Tin nông nghiệp Trang trại nấm của kỹ sư trẻ

Trang trại nấm của kỹ sư trẻ

Author SGGP, publish date Saturday. March 10th, 2018

Lần khởi nghiệp đầu tiên của Bùi Công Đức (ảnh, 33 tuổi, ngụ phường Linh Đông, quận Thủ Đức, TPHCM) là mô hình trồng nấm rơm. Bị thất bại, chàng kỹ sư Trường Đại học Nông Lâm TPHCM chuyển sang nấm bào ngư, rồi sau đó quyết định quay lại với nấm rơm… 

Trang trại nấm của kỹ sư trẻ

Sau một thời gian dốc công sức nghiên cứu, thử nghiệm, chàng kỹ sư trẻ đã từng bước vượt qua thất bại và đi đến thành công như hôm nay. Hiện trang trại nấm của anh giúp hơn 10 thanh niên ở địa phương có việc làm ổn định; riêng bản thân Đức thu được hơn 15 triệu đồng/tháng.

Từ những thành công đó, Bùi Công Đức được giới thiệu làm Phó Chủ tịch Hội Nông dân phường Linh Đông, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Người trẻ khởi nghiệp của quận, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Hỗ trợ thanh niên làm kinh tế của phường… Thông qua đó, Đức tích cực hỗ trợ các hộ trồng nấm trên địa bàn cũng như các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp đô thị (như trồng rau thủy canh, dịch vụ nông nghiệp…) phù hợp với tình hình sản xuất tại địa phương. 

Nhắc về quá trình khởi nghiệp của mình, Đức kể: “Tuy Thủ Đức là địa phương có thế mạnh nông nghiệp về bonsai và mai kiểng, nhưng với nhiệt huyết của tuổi trẻ, tôi muốn mình có một cái gì đó mới, để làm tiền đề cho những người trẻ phát triển rộng hơn, xa hơn; vì vậy tôi đã chọn nấm rơm là mô hình đầu tiên của mình”.

Để thực hiện tốt mô hình, ngoài nền tảng kiến thức từ nhà trường, Đức đã lặn lội xuống các tỉnh miền Tây và Đồng Nai học hỏi kinh nghiệm. Sau những chuyến đi đó, trang trại nấm rơm trồng trong nhà của Đức được xây dựng, nhưng lần đầu tiên ấy đã thất bại. “Tôi thực hiện đầy đủ các quy trình, từ vệ sinh, cải tạo nguyên liệu trồng, cấy meo, thông thường đến ngày thứ 12 sẽ thu hoạch. Cứ tưởng bội thu, nhưng… cả trại nấm không có chiếc mầm nào nhú lên”, Đức hồi tưởng. Lần đầu không thành công, cụt vốn. Không nản chí, Đức vay tiền từ bạn bè, người thân và tìm đến Quỹ Hỗ trợ nông dân của quận Thủ Đức để được hỗ trợ.

Chàng kỹ sư trẻ bắt đầu lại hành trình khởi nghiệp, với tổng số tiền vay được gần 50 triệu đồng. Lần này, Đức tìm đến những “quân sư” ở Khu Nông nghiệp công nghệ cao TPHCM và Viện Công nghệ sinh học (Trường Đại học Nông Lâm TPHCM) nhờ tư vấn, hỗ trợ. Các chuyên gia khuyên Đức nên thử với mô hình nấm bào ngư và khi áp dụng đã thành công. Từ số vốn 50 triệu đồng cùng 3.000 phôi giống, trang trại nấm của Đức đã phát triển lên đến 14.000 phôi và năm 2017 diện tích nuôi trồng nấm tăng từ 700m²  lên 3.000m².

Tuy đã thành công, nhưng vốn là một người năng động, Đức khảo sát, nhận thấy trên thị trường cũng như thực tế ở địa phương có nhiều mô hình trồng nấm bào ngư, dẫn đến nguồn cung dư và giảm giá. Do đó, từ những tháng cuối năm 2017, Bùi Công Đức quay lại với mô hình nấm rơm vì ít người trồng, đầu ra cho sản phẩm sẽ rộng hơn và giá cao hơn.

Đức chia sẻ, bình quân mỗi ngày trại nấm của anh cung cấp cho thương lái 15 - 20kg, lợi nhuận hơn 15 triệu đồng/tháng. Không chỉ có thu nhập cao, trang trại nấm của Đức hiện cũng là nơi để các cơ cở Đoàn thanh niên, trường học đến tham quan, học tập kinh nghiệm, như các chương trình: Một ngày làm nông dân, Em yêu thiên nhiên, Khám phá đam mê - Khởi nghiệp trong tay, Thử tài làm nông dân... 


Related news

nguong-mo-mot-xa-thu-hon-30-ty-tu-trong-hoa-lay-on-vu-tet-mau-tuat Ngưỡng mộ một xã thu… cach-trong-rau-sach-bang-phuong-phap-khi-canh-moi-nha-co-the-ap-dung Cách trồng rau sạch bằng…