Mô hình kinh tế Trả nợ mua chè tươi bằng trà

Trả nợ mua chè tươi bằng trà

Publish date Monday. October 12th, 2015

Trước đó, các doanh nghiệp chế biến sản phẩm chè oolong tại TP Đà Lạt và Bảo Lộc (Lâm Đồng) đã tuyên bố ngừng mua hoặc mua với số lượng rất ít do xuất khẩu khó khăn, hàng tồn kho nhiều.

Việc xuất hiện tin đồn chè VN bị nhiễm độc khiến nhiều người Đài Loan và Trung Quốc e ngại.

Người tiêu dùng tại hai thị trường này chỉ biết rằng chè VN nói chung, không phân biệt chè oolong cao cấp hay chè đen nên chúng tôi bị gặp vạ là điều đương nhiên Ông LIU STUNG CHING (chủ tịch HĐQT Công ty trà oolong Tứ Hải)

Người trồng chè điêu đứng

Ông Nguyễn Long Vương, giám đốc Công ty TNHH chè Vương Tâm (TP Bảo Lộc), cho biết công ty ông chuyên trồng chè oolong hợp đồng bán cho nhà máy chế biến với giá 30.000 đồng/kg, nhưng hiện đơn vị mua đang... khất nợ. Nhưng nếu bán cho công ty khác giá chỉ còn khoảng 25.000 đồng/kg sẽ lỗ nặng.

“Do khó khăn, phía doanh nghiệp mua chế biến còn gợi ý trả nợ còn thiếu bằng... trà thành phẩm nếu chúng tôi tìm được nguồn tiêu thụ.

Nhưng họ là doanh nghiệp lớn còn không bán được trà, chúng tôi biết bán đi đâu?” - ông Vương chia sẻ.

Cũng như doanh nghiệp, hàng ngàn hộ trồng chè oolong tại TP Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm - thủ phủ chè của tỉnh Lâm Đồng - đang lâm vào cảnh “sống dở chết dở” do không tiêu thụ được.

Những gia đình trồng nhỏ lẻ với quy mô từ vài sào đến 1ha không tìm được nơi mua, phải bán trôi nổi với giá rẻ mạt chưa từng có.

Bà Đinh Thị Sáu (xã Đam Bri, TP Bảo Lộc) cho biết nhiều tháng nay chè oolong thu hoạch từ 2ha của gia đình bà phải đưa đi bán trôi nổi với giá 15.000 đồng/kg, chỉ bằng một nửa so với trước do công ty mua trước đây từ chối.

“Chè oolong rất khó tính, đòi hỏi phải đầu tư, chăm sóc với chi phí rất cao. Nếu cứ đà này, sắp tới tôi sẽ bỏ mặc để chè già, hái lá bán bằng giá chè bình dân (chè cành, chè hạt)” - bà Sáu chia sẻ.

Ông Phạm Đình Bảy - xã Đam Bri, chủ trại chè oolong - cũng rầu rĩ cho biết sau khi công ty thông báo ngưng mua, nhiều tháng nay gia đình ông phải vất vả tìm nơi khác bán chè nguyên liệu với giá rất thấp.

“Nếu tình hình tiêu thụ vẫn gặp khó khăn, chắc tôi sẽ nhổ bỏ chè oolong để trồng cà phê” - ông Bảy cho biết.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng - phó chủ tịch UBND xã Đam Bri, chỉ riêng xã đã có gần 160ha chè oolong, đồng nghĩa với việc cả trăm hộ dân bị ảnh hưởng theo.

“Người dân phụ thuộc hoàn toàn vào các công ty chế biến nên dù chỉ một công ty gặp nạn, hàng chục hộ dân sẽ lãnh hậu quả” - ông Hùng nhận xét.

Tại khu vực trồng chè oolong Cầu Đất (TP Đà Lạt) nổi tiếng cả nước, hàng trăm người dân thấp thỏm đứng ngồi không yên vì hai trong bốn công ty sản xuất chè tại đây rơi vào cảnh khó khăn.

Trong khi Công ty TNHH Hà Linh (xã Trạm Hành, TP Đà Lạt) gặp nạn do giám đốc bị sát hại tại Trung Quốc nên phải dừng hoạt động mua, các công ty khác cũng thông báo hạn chế hoặc dừng hẳn mua do không xuất khẩu được chè thành phẩm.

 Xử lý trà oolong tươi bằng nong tre để tránh phát sinh tạp chất trong sản xuất của Công ty Fusheng - Ảnh: C.Thành

Doanh nghiệp chế biến chè đi... trồng hoa

Trước đó giữa tháng 9-2015, Công ty TNHH chè Fusheng (xã Trạm Hành, TP Đà Lạt) đã thông báo ngừng mua chè để chuyển đổi hướng kinh doanh một phần sang trồng hoa lan vũ nữ và hồ điệp, chuyện rất hiếm khi xảy ra với khu vực chè Cầu Đất, đã gây “choáng váng” đối với nhiều người trồng chè.

Trong thông báo gửi 28 hộ dân liên kết sản xuất, ông Han Wen Te - giám đốc công ty - phải cay đắng cho biết công ty lực bất tòng tâm, không thể duy trì đầu ra cho trà oolong thành phẩm.

Theo bà Lê Thanh Định - phó giám đốc Công ty Fusheng, hiện công ty đang tồn kho tới 70 tấn chè oolong thành phẩm do các đối tác phía Đài Loan thông báo dừng mua “đột xuất” từ tháng 4 tới nay.

“Chúng tôi đã tìm đủ cách nhưng vẫn chưa có đầu ra. Việc chúng tôi chuyển dịch kinh doanh một phần sang trồng hoa là quyết định khó khăn nhưng không còn cách nào khác” - bà Định nói.

Trong khi đó, ông Liu Stung Ching - chủ tịch HĐQT Công ty trà oolong Tứ Hải (TP Bảo Lộc) - cho biết trong khi mọi năm công ty xuất được 10 - 20 tấn chè thành phẩm/tháng, nhưng sáu tháng nay cứ hai tháng mới xuất được một công chè và cũng chưa ổn định.

Hiện tại công ty còn tồn kho khoảng 40 tấn. Do đó, theo ông Liu Stung Ching, công ty này buộc phải ra thông báo mua chè tươi hạn chế từ người dân để cân đối trong hoạt động sản xuất.

Ông Trần Quang Đăng - giám đốc Công ty TNHH thương mại sản xuất, xuất nhập khẩu Trí Việt (xã Lộc Tân, huyện Bảo Lâm) -  cho biết công ty ông có hợp đồng tiêu thụ chè nguyên liệu với 12 nhà vườn với sản lượng mua khoảng 40 tấn chè oolong tươi/tháng.

Tuy nhiên, công ty hiện phải từ chối mua chè với tất cả đối tác vì nợ cũ chưa thanh toán được, trong khi chè thành phẩm tồn kho rất nhiều.

“Việc mua chè tươi trả chậm cũng không khả quan vì người dân khó khăn về vốn để tái đầu tư sản xuất” - ông Đăng cho biết.

Và không riêng gì ba công ty trên, các công ty sản xuất chè oolong cao cấp như Triệu Minh, Trí Việt, Phú Sơn... đóng trụ sở tại Lâm Đồng đều đang gặp khó khăn khi các mối hàng từ Đài Loan bất ngờ mua hạn chế, thậm chí ngừng mua hẳn với nhiều doanh nghiệp.

Mở rộng ra thị trường nội địa và châu Âu

Theo một lãnh đạo Sở Công thương tỉnh Lâm Đồng, hiện Đài Loan chiếm thị phần lớn trong việc nhập tới 90% mặt hàng chè oolong cao cấp từ VN và trong số 30 doanh nghiệp đăng ký sản xuất chè oolong tại Lâm Đồng có 24 doanh nghiệp Đài Loan.

Do đó khi thị trường này bị thu hẹp, hoạt động của các doanh nghiệp chè Đài Loan tại Lâm Đồng gặp khó khăn, người trồng chè trên địa bàn sẽ bị ảnh hưởng nặng.

Trong thời gian tới, tỉnh Lâm Đồng khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, mở rộng ra các thị trường tiềm năng khác. Đặc biệt là việc doanh nghiệp nên có chiến lược mở rộng thị trường nội địa và các nước châu Âu để giảm bớt dần tình trạng mua bán độc quyền loại chè này từ Đài Loan.

* Ông NGUYỄN VĂN SƠN (phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng):

Nhiều thông tin bất lợi

Việc xuất khẩu trà oolong gặp khó trong thời gian dài gần đây xuất phát từ tin đồn thất thiệt tại Đài Loan, Trung Quốc chè Lâm Đồng nhiễm chất độc da cam (dioxin) .

Đặc biệt, thông tin chè VN tồn dư vượt mức thuốc bảo vệ thực vật vào tháng 4 khiến uy tín chè oolong sụt giảm đáng kể.

Ngoài ra, lĩnh vực chè cao cấp đang có sự cạnh không lành mạnh giữa doanh nghiệp sản xuất chè oolong tại Đài Loan với chính các doanh nghiệp chè Đài Loan đóng tại Lâm Đồng, nên rất khó để cơ quan chức năng có thể nhúng tay giải quyết.

Trước mắt, để giúp hàng ngàn người dân đang gặp khó khăn do các công ty mua chè hạn chế, Sở NN&PTNT Lâm Đồng đang có công văn đề nghị các doanh nghiệp mua chè trả chậm cho dân.

Đồng thời công ty có giải pháp ứng trước thuốc, phân bón... cho người dân yên tâm sản xuất.

Chúng tôi sẽ sớm đề xuất một cuộc gặp giữa UBND tỉnh Lâm Đồng với Phòng kinh tế Đài Bắc tại TP.HCM cùng Chi hội chè Đài Loan ở Lâm Đồng để tìm hướng ra cho vụ việc bế tắc trên.

* Ông ĐOÀN TRỌNG PHƯƠNG (phó chủ tịch Hiệp hội Chè VN):

Có động cơ không lành mạnh từ bạn hàng Đài Loan

Sau khi Trung Quốc bắt đầu mua chè tại thị trường Đài Loan trong hai năm gần đây, liên tục xuất hiện những tin đồn thất thiệt bất lợi cho chè VN như chè nhiễm dioxin hay tồn dư thuốc bảo vệ thực vật.

Việc Đài Loan quy định mức tồn dư chất fipronil ở mức 0,001% là quá thấp so với mức 0,005% của tiêu chuẩn quốc tế cũng là việc rất khó hiểu.

Tôi cho rằng do có những động cơ không lành mạnh xuất phát từ phía bạn hàng Đài Loan khiến việc xuất khẩu chè oolong thời gian này thật sự gặp khó khăn.


Related news

nhap-duong-cua-nha-dau-tu-viet-nam-tai-lao-duoc-uu-dai-thue-0 Nhập đường của nhà đầu… tpp-don-bay-trong-tai-co-cau-nong-nghiep TPP Đòn bẩy trong tái…