Trồng Chanh Mang Lại Thu Nhập Cao
Những ngày gần đây, thời tiết nắng nóng kéo dài kéo theo nhu cầu tiêu thụ chanh làm nước giải khát gia tăng. Chính vì vậy, hiện giá chanh cũng tăng vọt theo sự biến động của thị trường và có xu hướng tiếp tục tăng trong những ngày tới.
Chanh cho thu nhập cao
Gần 1 tháng nay, giá chanh bắt đầu có sự biến động theo hướng tăng nên người trồng chanh vô cùng phấn khởi. Mấy ngày này, nông dân trồng chanh càng cố ra sức tưới nước, phun thuốc, bón phân để cung cấp đầy đủ những dưỡng chất cho chanh phát triển tốt, trái to bóng đẹp, bán được giá.
Ông Nguyễn Tứ Lăng, nông dân trồng chanh ở ấp 4, xã Tân Thanh, huyện Cài Bè (Tiền Giang) cho biết, những ngày gần đây nắng thương lái mua chanh cứ liên tục hỏi đặt hàng vì nhu cầu tiêu thụ chanh trên thị trường đang tăng mạnh. Theo đó, giá chanh thu mua tại vườn hiện nay lên tới 20.000 - 22.000 đồng/kg, tăng gần 12.000 đồng/kg so với thời điểm đầu năm.
Theo nhiều nông dân trồng chanh ở Cái Bè, năng suất trồng chanh mỗi năm ở địa phương này đạt khoảng 10 tấn/ha, cá biệt những vườn chanh lâu năm, thâm canh tốt có thể đạt năng suất lên tới 15 - 20 tấn/ha. Do đó, với giá chanh hiện nay, sau khi trừ chi phí phân bón, thuốc trừ sâu, điện nước, nhân công,… người trồng chanh có thể có lợi nhuận 150 - 200 triệu đồng/ha.
Bà Lê Thị Hoa, thương lái thu mua chanh ở Chợ An Hữu (Cái Bè) cho biết, sở dĩ giá chanh tăng cao trong mấy ngày qua là do thời tiết nắng nóng, oi bức liên tục thời gian qua nên nhu cầu tiêu thụ chanh tươi để làm nước giải khát tăng mạnh, nhất là thị trường Tp Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Bắc.
“Tuy giá chanh đang ở mức cao những vẫn thấp hơn rất nhiều so với mức 34.000 - 37.000 đồng/kg vào tháng - 5 năm ngoái. Trong những ngày tới giá chanh có thể sẽ tiếp tục tăng mạnh đến khi mưa nhiều vào tháng 6 - 7 tới do lượng chanh vụ nghịch có sản lượng không nhiều, trong khi nhu cầu tiếp tục tăng cao.
Hiệu quả kinh tế từ cây chanh mang lại như hiện nay là khá cao so với các loại cây ăn trái khác. Điều này tạo ra động lực để bà con áp dụng các biện pháp kỹ thuật mới giúap gia tăng năng suất, nâng cao hiệu quả sản xuất, nhất là kỹ thuật xử lý cho chanh ra hoa, kết trái nghịch vụ.
Nhiều nông dân trồng chanh cho biết, bắt đầu từ tháng 5 - 7 âm lịch thì bắt đầu xử lý cho chanh ra bông vụ nghịch bằng cách làm gốc chanh rồi tiến hành bón phân, phun thuốc kích thích cho chanh rụng lá, ra đọt, ra bông. Thông thường phải mất 6 - 7 tháng để chuyển từ giai đoạn chanh ra bông đến khi chanh cho trái già, từ là thời điển thu hoạch từ tháng 1 - 4 âm lịch. Đây là thời điểm chanh ít trái, nhu cầu tiêu thụ tăng cao nên giá chanh cao, nông dân thu lãi cao gấp 2 - 3 lần chanh vụ thuận.
Tuy nhiên, một số hộ trồng chanh bông tím thì cho rằng loại chanh này không cần xử lý cho trái vụ nghịch bởi chanh bông tím cho trái ổn định quanh năm. Điều cần chú ý đối với chanh bông tím là phải có biện pháp xử lý hiệu quả đối với con bọ xít và bọ nhện đỏ.
Phát huy lợi thế
Qua thực tiễn sản xuất cho thấy chanh là loại cây có múi dễ trồng, ít sâu bệnh, chi phí đầu tư thấp, kỹ thuật chăm sóc, xử lý ra hoa đơn giản nhưng thu nhập từ loại cây trồng này là khá cao nên nhiều bà con nông dân đã chuyển từ diện tích trồng các loại cây ăn trái khác sang trồng chanh, hay trồng xen với các loại cây ăn trái khác.
Theo Phòng NN&PTNT huyện Cái Bè (Tiền Giang), chanh là một trong những loại cây trồng hiệu quả kinh tế cao ở các xã đầu nguồn huyện Cái Bè với lợi thế là không kén đất, có thể trồng xen hoặc tận dụng những diện tích đất khó trồng được các loại cây ăn trái khác. Đồng thời, nhờ nông dân quan tâm tuyển chọn những giống chanh mới cho năng suất, chất lượng cao, áp dụng tiến bộ kỹ thuật để chủ động mùa vụ bán được giá nên chanh mang lại hiệu quả kinh tế khá cao.
Hiện nay diện tích trồng chanh của địa phương này lên tới gần 1.000 ha, lớn nhất tỉnh Tiền Giang, tập trung ở các xã Tân Thanh, Thiện Trí, Hòa Khánh, Đông Hòa Hiệp, Mỹ Đức Tây, Mỹ Đức Đông và An Cư. Bên cạnh đó, để tạo đầu ra ổn định cho cây chanh theo hướng sản xuất chất lượng, bền vững và tạo uy tín trong người tiêu dùng, huyện Cái Bè cũng đã thành lập HTX chuyên canh trồng chanh ở xã Tân Thanh với diện tích gần 200 ha.
Tại huyện Cai Lậy, nông dân chủ yếu trồng chanh bông tím và chanh giấy với diện tích hơn 280 ha, sản lượng thu hoạch hàng năm hơn 2.200 tấn, tập trung nhiều ở các xã Hiệp Đức, Hội Xuân, Phú An và Cẩm Sơn. Để tiếp tục phát huy hiệu quả từ cây chanh, địa phương này có kế hoạch mở rộng diện tích, xây dựng những mô hình thâm canh chanh hiệu quả; đồng thời khuyến khích nông dân xen canh chanh trong vườn cây có múi chưa khép tán nhằm tăng hiệu quả kinh tế nông hộ.
Theo kết quả thống kê chưa đầy đủ, toàn tỉnh Tiền Giang hiện có hơn 1.300 ha chanh trồng rải rác khắp các huyện trong tỉnh, chủ yếu tập trung ở huyện Cái Bè, Cai Lậy. Sản lượng chanh cung cấp cho thị trường hàng năm hơn 10.000 tấn trái. Thị trường tiêu thụ chanh chủ chủ yếu là Tp Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Bắc.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao