Mô hình kinh tế Trang trại quý đông hướng đến sự phát triển bền vững

Trang trại quý đông hướng đến sự phát triển bền vững

Publish date Friday. July 24th, 2015

Mới ngoài bốn mươi nhưng anh đã có 25 năm kinh nghiệm làm vườn. Anh cũng không giống nhiều người là giấu nghề mà vừa làm vừa tích lũy kinh nghiệm rồi viết thành tài liệu để chia sẻ với những ai có nhu cầu. Hiện anh đã viết và in tài liệu về kỹ thuật trồng, chăm sóc cây sầu riêng, cây bơ Mỹ. Anh còn có tham vọng lớn hơn khi xây dựng trang trại của mình thành mô hình thực tiễn phát triển cây ăn trái đặc chủng của miền Đông.

“Người điên”

Rất nhiều người đã nói anh như thế khi năm 2011, giữa lúc giá cao su đang ở đỉnh với mức 30 ngàn đồng/kg, anh đã không ngần ngại chặt bỏ 10 ha cao su đang cho thu hoạch để chuyển sang trồng sầu riêng và các loại cây ăn trái khác. Sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm trang trại ở miền Tây nên từ nhỏ Dụng Quý Đông đã say mê với các loại cây ăn trái. Năm 1983, anh theo gia đình về Bình Phước lập nghiệp. Khi ấy rừng còn nhiều, chẳng ai cấm đoán nên anh vừa phát rừng vừa mua thêm đất để trồng cao su và điều như mọi nhà. Đến năm 2000, anh đã có 10 ha cao su và 3 ha sầu riêng giống Moon thon của riêng mình.

Vốn đam mê cây ăn trái, anh vừa làm vừa ghi chép tỉ mỉ đặc điểm sinh trưởng của cây sầu riêng rồi so sánh với cây cao su. Từ thực tế 3 ha sầu riêng của mình, anh Đông tính toán: mỗi ha trồng 200 cây. Sau 5 năm chăm sóc đúng kỹ thuật, mỗi cây cho bình quân 100kg trái thì sẽ thu được 20 tấn/ha. Thời điểm hiện tại, giá bán tại vườn 35 ngàn đồng/kg, trừ chi phí anh thu được ít nhất 500 triệu đồng/ha. “Hiện nay, cao su không thể so được với bất cứ cây ăn trái nào, nhưng kể cả lúc cao su lên đỉnh như năm 2011 thì 1ha sầu riêng chăm sóc tốt vẫn cho thu nhập cao gấp ba, bốn lần cao su. Hơn nữa, cây cao su phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường quốc tế và giá lên xuống theo chu kỳ. Nếu chỉ đầu tư vào cao su thì rủi ro rất cao. Đó là lý do tôi chặt bỏ 10 ha cao su đang thời hoàng kim để chuyển sang trồng sầu riêng và các loại cây ăn trái khác” - anh Đông lý giải chuyện mình thành “người điên”.

Làm vườn bằng tất cả niềm đam mê

Dẫn tôi vào trang trại rộng 20 ha ở ấp Suối Nhung, xã Tân Hưng, huyện Đồng Phú, anh chỉ con đường từ ngã ba Dây Điện vào trang trại và nói con đường này chỉ dài 1,5km nhưng anh đã đầu tư hơn 200 triệu đồng (thời điểm 2009) để làm. Từ đó đến nay đã qua 3 lần nâng cấp. Anh làm đường là để thuận tiện cho việc chuyển phân bón vào và chuyển nông sản ra. Nhưng nhờ đó, những người dân sống trong khu vực và có rẫy xung quanh cũng được hưởng lợi.

Trên diện tích 20 ha, anh quy hoạch thành từng khu vực trồng sầu riêng, măng cụt, bơ Mỹ, mít Thái và quýt đường. 2 ha điều già cỗi mới mua thêm, anh dự tính sẽ chuyển sang trồng bưởi da xanh trong nay mai. Sải bước trong khu vực trồng bơ Mỹ, anh Đông chia sẻ: Người xưa nói “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”. Nhưng từ kinh nghiệm bản thân, tôi nghiệm ra rằng giống phải là yếu tố đầu tiên. Thực tế có nhiều người làm trang trại nhưng chưa quan tâm đúng mức đến giống nên thất bại. Và anh dẫn chứng: Ông Ba Đảo ở xã Phước Tín, thị xã Phước Long là vua sầu riêng, nhưng vì giống của ông là loại chín hóa, khi chín đồng loạt không để được lâu nên thường bị ép giá. Vì thế, dù vườn sầu riêng đang rất sung sức nhưng ông vẫn phải chuyển dần sang các loại cây khác.

Nâng chùm trái ở một cây bơ mới bói, anh nói: Giống bơ này mới du nhập vào Việt Nam chưa lâu. Anh đã đích thân đến tận Viện giống cây trồng Eakmat tại Đắk Lắk để tìm mua và học cách làm giống. Anh quả quyết: Không chỉ có hàm lượng dinh dưỡng cao hơn rất nhiều so với giống bơ phổ biến hiện nay, nói về mùi vị thì những ai đã ăn bơ Mỹ một lần sẽ không ăn các loại bơ kia nữa. Đó là lý do khiến anh dành rất nhiều tâm huyết cho giống cây mới này. Theo tính toán của anh, mỗi ha trồng được 300 cây bơ. Sau 4 - 5 năm thì cho thu hoạch. Từ năm thứ 7 trở đi, sản lượng bình quân khoảng 50kg/cây. Giá bán tại vườn 50 ngàn đồng/kg thì tổng doanh thu là 750 triệu đồng/ha. Trừ chi phí chiếm khoảng 15% doanh thu thì lợi nhuận từ cây bơ Mỹ sẽ là trên 600 triệu đồng/ha.

Trong từng khu vực, cứ cách một quãng ngắn lại thấy một hố hình chữ nhật khá sâu và rộng. Anh giải thích: Những hố này nhằm ủ cây cỏ cho hoai mục để thay đất gốc. Mùa khô, những hố này thành hồ chứa nước tưới. Hèn gì đi trong khu vườn của anh, bất kể là cây đã lâu năm hay mới trồng, chỗ nào đất cũng tơi xốp. Vì vậy, cây trái trong toàn bộ khu vườn của anh chỗ nào cũng tốt tươi.

Đến khu vực trồng 1,5 ha sầu riêng 15 năm tuổi, anh chỉ mấy cây bị nứt vỏ và nói: Lứa sầu riêng này tôi trồng cùng thời điểm với trang trại của anh Tâm Sầu Riêng (phường Tân Xuân, thị xã Đồng Xoài). Hồi đó trang trại của anh Tâm lớn nhất Đồng Xoài cả về quy mô và hiệu quả. Nhưng đến khoảng năm 2002 - 2003 thì nhiều diện tích sầu riêng bị bệnh nấm gây xì mủ thân cây, làm khô vỏ dẫn đến cây bị chết. Trang trại của anh Tâm bị thiệt hại nặng. Còn tôi phải nỗ lực lắm mới cứu được vườn cây này, nhưng cũng chết mất một số cây. Anh vừa nói vừa vuốt vào những vết sẹo trên thân cây như chạm vào vết thương trên cơ thể vậy. Nhìn những cây sầu riêng trái lúc lỉu bám trên cành, anh Đông như nói với chính mình: Làm vườn mà không biết thương cây, chỉ khoán cho những người làm công thì không ăn thua. Mỗi khi căng thẳng hay mệt nhọc trong người, ra vườn là tôi quên hết!

Xây dựng thương hiệu cây ăn trái đặc chủng miền Đông

Anh Đông cho rằng, các chủ trang trại ở miền Đông và Bình Phước thường đổ xô trồng các loại cây công nghiệp như cao su, điều, cà phê, hồ tiêu. Nhưng các loại cây này lại chung một sân chơi với các đối thủ cạnh tranh lớn nên luôn tiềm ẩn rủi ro. Anh lý luận: 100 người thì nhiều lắm cũng chỉ 20 người có thói quen uống cà phê, nhưng có ít nhất 80 người ăn trái cây. Như vậy nhu cầu tiêu thụ trái cây rất lớn. Trong khi đó, các loại cây ăn trái đặc chủng như sầu riêng, quýt đường, bưởi da xanh, măng cụt và bơ Mỹ là lợi thế vượt trội của Bình Phước.

Thực tế cho thấy cây sầu riêng trồng ở Bình Phước có chất lượng ngang với miền Tây và vượt trội hơn Đồng Nai, Đắk Nông, Đắk Lắk. Riêng giống bơ Mỹ thì miền Tây không trồng được nên nông dân Bình Phước không sợ “đụng hàng”. Tâm huyết với cây bơ, anh Đông đã trồng 3 ha trong vườn và nhân giống cung cấp hơn 10 ngàn cây giống cho các trang trại trong tỉnh với lời hứa sẽ giúp họ bao tiêu sản phẩm. Là một nông dân thực thụ nhưng anh đã nghiền ngẫm và viết Đề án xây dựng mô hình phát triển cây ăn trái của mình để một ngày nào đó sẽ trình UBND tỉnh. Anh ao ước tỉnh quy hoạch thành những vùng cây ăn trái rộng lớn để khai thác tối đa lợi thế về đất đai, giảm chi phí sản xuất, có điều kiện áp dụng phương tiện kỹ thuật hiện đại và chủ động trong tiêu thụ nguồn hàng. Bởi nếu cứ làm ăn manh mún, nhỏ lẻ thì không thể nào vào được các thị trường lớn.

Tại hội thảo phát triển ngành điều tổ chức cuối năm 2014 tại Bình Phước, lúc đứng bên ngoài hội trường giao lưu với các chủ trang trại, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát hỏi mong muốn của các chủ trang trại ở Bình Phước là gì? Anh Đông mau miệng trả lời: Mong được phun thuốc cho cây trồng bằng trực thăng. Ý anh là phải quy hoạch được những vùng cây ăn trái rộng lớn chứ không phải làm manh mún như hiện nay.


Related news

binh-thuan-phong-benh-dom-nau-tren-thanh-long-vao-mua-mua Bình Thuận phòng bệnh đốm… luc-nam-co-san-luong-nhan-tang-500-tan Lục Nam có sản lượng…