Trồng Nấm Rơm Làm Giàu
Đến xã Hậu Mỹ Trinh, một trong những địa phương có nghề trồng nấm rơm phát triển ở tỉnh Tiền Giang, bà con nơi đây nhắc ngay đến ông Trần Văn Chính, một trong những người thâm niên và thành công trong mô hình trồng nấm hiệu quả này.
Ông Chính kể, trước đây gia đình ông thuộc dạng hộ nghèo, chỉ có duy nhất cái nền nhà. Khi mới vào nghề ông Chính chỉ thuê 2 công đất (2.000 m2) và đi xin rơm về trồng. Đến nay, ông đã thuê hơn 150 công đất trồng nấm rơm. Năm 2010, ông trồng 3 vụ nấm, thu hoạch được hơn 9 tấn, trừ chi phí còn lãi 243 triệu đồng.
Theo ông Chính, trồng nấm rơm chỉ cần siêng năng, chịu khó chăm sóc từ khâu thu gom rơm rạ cho đến xử lý, tưới nước. Nấm cho thu hoạch mỗi ngày, với 150 công đất, có ngày thu lãi 20- 30 triệu đồng. “Vào những ngày cao điểm như ngày lễ, ngày rằm, giá nấm lên 70.000- 80.000 đ/kg. Còn hiện tại dao động trên dưới 40.000 đ/kg. Dù giá cả thế nào, người trồng nấm vẫn có lãi”, ông khẳng định.
Với thâm niên trồng nấm rơm gần 15 năm của mình, ông Chính vui vẻ chia sẻ kinh nghiệm như sau: Trước hết cần phải chuẩn bị đất, sau đó vận chuyển rơm lên liếp chất thành lớp và tưới nước thấm đều cọng rơm, ủ khoảng 10- 15 ngày, chất rơm thành dòng khoai, ngang 25 cm, dài tùy theo khuôn viên đất rộng hay hẹp. Dùng meo rải lên mặt rơm và phủ thêm lớp rơm thứ hai, nhằm giữ ấm kích thích meo phóng tơ, 10 ngày sau cho thu hoạch. Bình quân mỗi bịch meo giống loại 100 gram cho 1 kg nấm thương phẩm. Trồng nấm không phải phun thuốc, chỉ cần mỗi ngày tưới nước một lần vào buổi chiều, hôm nào mưa thì không cần tưới.
Không chỉ làm giàu cho chính mình, ông Chính còn góp phần tạo công ăn việc làm cho 10 lao động địa phương. Ông còn là tổ trưởng tổ hợp tác trồng nấm của xã Hậu Mỹ Trinh với trên 30 thành viên.
Một trường hợp tương tượng như gia đình ông Chính đó là hộ ông Lý Diễm Phương, ấp Mỹ Tường A, xã Hậu Mỹ Trinh. Trước đây, gia đình ông Phương cũng thuộc dạng hộ nghèo, nhờ vay vốn trồng nấm rơm mà ông đã thoát nghèo. Theo ông Phương, chuyện thua lỗ đối với nghề trồng nấm rơm rất ít khi xảy ra. Thông thường, cứ một đồng vốn bỏ ra thì người trồng nấm sẽ thu vào 4 đồng lời. Mặt khác, chu kỳ quay vòng của đồng vốn trong trồng nấm rơm rất nhanh, bởi trồng nấm rơm thời gian thu hoạch rất ngắn, chỉ trong vòng 1 tháng là xong một vụ mùa. Hơn nữa, rơm sau khi trồng nấm được tận dụng dùng để trồng bầu, khổ qua cho thu hoạch rất cao.
Cũng nhờ mô hình trồng nấm mà tỷ lệ hộ nghèo của xã Hậu Mỹ Trinh mỗi năm giảm ít nhất 5%. Về mặt xã hội, nghề trồng nấm đã tạo công ăn việc làm và góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường, bởi 90% số rơm sau khi thu hoạch lúa đã được bà con sử dụng để trồng nấm, không phải đốt bỏ như trước đây.
Ông Đặng Hoàng Hơn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hậu Mỹ Trinh cho biết, ngành nông nghiệp và chính quyền xã đang hướng dẫn và giúp bà con phát triển nghề trồng nấm. Bên cạnh đó, địa phương còn khuyến khích trồng nhiều loại nấm khác như nấm bào ngư để tạo việc làm cho hộ không có nhiều đất SX.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao