Tin nông nghiệp Trồng 3.500 gốc cam sành, 700 gốc xoài, lãi hơn trăm triệu/năm

Trồng 3.500 gốc cam sành, 700 gốc xoài, lãi hơn trăm triệu/năm

Author Chúc Ly, publish date Saturday. June 3rd, 2017

Chị Lê Thị Út Em vay vốn ưu đãi trồng được vườn cam sành trị giá hàng trăm triệu đồng. Ông Phạm Hoàng Mân năm ngoái vườn dừa bị hạn mặn, năm nay có tin vui hơn khi dừa đang cho trái...Đó là những nông dân điển hình sử dụng hiệu quả vốn ưu đãi của Ngân hàng CSXH tỉnh Hậu Giang

Chồng chị Út Em, ấp Mỹ Thạnh, xã Tân Phước Hưng (Phụng Hiệp) cho biết, năm 2016, gia đình lãi 110 triệu đồng từ vườn cam sành gây dựng từ nguồn vốn Ngân hàng CSXH. Ảnh: Chúc Ly.

Sau 5 năm triển khai thực hiện Đề án củng cố chất lượng tín dụng chính sách các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long, giai đoạn 2012-2016 (Đề án), Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Hậu Giang góp phần giúp nhiều thôn, ấp thay da đổi thịt…

Vay chục triệu làm ra trăm triệu

Dẫn chúng tôi đến thăm các hộ vay vốn, ông Nguyễn Văn Việt - Trưởng ấp Mỹ Thạnh, xã Tân Phước Hưng (Phụng Hiệp) chia sẻ: “Từ khi thực hiện Đề án, chất lượng tín dụng ở ấp ngày càng nâng cao rõ nét. Nhất là việc sắp xếp tổ Tiết kiệm và vay vốn (TKVV) theo hướng liền canh, liền cư đã tạo điều kiện thuận lợi cho chúng tôi theo sát từng hộ vay. Nhờ đó, việc phổ biến các chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ và đôn đốc trả nợ gốc và lãi dễ dàng hơn”.

Chị Lê Thị Út Em, ngụ ấp Mỹ Thạnh bày tỏ: “Từ năm 2013 tôi đã được vay vốn từ Ngân hàng CSXH theo chương trình hộ nghèo, để trồng cam sành và trồng xoài. Nhờ tập trung sản xuất, năm 2015 gia đình tôi đã thoát nghèo. Trả nợ đúng hạn, gia đình tôi đã được tiếp tục hỗ trợ cho vay theo chương trình hộ mới thoát nghèo. Từ đó, gia đình có thêm điều kiện đầu tư, mở rộng mô hình trồng cây ăn quả…Đây sẽ là cách làm giàu từ nông nghiệp của gia đình tôi...”.

Hiện với 3.500 gốc cam sành và hơn 700 gốc xoài đã đem lại nguồn thu nhập khá cho gia đình chị Út Em. “Năm vừa rồi, từ bán cam sành, nhà tôi thu về khoảng 200 triệu đồng, sau khi trừ chi phí lãi hơn 110 triệu đồng…” - chị Em bộc bạch.

Cũng là 1 hộ được hỗ trợ vay vốn từ Ngân hàng CSXH, tuy nhiên gia đình ông Phan Hoàng Mân, ấp 9, xã Lương Tâm (huyện Long Mỹ) không được may mắn khi gặp phải đợt hạn mặn lịch sử ở miền Tây 2016, khiến cho vườn cây ăn trái vị thiệt hại nặng.

Sau 1 năm hạn mặn, ông Phan Hoàng Mân, ấp 9, xã Lương Tâm, huyện Long Mỹ (Hậu Giang) được gia hạn nợ Ngân hàng CSXH để có điều kiện chăm sóc vườn dừa. Ảnh: Chúc Ly. 

Ông Mân chia sẻ: “Khi vườn dừa và bưởi gặp nước mặn bị rụng trái, hoặc trái lép khiến gia đình tôi gần như mất trắng. Trong lúc buồn rầu, tôi được Ngân hàng CSXH cho gia hạn nợ thêm 1 năm đối với số tiền 10 triệu đồng vay theo chương trình hộ nghèo từ năm 2013. Qua đó, gia đình có thêm điều kiện, thời gian phục hồi sản xuất. Hiện vườn dừa đang được khôi phục và bắt đầu cho trái lại…”.

Thay đổi nhận thức người vay, người quản lý

Ông Phan Thành Phước - Chủ tịch UBND xã Tân Phước Hưng, thông tin, nhờ phối hợp với Ngân hàng CSXH thực hiện Đề án củng cố và nâng cao chất lượng tín dụng mà đến nay nông dân được hưởng lợi. Hiện tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách của xã đạt hơn 24 tỷ đồng, tăng 121% so với 5 năm trước; nợ quá hạn chỉ có 23 triệu đồng; không có nợ chiếm dụng…

“Việc thực hiện Đề án trước tiên đã làm thay đổi nhận thức về vai trò lãnh đạo trong quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị xã hội, trong đó có Hội ND. Giai đoạn 2012-2016, trên địa bàn xã có trên 2.000 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ Ngân hàng CSXH, qua đó giúp trên 500 hộ vượt qua ngưỡng nghèo” - ông Phước chia sẻ thêm.

Trao đổi với Nhà nông/Danviet, ông Nguyễn Thanh Triều - Giám đốc Ngân hàng CSXH Chi nhánh Hậu Giang, cho biết: “Nhờ sự vào cuộc tích cực hệ thống Ngân hàng CSXH, cấp ủy, chính quyền và các Hội đoàn thể, đến nay nợ quá hạn còn chỉ còn hơn 9 tỷ đồng, giảm trên 70 tỷ đồng và hiện chỉ chiếm 0,47% so với tổng dư nợ. Nợ quá hạn ở tất cả các đơn vị trực thuộc Chi nhánh đều dưới mức 1%. Đặc biệt, đến nay, toàn tỉnh không còn nợ bị chiếm dụng, giảm 100% so với thời điểm xây dựng Đề án…”.

Doanh số cho vay của Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh Hậu Giang giai đoạn từ thời điểm bắt đầu thực hiện Đề án (năm 2012) đến tháng 3.2017 đạt gần 2.796 tỷ đồng, với gần 194.180 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn. Đến 31.3.2017, dư nợ đạt hơn 1.953 tỷ đồng, tăng 995.226 (tăng 103,9%) so với năm 2012.


Related news

ninh-thuan-trong-nho-ban-qua-ban-ca-canh-quan Ninh Thuận: Trồng nho bán… lua-kim-cuong-111-duoc-nong-dan-san-don Lúa Kim Cương 111 được…