Mô hình kinh tế Tôm Việt Nam Bị Áp Thuế Chống Trợ Cấp Trở Lực Của Nghề Nuôi Thủy Sản

Tôm Việt Nam Bị Áp Thuế Chống Trợ Cấp Trở Lực Của Nghề Nuôi Thủy Sản

Publish date Friday. June 28th, 2013

Các doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản và nhiều hộ nuôi tôm đang lo lắng trước thông tin Bộ Thương mại Hoa Kỳ quyết định sơ bộ, áp thuế chống trợ cấp tôm nhập từ Việt Nam lên mức rất cao từ 5,08%-7,05%.

Trong khi con tôm đang phải đối mặt với vô số khó khăn chưa có dấu hiệu khả quan, việc áp thuế cao hiện nay vô tình tạo thêm trở lực đối với sự hồi sức của ngành nuôi thuỷ sản. Bởi lẽ, con đường xuất khẩu của doanh nghiệp bị thu hẹp thì người nuôi tôm cũng chịu hệ lụy không kém.

Theo quyết định sơ bộ của Bộ Thương mại Hoa Kỳ, Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú và Công ty Nha Trang Seafoods F17 chịu mức thuế suất riêng lần lượt 5,08% và 7,05%. Mức thuế toàn quốc cho các công ty khác phải chịu là 6,07%.

Gồng mình cõng thuế

Bất bình với phán quyết trên, ông Lý Văn Thuận, Hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Cà Mau (CASEP), cho rằng, phán quyết sơ bộ áp thuế chống trợ cấp của Bộ Thương mại Hoa Kỳ áp đặt lên con tôm của Việt Nam, trong đó có con tôm Cà Mau, là quyết định không công bằng khi đánh 2 loại thuế lên cùng một sản phẩm.

Quyết định này không chỉ làm ảnh hưởng trực tiếp đến doanh nghiệp xuất khẩu tôm mà còn ảnh hưởng gián tiếp đến đời sống của hàng chục ngàn hộ nông dân nuôi tôm.

Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú, bức xúc: Mức áp thuế trên sẽ gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp, nhất là trong thời điểm xuất khẩu gặp nhiều khó khăn như hiện nay.

Về cơ bản, trước nay các doanh nghiệp ngành tôm chủ động mọi hoạt động của đơn vị mình, không có chuyện nhận trợ cấp từ Nhà nước. Kể cả khi vay vốn từ các ngân hàng thương mại, doanh nghiệp cũng tự quan hệ để tìm mức lãi suất hợp lý với điều kiện kinh doanh của công ty.

Xuất khẩu thuỷ sản là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Theo kế hoạch, năm 2013 kim ngạch xuất khẩu đạt 1 tỷ USD. Mỹ là một trong những thị trường lớn đóng vai trò quan trọng trong xuất khẩu tôm. Do đó, việc tăng thuế của Bộ Thương mại Hoa Kỳ sẽ gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp và cả người nuôi tôm.

Tính từ đầu năm đến nay, kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản đạt 304,5 triệu USD, bằng 29% kế hoạch, giảm 12,3% so cùng kỳ năm trước.  Nguyên nhân do tình hình kinh tế thế giới còn khó khăn, nhất là ở các thị trường xuất khẩu trọng điểm của tỉnh (Mỹ, Nhật, EU…), nên kim ngạch xuất khẩu giảm so với cùng kỳ.

Nông dân chịu thiệt

Theo dự kiến ngày 10/8 tới, Bộ Thương mại Hoa Kỳ mới ra phán quyết cuối cùng. Vừa qua, lãnh đạo UBND tỉnh cùng các sở, ban, ngành có buổi làm việc với đoàn cán bộ Bộ Thương mại Hoa Kỳ về những điều chưa hợp lý trong áp thuế từ con tôm, nhằm kéo giảm mức áp thuế xuống thấp nhất.

Dịch bệnh làm tôm nuôi chết khéo dài chưa tìm ra lối thoát cho nông dân, nay lại bị Bộ Thương mại Hoa Kỳ có quyết định sơ bộ áp thuế chống trợ cấp từ con tôm làm cho người nuôi tôm vô cùng lo lắng.

Anh Trần Văn Hải, xã Tân Hưng, huyện Cái Nước, thở dài: Thông tin nước Mỹ tăng thuế nhập khẩu hàng xuất khẩu thuỷ sản xuất sang nước này trước mắt gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp. Sau đó, ít nhiều doanh nghiệp cũng hạ giá mua tôm để bù đắp lại phần đánh thuế, cuối cùng chỉ có người nuôi tôm chịu thiệt.

Chị Nguyễn Kim Thoa, xã Lương Thế Trân, huyện Cái Nước, bức xúc: Trước tình hình dịch bệnh, tôm chết kéo dài đa số người nuôi tôm mắc nợ, nay Mỹ tăng thuế người dân vốn khó khăn nay lại chồng thêm khó khăn. 

Nhiều nông dân cho biết, ngay sau khi Bộ Thương mại Hoa Kỳ có quyết định sơ bộ áp thuế chống trợ cấp, giá tôm bắt đầu sụt giảm. Hiện tôm sú loại 20 con/kg con có giá 230.000 đồng/kg, loại 30 con/kg giá 180.000 đồng, loại 40 con/kg giá 155.000 đồng. Riêng tôm thẻ chân trắng giá giảm còn 95.000 đồng/kg… Bình quân giảm 2.000-5.000 đồng/kg so thời điểm Bộ Thương mại Hoa Kỳ chưa đưa ra quyết định sơ bộ tăng thuế chống trợ cấp.

Việc người nuôi tôm cần nhất hiện nay là ngành chức năng kiểm soát chặt mầm bệnh trên con giống, để cung ứng được cho dân giống tôm chất lượng để nuôi, tránh thiệt hại. Nhà nước cần sớm đầu tư hệ thống thuỷ lợi hiện còn rất yếu kém, cải thiện môi trường nuôi tôm đang xuống cấp trầm trọng và có biện pháp khống chế dịch bệnh.


Related news

ran-ho-heo-doi-tuong-nuoi-moi-cua-nha-nong-1 Rắn Hổ Hèo – Đối… nguyen-nhan-gay-hoi-chung-chet-som-o-tom-1 Nguyên Nhân Gây Hội Chứng…