Triển Vọng Từ Những Giống Ớt Mới
Nhằm nâng cao khả năng sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) và hướng đến thị trường, dự án BĐKH, thuộc Trung tâm phát triển nông thôn miền Trung (Trường Đại học Nông lâm Huế) đã nghiên cứu và tiến hành xây dựng mô hình trồng ớt giống mới với diện tích 13 ha tại 3 xã dự án là Triệu Giang, Triệu Vân (huyện Triệu Phong) và Hải Quế (huyện Hải Lăng, Quảng Trị).
Bên cạnh giống ớt truyền thống và ớt chìa vôi địa phương, bắt đầu từ năm 2011 dự án đã sử dụng 2 giống mới đó là giống ớt F1 2048 và giống S20 vào các xã dự án. Đây là những giống ớt có khả năng thích ứng tốt với điều kiện thời tiết tại địa phương và được thị trường nhiều nơi ưa chuộng. Ngoài hỗ trợ nguồn giống, dự án đã tiến hành tập huấn, hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật canh tác và chăm sóc có khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu cho người dân.
Trải qua một thời gian đưa vào sản xuất, các giống ớt mới này đã thích nghi tốt trên vùng đất cằn cỗi tại các nơi canh tác. Có mặt tại các vườn ớt xanh tốt ở xã Triệu Giang cùng cán bộ dự án, lãnh đạo Phòng NN&PTNT huyện Triệu Phong và đông đảo bà con nông dân, chúng tôi chứng kiến những cây ớt trĩu quả, người dân đang hối hả thu hoạch ớt trong niềm vui.
Ông Hồ Chàm, một trong những người trồng ớt nhiều nhất ở thôn Trà Liên Tây, xã Triệu Giang phấn khởi cho biết: “Gia đình tôi trồng 4 sào ớt các loại như chìa vôi địa phương, F1 2048 và S20, được dự án hỗ trợ giống, phân bón và kỹ thuật trồng theo quy trình thích ứng với biến đổi khí hậu.
Sau một thời gian trồng, tôi nhận thấy các giống ớt mới sinh trưởng, phát triển tốt, sức chống chịu tốt, năng suất đạt cao. Vụ này dù không thuận lợi nhưng vẫn cho năng suất đạt khoảng 1 tấn/sào. Với giá bán hiện nay khoảng 5.000-6.500 đồng/kg quả tươi, ớt khô xay khoảng trên 65.000 đồng/kg thì vẫn có lãi khá hơn một số loại cây trồng khác”.
Cũng như ông Chàm, bà Trịnh Thị Thức cũng là người có hàng chục năm trồng ớt ở xã Triệu Giang. Bà Thức cho biết, trước đây bà trồng chủ yếu là giống ớt truyền thống địa phương nhưng hiện nay giống này đã bắt đầu thoái hóa, thị trường không còn ưa chuộng nên việc đưa vào sản xuất các loại giống ớt mới có hiệu quả cao là rất đáng mừng. Gia đình bà dành ra 1 sào đất để trồng ớt chìa vôi địa phương và giống F1 2048, S20.
Bà Thức cho biết: “Qua đối chứng với giống chìa vôi địa phương, giống ớt truyền thống thì giống F1 2048, S20 cho kết quả vượt trội cả về chất lượng, năng suất, sản lượng, sức chống chịu thời tiết và sâu bệnh. Tôi thấy giống này sẽ có triển vọng trong thời gian tới.
Hiện đầu ra của các giống ớt mới này cũng khá thuận lợi, do là loại ớt mới, thị trường chưa quen nên giá cả vẫn ở mức trung bình. Mong thời gian tới thị trường tiêu thụ ổn định, giá cao thì tôi sẽ mở rộng diện tích để nâng cao thu nhập”.
Cũng như bà con nông dân xã Triệu Giang, thời gian qua một số hộ dân ở thôn Kim Long, xã Hải Quế cũng đánh giá cao các loại giống ớt mới do dự án BĐKH hỗ trợ. Anh Nguyễn Hữu Phước, Chủ nhiệm HTX Kim Long vừa dẫn chúng tôi ra vườn ớt do dự án hỗ trợ trồng tại địa phương vừa vui mừng nói: “Tôi thấy các giống ớt mới này có đặc tính cây cao lớn, cứng cáp và quả rất sai.
Ở chỗ chúng tôi trồng có cây thu được từ 3-4 kg quả/cây. Hiện tư thương cũng bắt đầu thu mua loại ớt này với giá từ 5.000- 6.000 đồng/kg quả tươi, nói chung giá vẫn chưa cao nhưng về lâu dài nếu thị trường đầu ra tốt thì chắc chắn hiệu quả kinh tế mang lại sẽ cao hơn rất nhiều”.
Song song với công tác hỗ trợ người dân về giống, phân bón, kỹ thuật, dự án đã và đang đẩy mạnh hoạt động hướng đến thị trường để tiêu thụ sản phẩm ớt cho nông dân. Thời gian qua, dự án cũng đã thành lập các nhóm sản xuất, tổ chức các hội thảo doanh nghiệp (các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại tỉnh Quảng Trị) đồng thời cán bộ dự án cùng Ban quản lý mạng lưới kết nối thị trường đã thống kê danh sách các thương lái chuyên thu mua nông sản để tạo đầu ra ổn định trước mắt cho người dân…
“Mục tiêu của chúng tôi khi triển khai mô hình trồng các loại ớt mới này là để cung cấp cho thị trường ở vùng Tây Nguyên vì qua khảo sát, chúng tôi thấy vùng này có nhu cầu khá lớn. Và sản phẩm ớt đưa ra thị trường phải là ớt khô xay mới có giá trị kinh tế cao.
Để giúp bà con trong khâu chế biến, chúng tôi cũng đang có kế hoạch hỗ trợ các xã 2 máy xay ớt. Hiện chúng tôi cũng đang tiến hành làm các thủ tục xin cấp phép bao bì, nhãn mác, giấy chứng nhận sản phẩm ớt đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm nhằm sớm đưa sản phẩm ớt ra thị trường, tăng cường quảng bá cho sản phẩm ớt Quảng Trị- sản phẩm nức tiếng một thời”, anh Ngô Văn Chung, cán bộ phụ trách dự án BĐKH tại Quảng Trị cho biết.
Đánh giá về ý nghĩa của việc đưa vào trồng các giống ớt mới đầy triển vọng này, ông Hoàng Quang Dưỡng, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Triệu Phong cho rằng, đây là hướng đi đúng và hợp lý. Bởi ở Quảng Trị đã từng có rất nhiều loại nông sản được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng nhưng lại bị mai một theo thời gian, trong đó có sản phẩm ớt. Đó là điều rất đáng tiếc và cần phải sớm được quan tâm khôi phục.
Vì vậy, việc dự án BĐKH tích cực hỗ trợ, đầu tư xây dựng mô hình, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân trồng ớt, tìm thị trường tiêu thụ, xúc tiến, quảng bá, giới thiệu sản phẩm cho nông dân là điều rất đáng mừng. Hy vọng một ngày không xa, sản phẩm ớt Quảng Trị sẽ mở ra hướng làm giàu bền vững cho người nông dân.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao