Mô hình kinh tế Triển Khai Các Biện Pháp Cấp Bách Phòng Chống Dịch Bệnh Trên Tôm

Triển Khai Các Biện Pháp Cấp Bách Phòng Chống Dịch Bệnh Trên Tôm

Publish date Saturday. June 14th, 2014

Theo báo cáo của Cục Thú y, từ đầu năm 2014 đến 30/5/2014, diện tích nuôi tôm bị thiệt hại tại 232 xã, phường, thị trấn của 60 huyện, thị, thành phố trực thuộc 19 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, với tổng diện tích bị thiệt hại khoảng là 14.000 ha (nguyên nhân do dịch bệnh khoảng 10.000 ha, do môi trường 4.000 ha), bao gồm diện tích nuôi tôm bị bệnh đốm trắng khoảng 5.000 ha, bệnh hoại tử gan tụy cấp tính khoảng 1.700 ha và một số bệnh khác.

Hiện nay, dịch bệnh trên tôm có xu hướng tiếp tục tăng mạnh và diễn biến phức tạp. Vì vậy, để khẩn trương khống chế dịch bệnh, giảm thiểu thiệt hại và ảnh hưởng đến xuất khẩu thủy sản, ngày 03 tháng 6 năm 2014, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ra Công văn số 1730/BNN-TY đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các Sở, Ban, ngành liên quan của địa phương thực hiện đồng bộ những nội dung liên quan.

Về công tác phòng chống dịch bệnh:

Chỉ đạo các đơn vị chức năng rà soát, chấn chỉnh công tác thống kê,chẩn đoán xét nghiệm, tổng hợp thông tin, số liệu báo cáo về diện tích dịch bệnh thủy sản; đồng thời, tham mưu các biện pháp quản lý sản xuất và phòng chống dịch bệnh phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.

Hướng dẫn người nuôi thực hiện quy trình kỹ thuật đã được tổng kết từ các mô hình nuôi tôm thành công và khuyến cáo tại Công văn số 298/TCTS-NTTS ngày 01/02/2013 của Tổng cục Thủy sản. Tổ chức phòng chống dịch bệnh thủy sản theo kế hoạch phê duyệt, chú ý tới việc tổ chức hệ thống chuyên môn nghiệp vụ đến cơ sở để phát hiện sớm, xác định nhanh, chính xác dịch bệnh và tổ chức chống dịch có hiệu quả.

Thực hiện kiểm tra điều kiện sản xuất kinh doanh và chất lượng các sản phẩm con giống, thuốc thú y, hóa chất, chế phẩm sinh học dùng trong nuôi trồng thủy sản theo quy định tại Thông tư số 14 /2011/TT-BNNPTNT ngày 29/03/2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định việc kiểm tra,đánh giá cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông lâm thủy sản để ngăn chặn sản phẩm kém chất lượng, hàng giả, không có trong danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam.

Hướng dẫn người nuôi không lạm dụng các loại thuốc thú y, hóa chất trong phòng bệnh, chỉ sử dụng thuốc thú y, hóa chất có trong Danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam; ngừng sử dụng trước khi thu hoạch theo đúng chỉ dẫn của nhà sản xuất, của cơ quan chuyên môn để tránh tồn dư hóa chất trong sản phẩm thủy sản ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng và xuất khẩu, đặcbiệt chú ý loại thuốc thú y đã bị các nước nhập khẩu sản phẩm thủy sản cảnh báo như Oxytetracyline,....

Về biện pháp kỹ thuật xử lý ổ dịch:

Khi xác định được nguyên nhân gây bệnh thuộc danh mục bệnh thủy sản phải công bố dịch, chủ cơ sở phải báo cáo cho chính quyền xã hoặc cơ quan chuyên môn; đồng thời thông báo cho các cơ sở, các hộ nuôi tôm xung quanh để phòng chống bệnh kịp thời. Thực hiện theo đúng quy trình, hướng dẫn về phòng chống bệnh của cơ quan chuyên môn; áp dụng các biện pháp nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Tất cả dụng cụ, bảo hộ lao động phải dùng riêng cho cơ sở nuôi đang có bệnh và khử trùng sau mỗi lần sử dụng bằng hóa chất theo hướng dẫn của nhà sản xuất hoặc cơ quan chuyên môn. Nếu tôm đạt kích cỡ thương phẩm cần tiến hành thu hoạch ngay để tránh thiệt hại.

Tôm mắc bệnh chỉ được sử dụng theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn; phương tiện vận chuyển phải kín, không rò rỉ nước hoặc rơi vãi tôm, nước ra ngoài môi trường trong quá trình vận chuyển và phải được vệ sinh khử trùng trước và sau khi ra vào vùng dịch.

Nếu thủy sản chưa đạt kích cỡ thương phẩm, Chi cục Thú y chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan để hướng dẫn, xử lý diệt mầm bệnh bằng hoá chất được phép sử dụng theo đúng quy trình, đảm bảo vệ sinh môi trường và khoanh vùng không để dịch bệnh lây lan. Sau khi thu hoạch chủ cơ sở phải xử lý diện tích nuôi có tôm bị bệnh bằng hoá chất được phép sử dụng theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.

Cung cấp đầy đủ thông tin và tạo điều kiện cho các cán bộ thú y lấy mẫu kiểm tra. Chỉ tiến hành thả lại sau khi có công bố hết dịch của cơ quan có thẩm quyền (trong trường hợp đã công bố dịch), hoặc theo thông báo của cơ quan chuyên môn.

Đối với các cơ sở nuôi tôm ở khu vực xung quanh cơ sở nuôi tôm bị bệnh. Người chăm sóc, quản lý cơ sở nuôi không sang cơ sở bị bệnh. Đối với các cơ sở nuôi kín, tiến hành khử trùng tiêu độc trước và sau khi vào cơ sở đối với người và phương tiện. Tăng cường sức đề kháng cho tôm bằng cách bổ sung các loại vitamin, khoáng, vi lượng,... Thường xuyên theo dõi thông tin về dịch bệnh để có biện pháp xử lý kịp thời.


Related news

chuyen-nuoi-bo-vo-beo Chuyện Nuôi Bò Vỗ Béo tien-hai-thai-binh-ngan-chan-dich-benh-tren-tom Tiền Hải (Thái Bình) Ngăn…