trắng tay như nuôi tôm sú không ? Những câu hỏi trên là một bài toán với những ẩn số rất lớn mà chưa có lời giải, và hơn lúc nào hết, bà con cần thận trọng, kỹ lưỡng với đối tượng tôm thẻ chân trắng là điều không thừa. Với bà con, hiện nay tôm thẻ chân trắng được đánh giá là vật nuôi có ưu điểm vượt trội so với tôm sú như nuôi mật độ dày, thời gian nuôi ngắn, ít bệnh, không kén môi trường, năng suất cao, hệ số qui đổi thức ăn thấp, lãi lớn…
Với đánh giá như vậy nên một số bà con dù không nằm trong vùng qui hoạch được nuôi tôm thẻ chân trắng cũng tiến hành thả nuôi bất chấp những khuyến cáo của chính quyền địa phương, cơ quan chức năng chuyên nghành. Thậm chí một số bà con dù ao hồ, điều kiện đất đai, nguồn nước, môi trường,…không phù hợp với việc nuôi tôm thẻ chân trắng những vẫn cứ âm thầm thả nuôi. Bà con cần hết sức thận trọng, tỉnh táo khi triển khai nuôi đối tượng này, vì đây là đối tượng thủy sản mới, những diễn biến dịch bệnh chúng ta chưa có nhiều kinh nghiệm để đánh giá, nhận biết, phòng ngừa, và điều trị.
Tôm thẻ chân trắng là vật nuôi có điều kiện, các nhà chuyên môn đã thận trọng khảo sát môi trường, rút tỉa nhiều kinh nghiệm xương máu từ các nước đi trước, đưa ra các điều kiện môi trường, khuyến cáo kỹ thuật áp dụng cho các vùng nuôi tôm thẻ chân trắng tại Việt Nam, yêu cầu người nuôi tuân thủ khi nuôi tôm thẻ chân trắng, không lý do gì mà khuyến cáo bà con những điều không quan trọng. Trên thị trường, con tôm thẻ chân trắng đã trở thành vật nuôi chiến lược của một số nước ở khu vực Nam Mỹ như Brazil, Ecuador, Peru, Columbia, Honduras, Guatemala, El Salvador …hay các nước ở khu vực Châu Á như Trung Quốc, Thailand, Ấn Độ…
Sản phẩm tôm chân trắng của Việt Nam trong tương lai chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc cạnh tranh về tiêu chuẩn kỹ thuật nuôi, điều kiện nuôi đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, chất lượng hàng hóa, giá cả. Bài học về con tôm sú, con cá Tra còn đó, đây là những đối tượng một thời gian được xem là thế mạnh trong nuôi trồng thủy sản của chúng ta, vậy mà chúng ta còn phải chịu thiệt thòi khi các vụ kiện bán phá giá sảy ra, và người chịu thiệt thòi nhất là nông dân, người trực tiếp sản xuất.
Giá bán thấp, hàng hóa ứ đọng, chí phí thức ăn, xăng dầu, nguyên liệu tăng cao mỗi ngày, lãi suất ngân hàng ngày một tích đọng nhiều thêm. Trước đây con tôm sú cũng từng được đánh giá là đối tượng dễ nuôi, phù hợp nhiều loại hình nuôi, không kén chọn môi trường nuôi, ít bệnh, nguồn giống chủ động, giá thành sản xuất thấp, lãi cao, vòng quay vốn nhanh…Rất nhiều mỹ từ ưu ái cho đối tượng này, nhưng rồi, cùng với sự phá vỡ qui hoạch, các mô hình nuôi dần tiến đến biên và ra ngoài tầm kiểm soát của cơ quan chức năng. Nuôi lấp vụ không còn vụ chính, vụ phụ, dùng đủ loại thức ăn, có gì cho ăn nấy, phát triển rầm rộ mang tính phong trào.
Biện pháp nuôi luân canh mùa vụ, luân canh đối tượng nuôi, để cắt đứt vòng đời dịch bệnh trong ao nuôi ít được bà con quan tâm, áp dụng. Có thể nói ở những vùng ven biển thời điểm ấy nhà nhà nuôi tôm sú, người người nuôi tôm sú, đi đâu cũng chỉ quẩn quanh câu chuyện con tôm sú…Nhưng chính việc phát triển không theo qui hoạch, phá vỡ qui hoạch, phát triển các mô hình nuôi tôm sú mang tính phong trào, không có sự đồng bộ giữa các yếu tố kỹ thuật, môi trường, qui hoạch vùng sản xuất, con giống và chất lượng con giống…, nên hầu hết các mô hình nuôi tôm sú đều phát triển rất khập khiểng, thiếu tính an toàn, bền vững, và hậu quả như ngày hôm nay, một không khí ảm đạm bao trùm khắp vùng nuôi tôm trên cả nước.
Phá vỡ thế cân bằng môi trường sinh thái, phát triển đi ngược qui luật an toàn, bền vững, triển khai các mô hình nuôi tôm theo kiểu tự phát, “ ăn sổi ở thì” chính chúng ta chứ không ai khác và thế hệ mai sau phải chịu những tổn thất vật chất, tinh thần không gì bù đắp được. Sau đối tượng tôm sú bà con tìm đến con tôm thẻ chân trắng để an ủi phần nào những thiệt thòi đã qua do con tôm sú mang lại. Nhưng bà con đã bao giờ tự hỏi, sau con tôm thẻ chân trắng liệu còn đối tượng nào để thay thế, để an ủi nữa không ? Liệu rằng với việc dùng thuốc, hóa chất, chế phẩm lạm dụng như hiện nay, môi trường nuôi này còn khả năng cải tạo, sử dụng cho đối tượng khác? Trước nguy cơ môi trường nuôi ngày càng ô nhiễm, thời tiết khí hậu diễn biến thất thường…chúng ta phải làm gì để có thể sản xuất, nuôi trồng đối tượng tôm thẻ chân trắng an toàn, bền vững, để đối tượng nuôi này thực sự là vật nuôi có hiệu quả ?
Theo tôi để phát triển hiệu quả các mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng theo hướng an toàn, bền vững bà con cần tuân thủ một số yêu cầu sau: Chỉ nuôi tôm thẻ chân trắng trong vùng đã được qui hoạch rõ ràng, có đầu tư cơ sở hạ tầng đường, điện đầy đủ, hệ thống thủy lợi tương đối hoàn chỉnh. Thời vụ nuôi tôm áp dụng chính vụ từ tháng 1-5, vụ phụ từ tháng 7-11. Chỉ áp dụng phương thức nuôi thâm canh, trong hệ thống nuôi có trang bị ao lắng lọc chiếm 25-30% so với diện tích toàn trại nuôi, ao xử lý nước thải chiếm 5-10% diện tích toàn trại và ao nuôi.
Có hệ thống cấp, thoát nước riêng biệt. Diện tích ao nuôi thích hợp từ 0.8-1ha, bờ ao cao từ 1.2-1.5m, rộng từ 2-4m, được đầm nén kỹ. Áp dụng các biện pháp xử lý, cải tạo ao tuần tự như các mô hình nuôi tôm sú. Gây màu nước xanh noãn chuối non hoặc vàng vỏ đậu xanh bằng phân DAP liều lượng 300-500g/100m2 ao nuôi. Chọn tôm giống có nguồn gốc rõ ràng, đã qua kiễm dịch chất lượng, chọn tôm giống postlarvae 12-15 có kích thước 1-1.2mm, đồng đều cỡ loại. Mật độ thả an toàn trong khoảng 70-80con/m2 ao, nên thả tôm giống vào sáng sớm hoặc chiều mát. Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh chỉ dùng thức ăn công nghiệp dạng viên có hàm lượng đạm từ 28-35%.
Khi cho tôm ăn lưu ý đến liều lượng, thời điểm, vị trí, lần ăn, cách thức cho ăn, thời tiết, chất lượng môi trường, khí hậu, tình trạng sức khỏe tôm, thời gian nuôi. Dùng máng ăn chủ động điều chỉnh theo nhu cầu sử dụng hàng ngày của tôm nuôi, lượng ăn bình quân mỗi ngày chiếm 5-7% so với trọng lượng cơ thể tôm. Ngày cho tôm ăn trung bình từ 4-6 lần, trong thức ăn nên trộn thêm vitamine C, Premix lượng 2-3g/kg thức ăn. Chủ động thay nước khi môi trường ô nhiễm, chỉ thay nước lấy từ ao lắng sang, lượng nước thay từ 30-50%.
Định kỳ dùng chế phẩm sinh học, cải thiện chất lượng đáy ao. Từ ngày thả giống đến ngày nuôi thứ 40 quạt nước ban đêm, từ ngày thứ 40 trở đi quạt nước cả ngày, đêm trung bình 4-6h/lần. Hạn chế dùng thuốc, hóa chất ở mức lạm dụng, thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ, thuốc nằm trong danh mục cấm. Chủ động phòng bệnh thông qua việc quản lý môi trường, đảm bảo sức khỏe tôm nuôi.
Tags: tom the chan trang, ky thuat nuoi tom the chan trang, tom the chan trang, nuoi thuy san
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao