Mô hình kinh tế Trồng Cà Tím Nhật Bản - Không Lo Đầu Ra

Trồng Cà Tím Nhật Bản - Không Lo Đầu Ra

Publish date Sunday. February 13th, 2011

Vài năm trở lại đây, nhiều nông dân trong tỉnh Khánh Hòa sản xuất cà tím Nhật Bản (CTNB) theo mô hình của Công ty Cổ phần Thủy sản Bạc Liêu (CPTSBL), chi nhánh tại Khu Công nghiệp Suối Dầu. Bước đầu, mô hình đem lại hiệu quả đáng phấn khởi. Cà tím cho thu nhập ổn định, không lo “đầu ra” như nhiều loại nông sản khác nên đã khích lệ nhiều nông dân mở rộng diện tích.

Gia đình anh Đỗ Công Tường - hộ sản xuất CTNB đầu tiên tại xã Suối Hiệp (Diên Khánh) theo mô hình của Công ty CPTSBL đang rất phấn khởi khi cà tím bắt đầu cho thu hoạch, hứa hẹn vụ mùa bội thu. Anh Tường khoe: “Vụ trước tôi trồng 2 sào (1.000 m2/sào) thu được 4,7 tấn, lãi hơn 5 triệu đồng. Vụ này mới thu được 1 tấn (giá 3.500 đồng/kg) và còn tiếp tục thu nữa… Trồng cà tím có lợi hơn trồng lúa và nhiều loại hoa màu khác, vừa có lãi vừa không lo đầu ra”. Năm nay là năm thứ ba anh Tường trồng CTNB. Càng trồng, anh càng có thêm kinh nghiệm, năng suất cũng tăng lên. Vụ đầu, anh trồng 800 cây, hao hụt 100 cây, doanh thu 12 triệu đồng (giá 4.000 đồng/kg); vụ thứ hai trồng 1.000 cây, hao hụt 200 cây, thu 4,7 tấn; vụ này trồng 2.000 cây, hứa hẹn năng suất 10 tấn. Bình quân năng suất đạt 4 - 5 tấn/sào, chi phí 5 triệu đồng/sào.

Sản xuất cà tím theo mô hình này, nông dân rất có lợi. Nông dân đến nhà máy đăng ký diện tích với Công ty. Công ty cử nhân viên đến xem có phù hợp hay không (diện tích, chất đất, nước tưới… ) rồi ký hợp đồng. Công ty bán cây giống (hiện nay 1.200 đồng/cây giống) và trừ vào tiền bán sản phẩm của nông dân. Nông dân được cán bộ của Công ty tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật, khi thu hoạch, Công ty đưa xe đến tận ruộng thu mua. Cà tím có nhiều loại, hiện giá thu mua dao động từ 2.000 đến 6.000 đồng (loại 1, 2), tính xa cạ 3.500 đồng/kg. Nhìn anh Tường trồng CTNB, nhiều nông dân đã học tập làm theo. Đến nay, cả thôn Vĩnh Cát (xã Suối Hiệp)  đã có 4 hộ tham gia với 1,5ha trồng CTNB.

Những ngày qua, anh Đặng Văn Sáng (thôn Cây Xoài, xã Suối Tân, Cam Lâm) rất vui khi thu hoạch được 30 tấn cà tím/ha và còn thu hoạch tiếp đến hết tháng 3. Đưa chúng tôi ra xem ruộng cà, anh cho biết, sắp tới, anh sẽ mở rộng lên 2ha. Theo anh Sáng, trồng CTNB có lợi cho nông dân, làm ra bao nhiêu Công ty thu mua hết bấy nhiêu, không lo đầu ra như những loại hoa màu khác. Trước đây, anh đã trồng nhiều loại hoa màu nhưng rất bấp bênh, thu nhập 1 năm, nếu không mất mùa, cũng chỉ được 10 - 30 triệu đồng. Vụ cà này đang hứa hẹn thu nhập rất cao, bởi diện tích đã mở rộng lên tới 1ha.

CTNB có nhiều loại, nhưng hiện nay, nông dân chủ yếu trồng giống chikuyo. Vụ chính trồng từ tháng 3 đến tháng 7 Âm lịch. Sau khi xuống giống 30 ngày, cà ra bông; 15 ngày sau bắt đầu cho thu hoạch và được thu hoạch trong hơn 2 tháng. Theo anh Tường, trồng CTNB không khó nhưng phải chú ý làm theo hướng dẫn của nhân viên Công ty, tuyệt đối không được sử dụng các loại thuốc trừ sâu, hóa chất độc hại. Công ty đã hướng dẫn danh mục thuốc trừ sâu có nguồn gốc vi sinh để nông dân thực hiện, thuốc có bán tại Công ty. Tuy nhiên, nếu không cần thiết, nông dân có thể mua bên ngoài nhưng phải bảo đảm không độc hại đối với cây trồng, bởi thị trường Nhật Bản đòi hỏi rất cao về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Công ty có quyền kiểm tra để nhận biết sản phẩm có bị ảnh hưởng bởi dư lượng thuốc bảo vệ thực vật hay không và sẽ từ chối thu mua nếu nông dân không thực hiện đúng yêu cầu cam kết.

Theo Công ty CPTSBL, hiện nay, diện tích trồng cà tím tại Khánh Hòa đã lên tới 10ha, phần lớn tập trung tại Cam Ranh. Việc trồng cà tím tại Khánh Hòa gặp nhiều khó khăn do diện tích manh mún, ảnh hưởng nhiều đến đầu tư con giống, thu mua nông sản cũng như điều hành nông vụ. Hiện nay, nhu cầu phía đối tác Nhật Bản rất lớn, thị trường Khánh Hòa chưa thể đáp ứng được, do vậy, Công ty đã triển khai nhiều diện tích ở các tỉnh, thành phố khác. Được biết, Hội Nông dân tỉnh đã có kế hoạch làm việc với Công ty để xúc tiến hỗ trợ nông dân tìm kiếm đầu ra cho nông sản.

Có thể thấy, sản xuất CTNB theo mô hình của Công ty CPTSBL đem lại nhiều lợi ích cho nông dân. Tuy nhiên, cần sự phối hợp đồng bộ, triển khai mạnh mẽ hơn trong thời gian tới để nông dân Khánh Hòa có thêm một kênh tiêu thụ hàng hóa ổn định, tăng thu nhập.


Related news

phu-yen-trong-ca-dia-thu-ca-gion Phú Yên: Trồng Cà Dĩa,… trong-man-an-phuoc Trồng Mận An Phước