Mô hình kinh tế Triển Vọng Phát Triển Nghề Nuôi Bò Sữa

Triển Vọng Phát Triển Nghề Nuôi Bò Sữa

Publish date Tuesday. August 6th, 2013

Sau hơn 9 năm thử nghiệm, giờ đây, tỉnh Sóc Trăng đã trở thành một trong những địa phương có đàn bò sữa lớn ở ĐBSCL. Kết quả này mở ra nhiều triển vọng phát triển nghề nuôi bò sữa ở Sóc Trăng…

* Tăng tổng đàn

Nghề nuôi bò sữa ở Sóc Trăng chỉ mới bắt đầu từ năm 2004, thông qua hỗ trợ của dự án “Nâng cao đời sống nông thôn” do phía CIDA (Cơ quan phát triển Quốc tế Canada) tài trợ. Từ 477 con vào năm 2004, tính đến cuối tháng 6-2013, tổng đàn bò sữa của tỉnh đã trên 3.500 con với lượng sữa bình quân mỗi ngày khoảng 16,5 tấn.

Theo đánh giá của ngành nông nghiệp, một trong những thành tựu quan trọng của nghề chăn nuôi bò sữa ở Sóc Trăng là cải tiến và quản lý tốt nguồn giống bò sữa, thông qua tiếp cận công nghệ sản xuất, nhân giống bằng gieo tinh nhân tạo. Chính vì vậy, năng suất sữa của bò lai HF đã tăng từ 2.160 kg/con/chu kỳ cho sữa vào năm 2005 lên 3.660 kg/con/chu kỳ cho sữa vào cuối năm 2012. Phương thức và công nghệ chăn nuôi bò sữa cũng được cải tiến đáng kể thông qua hệ thống chuồng trại, vắt sữa, thu gom và bảo quản sữa, các vật tư kỹ thuật phục vụ nhân giống được tăng cường cho các địa phương.

Theo kết quả kiểm tra chất lượng của Công ty FrieslandCampina Việt Nam (gọi tắt Công ty FCV - đơn vị sở hữu các nhãn hiệu Dutch Lady, Friso, Yomost, Fristi) gần đây, chất lượng sữa bò thu mua ở Sóc Trăng luôn đạt ở mức cao. Năng suất sữa dù cải thiện chưa nhiều, nhưng nhờ giá sữa ổn định ở mức khá cao và người chăn nuôi tận dụng nguồn phụ phẩm trong nông nghiệp làm thức ăn bổ sung, nên thu nhập của người chăn nuôi bò sữa khá cao.

Ông Trần Hoàng An, Giám đốc điều hành của Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Evergowth, cho biết: “Hiện nay, HTX mua sữa tươi của các thành viên với mức 12.000 đồng/kg và cung cấp thức ăn tinh trả chậm với giá thấp hơn thị trường nên đảm bảo mức lợi nhuận bình quân từ 45-50 triệu đồng/con/năm. Đây chính là cơ hội để Sóc Trăng tăng đàn vì nhu cầu thị trường còn rất lớn”. Ông Lâm Văn Bé, Phó Chủ tịch UBND huyện Trần Đề, khẳng định: “Nghề nuôi bò sữa hiện nay rất hiệu quả và ổn định.

Do đó, phát triển nghề nuôi bò sữa rất phù hợp”. Bà Nguyễn Thị Bích Hằng, Trưởng Dự án Phát triển bò sữa Công ty FCV, cho rằng: “Nhu cầu sữa tươi cho chế biến hiện nay là rất lớn, trong khi nguồn cung trong nước chưa đáp ứng nhu cầu. Vì vậy, Công ty FCV luôn sẵn sàng hợp tác với tỉnh để tiêu thụ sữa”.

* Để nghề nuôi bò sữa phát triển bền vững

Theo các chuyên gia của Trường Đại học Cần Thơ, từng tư vấn cho dự án bò sữa của CIDA tại Sóc Trăng, giống bò sữa của Sóc Trăng rất tốt và dễ nuôi do phát triển từ nền tảng bò lai sind. Vì vậy, giải pháp tăng đàn theo con đường sinh học bằng đàn bò hiện có là tốt nhất và còn giúp giảm chi phí đầu tư ban đầu vì giá bò sữa giống rất cao. Hiện giá mỗi con bò sữa cái 6 tháng tuổi tại Sóc Trăng lên đến 30 triệu đồng/con.

Do đó, ngay từ bây giờ, tất cả đàn bò sind của tỉnh nên được phối giống sữa để tạo nền phát triển đàn bò sữa trong thời gian tới. Ngoài ra, tỉnh cũng cần có chủ trương quy hoạch nghề nuôi, để có quỹ đất dành cho trồng cỏ, cùng các chính sách hỗ trợ ban đầu khác. Bước đầu, Sóc Trăng nên xây dựng tại mỗi địa phương vùng quy hoạch mô hình để người dân học tập kinh nghiệm và làm theo có hiệu quả.

Thạc sĩ Nguyễn Xuân Hòa, Giám đốc Công ty TNHH dịch vụ công nghệ Á Châu, cho rằng: Công tác giống là rất quan trọng. Vì vậy, trong quá trình phát triển đàn bò sữa ở Sóc Trăng phải xác định mục tiêu chọn tạo giống để từ đó quyết định chọn tinh giống bò đực phù hợp.

Nhiều ý kiến cho rằng, phát triển bò sữa trong thời điểm hiện nay ở Sóc Trăng là hợp lý. Ông Lâm Văn Bé, Phó Chủ tịch UBND huyện Trần Đề đề xuất: “Nên chọn những hộ đang chăn nuôi bò sữa để phát triển lên quy mô cao hơn, sau đó mới nhân rộng cho các hộ khác và tiến tới thành lập trang trại”.

Theo ông Trần Văn Tâm, Trưởng phòng Chăn nuôi (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng), nghề chăn nuôi bò sữa của tỉnh vẫn còn ở quy mô nhỏ lẻ, kinh nghiệm và kiến thức khoa học kỹ thuật của người nuôi còn hạn chế, ảnh hưởng đến năng suất sữa và khả năng phát triển tổng đàn.

Vì vậy, tới đây, cần đưa những tiến bộ kỹ thuật, như: sử dụng tinh phân biệt giới tính để tăng nhanh tổng đàn; tăng năng suất, chất lượng sữa và tăng hiệu quả cho người chăn nuôi. Công tác quản lý giống bò cần được cập nhật đầy đủ, thường xuyên hơn, quan tâm đào tạo lực lượng dẫn tinh viên và thú y chuyên về bò sữa.

Ngoài ra, phải định hướng nuôi bò sữa là một nghề mang tính hàng hóa; lộ trình phát triển cần tiến hành song song giữa quy mô nông hộ như hiện nay với mô hình vùng sản xuất tập trung gắn với nguồn lực thu mua, sơ chế tại địa phương. Có như vậy nghề nuôi bò sữa ở Sóc Trăng mới phát triển ổn định và bền vững.


Related news

37-ho-chan-nuoi-vit-an-toan-sinh-hoc 37 Hộ Chăn Nuôi Vịt… nuoi-chim-yen-trong-khu-dan-cu-lam-dieu-rac-roi Nuôi Chim Yến Trong Khu…