Tin nông nghiệp Trái cây rải vụ giúp tăng hiệu quả sản xuất tới 2 lần

Trái cây rải vụ giúp tăng hiệu quả sản xuất tới 2 lần

Author Minh Đảm, publish date Thursday. April 1st, 2021

Ở ĐBSCL, việc áp dụng kỹ thuật sản xuất trái cây rải vụ giúp tăng hiệu quả kinh tế từ 1,5 lần đến 2 lần so với chính vụ.

Sản xuất xoài rải vụ ở Vĩnh Long. Ảnh: Minh Đảm.

Năm 2013, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT đã ban hành kế hoạch sản xuất rải vụ trên 5 loại cây ăn quả chính gồm thanh long, xoài, chôm chôm, sầu riêng, nhãn.

Hiện nay, việc sản xuất rải vụ trên trái cây đã được các tỉnh ĐBSCL quan tâm chỉ đạo. So với mục tiêu, các địa phương đã thực hiện rải vụ trên cây thanh long vượt 30,2 nghìn ha, chôm chôm vượt 1,1 nghìn ha, sầu riêng vượt 0,3 nghìn ha, nhãn kém 5 nghìn ha, xoài kém 1,3 nghìn ha so với kế hoạch năm 2020.

Riêng năm 2020, sản xuất rải vụ gặp nhiều khó khăn nhất là ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và tình hình xâm nhập mặn dẫn đến thiếu nước tưới nên nông dân không tiến hành rải vụ ở một số nơi. Tổng diện tích rải vụ các loại trái cây chính ở ĐBSCL và Bình Thuận đạt 73,8 nghìn ha, chiếm 66,4% tổng diện tích thu hoạch với tổng sản lượng gần 1,25 triệu chiếm 57,1% tổng sản lượng.

ĐBSCL có diện tích cây quả lớn nhất cả nước với diện tích 377,7 nghìn ha, chiếm 33% cả nước.

Diện tích cây ăn quả từ năm 2010 đến 2020 liên tục tăng qua các năm.

Năm 2010, diện tích cây ăn quả toàn vùng là 287,3 nghìn ha, đến năm 2020 là 377,7 nghìn ha, tăng 90,4 nghìn ha.

Theo Cục Trồng trọt, những năm qua, nông dân đã có nhiều kinh nghiệm và áp dụng thành công quy trình kỹ thuật rải vụ. Sản xuất theo hướng GAP được bà con nông dân quan tâm.

Diện tích sản xuất GAP ngày càng được gia tăng đã tạo điều kiện nâng cao chất lượng, uy tín, phát triển thị trường tiêu thụ. Bên cạnh đó, công tác chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, khuyến nông rải vụ thu hoạch trái cây được các viện, trường và cơ quan chuyên môn nghiên cứu chuyển giao, cơ bản đáp ứng được yêu cầu của sản xuất. Kỹ thuật này giúp tăng hiệu quả kinh tế từ 1,5 lần đến 2 lần so sản xuất chính vụ.

Thanh long là cây trồng được nông dân thực hiện rải vụ lớn nhất với tỷ lệ lên đến 90%. Hiện các tỉnh ĐBSCL và Bình Thuận có diện tích thanh long rải vụ 45,1 nghìn ha, sản lượng rải vụ trên 846 nghìn tấn, chiếm 67% tổng sản lượng.

Bên cạnh đó, cây sầu riêng cũng là một trong những cây trồng được nông dân sản xuất rải vụ mang lại hiệu quả cao. Điển hình như giá thu mua sầu riêng mùa nghịch khoảng 60.000 đồng/kg, trong khi đó mùa thuận chỉ đạt từ 35.000 - 40.000 đồng/kg. Hiện, ĐBSCL có diện tích sầu riêng đạt trên 20 nghìn ha, trong đó diện tích cho trái trên 11.900 ha. Nông dân thực hiện sản xuất rải vụ trên 6.300 ha, tỷ lệ gần 53% tổng diện tích.

Các loại cây trồng khác như chôm chôm, nhãn, xoài, tỷ lệ sản xuất rải vụ cũng từ 42% tổng diện tích trở lên. Nhờ sản xuất rải vụ, trái cây ở ĐBSCL hầu như có quanh năm, đáp ứng nhu cầu thị trường. Hơn hết, chính sản xuất rải vụ khiến thị trường tiêu thụ không bị ùn ứ, dội chợ, giá cả ổn định mang lại thu nhập ổn định cho nhà vườn.


Related news

nong-dan-thang-lon-nho-canh-tac-lua-thong-minh Nông dân thắng lớn nhờ… nhung-giong-co-cuu-song-nganh-chan-nuoi-o-cao-nguyen-da Những giống cỏ 'cứu sống'…