Mô hình kinh tế Trang Trại Cây Con Khép Kín

Trang Trại Cây Con Khép Kín

Publish date Tuesday. March 4th, 2014

Trang trại 5 ha cây - con khép kín ở thị trấn Thạnh Mỹ, Đơn Dương (Lâm Đồng) không chỉ là nơi trao đổi kinh nghiệm của nông dân quanh vùng, mà còn là nơi nghiên cứu thực tế của sinh viên nhiều trường đại học trong nước.

Nối tiếp nghề ươm cây

Đó là Trang trại Phong Phú của anh Nguyễn Phong Phú (sinh năm 1968) bắt đầu khởi nghiệp với nghề ươm cây giống rau trên 0,7ha từ 18 năm về trước. Theo lời của anh Phú thì đây là nghề anh đã thực hành khi còn ở tuổi học sinh ở xã Lạc Lâm, huyện Đơn Dương.

Tốt nghiệp xong phổ thông trung học, thay vì học tiếp lên cao nữa, Phú quyết định trở về vườn ươm của gia đình để nối tiếp nghề ươm cây truyền thống.

“Tôi rất yêu thích nghề trồng trọt và chăn nuôi, nên từ nguồn vốn hỗ trợ 100 triệu đồng của gia đình, tôi đã cố gắng hết sức mình để không ngừng nhân lên nguồn vốn, từng bước mở rộng được trang trại như bây giờ…”- anh Phú kể.

Năm 1996, từ xã Lạc Lâm, anh Phú đến thị trấn Thạnh Mỹ trên cùng địa bàn huyện Đơn Dương chỉ cách xa vài cây số để mua 0,7 ha đất làm vườn ươm ngoài trời.

Anh phá bỏ toàn bộ cây cà phê và các cây hoa màu khô héo khác rồi san ủi mặt bằng, mua những xe chở đất màu mỡ từ nơi khác về đổ đắp lên. Hơn 10 giống rau gieo trực tiếp xuống đất đã nhanh chóng phát triển khá tốt, nông dân quanh vùng mua về trồng đạt năng suất cao, từ đó Vườn ươm Phong Phú dần dần được nhiều người biết đến.

Bước sang đầu những năm 2000, khi đã tích lũy một số nguồn vốn sản xuất và vốn vay của ngân hàng, anh Phú đã mạnh dạn đầu tư xây dựng lần lượt hoàn thành 0,5ha nhà kính ươm cây giống trên vỉ xốp, trong đó trang bị hoàn toàn hệ thống tưới nước tự động.

Chừng năm, bảy năm sau đó, với hàng chục triệu cây giống rau xuất bán mỗi năm, Vườn ươm Phong Phú đã tăng thu nhập vượt trội, anh Phú bắt tay vào triển khai mô hình kết nối sản xuất với chăn nuôi.

Lấy cây nuôi con

“Năm 2002, tôi mua thêm 4,5 ha đất để trồng cỏ, phát triển cả trăm con bò vàng…”- anh Phú kể tiếp. Theo đó, hàng năm với đàn bò vàng (bò thịt) trăm con, anh Phú thu về hàng trăm tấn phân chuồng làm nguồn phân bón chủ lực cho vườn ươm cây giống, sản xuất rau thương phẩm và bón cho đồng cỏ của mình.

Một lượng phân chuồng còn lại bán cho nông dân trồng trọt trong huyện Đơn Dương và huyện Đức Trọng. Đến năm 2008, nhu cầu chăn nuôi bò sữa ở Lâm Đồng bắt đầu khôi phục và mở rộng, cán bộ kỹ thuật ngành nông nghiệp huyện Đơn Dương thường xuyên bám sát địa bàn hướng dẫn nông dân về kỹ thuật chăn nuôi bò sữa mới, anh Phú chủ động chuyển đổi từ nuôi bò vàng sang nuôi bò sữa.

Anh lấy tiền bán hết đàn bò vàng trăm con để đầu tư đồng bộ những “hạng mục” gồm 10 con bò sữa, 3.000m2 chuồng trại; chuyển đổi 3 ha đất rau màu sang trồng giống cỏ sữa mới; trang bị nhiều máy cắt cỏ, xe chở cỏ và máy băm cỏ…

Đến nay, đàn bò sữa của Trang trại Phong Phú đã nhân lên hơn 40 con, trong đó hơn 20 con cho sữa đạt lãi trung bình 3 - 3,5 triệu đồng/con/tháng. Anh Phú đang hoàn chỉnh sáng chế dàn máy cắt cỏ liên hợp, cùng lúc hoạt động 3 chức năng cắt cỏ, chở cỏ và băm cỏ từ đồng cỏ đưa về chuồng trại cho bò ăn, giảm 2 công lao động và giảm thời gian 6 giờ mỗi ngày cho phần việc này.

Anh Phú ước tính mỗi năm với vườn ươm “thu hoạch” hàng chục triệu cây giống nêu trên, giá bán ổn định từ 80 - 150 đồng/cây và vườn rau 1 ha đa canh các loại rau… đã cho thu nhập lãi đáng kể cho đầu tư thâm canh đồng cỏ, nâng cấp chuồng trại chăn nuôi bò sữa.

Việc trồng cỏ luân canh trên đất rau của anh Phú được các trường đại học chuyên ngành nông nghiệp trong nước đánh giá cao và đã đưa sinh viên về đây nghiên cứu hiệu quả diệt trừ mầm bệnh gây hại, tăng khả năng hấp thu dinh dưỡng của từng “mùa cây trồng” trong đất.

Ngoài ra Trang trại Phong Phú còn có doanh thu trên diện tích 5.000m2 cây kiểng, hàng năm bán sỉ và bán lẻ hàng ngàn chậu cây các loại, trong đó có khá nhiều loại cây quý có tuổi đời từ 30 - 60 năm như: tùng búp, cây xanh, đỗ quyên, dâu tằm…

Bây giờ cơ ngơi của Trang trại Phong Phú trên 5 ha tại Thạnh Mỹ ước tính giá trị khoảng 20 tỷ đồng, đã trở thành điển hình sản xuất - chăn nuôi giỏi liên tục nhiều năm của huyện Đơn Dương và của tỉnh Lâm Đồng. Hướng phát triển năm nay của Trang trại vẫn lấy doanh thu từ cây trồng các loại (kể cả cây kiểng) để tiếp tục tăng đàn bò sữa lên thành 50 con cho sữa quanh năm.


Related news

cau-bi-dau-ra Cau Bí Đầu Ra san-xuat-tren-1-100-tan-lua-giong-trong-vu-dong-xuan-2013-2014 Sản Xuất Trên 1.100 Tấn…