Mô hình kinh tế Trồng bưởi công nghệ cao

Trồng bưởi công nghệ cao

Author Đại Dương, publish date Friday. March 9th, 2018

Vài năm gần đây, nông dân Tây Ninh đã có sự chuyển đổi nhận thức tích cực từ lối canh tác truyền thống sang thực hành nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP mang lại hiệu quả thiết thực. Câu chuyện về cây bưởi ở huyện Dương Minh Châu là một minh chứng điển hình cho quá trình chuyển đổi ấy.

Vườn bưởi da xanh của ông Long được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP

Thu nhập khá

Người đi đầu phong trào trồng bưởi ở huyện Dương Minh Châu là ông Mai Thành Long, 72 tuổi, ngụ ấp Phước Bình 2, xã Suối Đá. Theo lời ông Long, trước đây vườn ông trồng nhiều loại cây ăn trái như cau, trầu, dừa, sầu riêng, măng cụt… nhưng không loại cây nào cho hiệu quả kinh tế cao.

Năm 2008, ông Châu quyết định về miền Tây tìm kiếm giống cây mới để trồng thử nghiệm. Ông tới Viện Cây ăn quả miền Nam và chú ý đến loại bưởi da xanh. Nghe ông muốn mua bưởi giống về Tây Ninh trồng thử, nhiều nhà vườn khuyên ông nên bỏ ý định này.

Họ cho rằng loại cây có múi như bưởi chỉ phù hợp với vùng đất miền Tây sông nước, chứ không thể có năng suất cao ở vùng đất cát đầy nắng nóng như Tây Ninh.

Ông Long thấy đất vườn của mình gần hồ Dầu Tiếng, có nguồn nước dồi dào không thua kém miền Tây và điều quan trọng hơn là ở huyện Dương Minh Châu chưa có ai trồng loại bưởi này nên có khả năng kinh doanh tốt trong huyện, trong tỉnh. Ông quyết định mua 30 cây giống bưởi da xanh đem về Tây Ninh trồng thử và mạnh dạn chặt bỏ những loại cây già cỗi, kém năng suất trong vườn. 

Sau 2 năm chăm sóc, những cây bưởi của ông Long bắt đầu cho trái, điều mà ông không ngờ tới là trái ngon, ngọt hơn khi trồng ở miền Tây. Ông Long so sánh: “Bưởi trồng ở miền Tây có múi mọng nước hơn, nhưng lạt hơn so với trồng ở đây. Mọc trên đất cát pha, cộng với nắng nóng nên bưởi ngọt thanh tao hơn”.

Bưởi của ông Long được các thương lái săn lùng khiến ông mạnh dạn phá bỏ vườn cây cũ và đầu tư vốn liếng cho bưởi da xanh. Hiện nay, vườn bưởi của ông Long đã phát triển được hơn 1ha và đang trĩu quả.

Ông Phạm Văn Tỷ (57 tuổi) ở ấp Phước Bình 2, cũng là một trong những người chuyên canh cây bưởi. Những năm trước, ông Tỷ được nhiều người biết đến nhờ trồng ổi Đài Loan.

Gần đây, thấy bưởi da xanh hiệu quả hơn, ông đã chuyển sang trồng xen canh trong vườn ổi. Sau khi bưởi lớn, ông Tỷ phá bỏ vườn ổi để cho bưởi phát triển.

Tính đến nay, ông Tỷ đã chuyển sang trồng bưởi được 4 năm. Năm 2017 vừa qua, vườn bưởi của ông thu hoạch vụ đầu tiên. Với diện tích trên 0,5ha, ông Tỷ đã thu hoạch được hơn 300kg bưởi và bán ra thị trường với giá từ 32.000 - 40.000 đồng/kg.

Thấy trồng bưởi nhẹ công chăm sóc mà bán được giá khá cao, từ cuối năm 2017, ông Tỷ đầu tư trồng thêm 0,4ha nữa. Đồng thời, ông cũng nghiên cứu trồng thử nghiệm thêm một giống bưởi mới trái sai, kích thước trái nhỏ, màu sắc trái không xanh lắm, nhưng múi bưởi ngon, ngọt.

Bắt tay cùng làm giàu

Điều đáng chú ý là những nông dân chuyên canh cây bưởi ở huyện Dương Minh Châu đã không còn làm kinh tế theo kiểu tự phát, lẻ tẻ và mạnh ai nấy giữ bí quyết.

Từ 2 năm nay, họ đã bắt đầu chuyển sang hướng làm kinh tế dạng tập thể và hướng đến trồng bưởi công nghệ cao. Được sự hướng dẫn của Hội Nông dân xã Suối Đá, những nông dân như ông Long, ông Tỷ đã rủ nhau vào tổ hội nghề nghiệp trồng bưởi da xanh do Hội Nông dân xã thành lập.

Ông Long đảm nhận vai trò tổ trưởng. Hiện nay, tổ có 13 thành viên, họp định kỳ vào ngày 15 mỗi tháng. Khi họp tổ, các thành viên sẽ nghe tuyên truyền, được cung cấp những kiến thức mới, cùng sinh hoạt những chuyên đề khác nhau xoay quanh kỹ thuật trồng bưởi, cách chăm sóc bưởi theo tiểu chuẩn VietGAP, cách phòng ngừa sâu bệnh, kỹ thuật cho ra trái theo ý muốn, giá cả thị trường…

Đặc biệt, để tạo điều kiện cho tổ hội nghề nghiệp trồng bưởi da xanh, tới đây Hội Nông dân tỉnh Tây Ninh còn giải ngân 500 triệu đồng cho các thành viên trong tổ vay để đầu tư vào vườn bưởi. Chỉ mới hơn nửa năm nay, tay nghề của những thành viên trong tổ đã có nhiều tiến bộ. Ông Long cho hay: “Hiện giờ chúng tôi đang thí nghiệm tìm một quy trình trồng bưởi chuẩn nhất để áp dụng vào canh tác. Ví dụ như làm sao cho ra 1.000 trái bưởi cùng kích cỡ để dễ bán”. 

Vấn đề về đầu ra cho loại trái cây này cũng đang được nông hết sức quan tâm. Hiện tại, bưởi thu hoạch xong vẫn phụ thuộc vào thương lái. Nếu thương lái đánh giá bưởi ngon sẽ mua giá cao, ngược lại sẽ bị chê và ép giá. Nếu giải quyết được đầu ra ổn định, người trồng bưởi ở huyện Dương Minh Châu nói riêng và tỉnh Tây Ninh nói chung sẽ có thể làm giàu trên mảnh vườn của mình.


Related news

lao-nong-nuoi-nghin-con-tho-lai-tien-ty-moi-nam Lão nông nuôi nghìn con… kinh-nghiem-nuoi-bo-cau-phap-sinh-san-lai-ca-ty-moi-nam Kinh nghiệm nuôi bồ câu…