Tin nông nghiệp Trồng ổi VietGAP giữa đại dịch vẫn bán đắt hàng

Trồng ổi VietGAP giữa đại dịch vẫn bán đắt hàng

Author Nguyễn Thành, publish date Monday. January 10th, 2022

Nông sản Quảng Ninh đang gặp khó khăn trong vấn đề tiêu thụ giữa đại dịch, tuy nhiên, ổi Hoành Bồ lại bán đắt hàng nhờ cách làm mới.

Mô hình trồng ổi VietGAP đã giúp nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho người nông dân. Ảnh: Nguyễn Thành

Thay đổi phương pháp trồng

Hiện nay, tổng diện tích cây ăn quả trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đạt 6.842,7ha, đã có những vùng sản xuất cây ăn quả tập trung cho hiệu quả kinh tế cao như vùng trồng vải chín sớm tại Phương Nam (TP Uông Bí), na dai tại Việt Dân, An Sinh (TX Đông Triều), ổi tại Dân Chủ, Sơn Dương (TP Hạ Long).

Cây ổi là loại cây ăn quả mang lại giá trị kinh tế cao cho người nông dân tại nhiều địa phương cả nước cũng như trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Hiện nay, công tác đầu tư tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất ngày càng được nông dân quan tâm đầu tư để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Thương hiệu “Ổi Hoành Bồ” đã trở thành sản phẩm được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến và tin dùng. Sản phẩm “Ổi Hoành Bồ” đã được cấp chứng nhận sản phẩm OCOP đạt 3 sao cấp tỉnh. Hoạt động sản xuất tập thể đối với cây ổi đã được nông dân quan tâm và đã hình thành một số HTX nông nghiệp, tổ sản xuất để cùng nhau liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Trước đây, người dân trên địa bàn xã Sơn Dương trồng ổi theo phương pháp truyền thống. Cách làm này khiến cho quả ổi không đạt chất lượng đồng đều, sản lượng thấp, giá thành không cao. Nhận thấy điều đó, từ đầu năm 2021, việc xây dựng mô hình sản xuất ổi VietGAP đã được thực hiện nhằm nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, góp phần thúc đẩy phát triển sản phẩm OCOP của địa phương và đảm bảo an toàn thực phẩm. 

Tại TP Hạ Long, diện tích trồng ổi hiện khoảng hơn 140 ha. Trung tâm Khuyến nông đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ Kỹ thuật nông nghiệp, UBND và Hội nông dân xã Sơn Dương tiến hành khảo sát địa điểm, họp nông dân chọn hộ tham gia mô hình đảm bảo yêu cầu. Theo đó, đã lựa chọn được 45 hộ nông dân tại thôn Đồng Giang, xã Sơn Dương để thực hiện mô hình với qui mô 9ha.

Địa điểm triển khai thực hiện thuộc vùng qui hoạch sản xuất ổi tập trung của địa phương, có đường giao thông thuận lợi cho việc theo dõi, chăm sóc, tham quan và hội thảo đầu bờ. Đồng thời các hộ tham gia mô hình là các hộ đã có kinh nghiệm trong sản xuất và có khả năng đối ứng đầy đủ các loại vật tư theo yêu cầu của mô hình. 

Xác định việc tập huấn chuyển giao kỹ thuật là nội dung quan trọng trong việc triển khai thực hiện mô hình, nhằm giúp nông dân nắm bắt được các kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã phối hợp với địa phương triển khai tập huấn hướng dẫn kỹ thuật cho tất cả các hộ tham gia mô hình và ngoài mô hình ngay từ đầu vụ sản xuất.

Theo ông Nguyễn Văn Phú ( Kỹ sư trồng trọt, TTKN Quảng Ninh), đối với việc chăm sóc cây sẽ tập trung vào hướng dẫn kỹ thuật cắt tỉa, tạo khung tán mở, hạ thấp chiều cao, cắt tỉa kích thích ra hoa, quả giúp cho cây tận dụng tốt ánh sáng, dinh dưỡng, ra nhiều hoa, quả gần thân chính. Đồng thời, giúp cho việc chăm sóc thuận lợi, giảm chi phí đầu tư sản xuất (giảm chi phí khâu bọc quả, thu hoạch và phòng trừ sâu bệnh hại).

Giữa đại dịch nhưng vẫn cháy hàng

Trung tâm Khuyến nông đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ KTNN TP Hạ Long, Hội Nông dân xã Sơn Dương để hướng dẫn, chỉ đạo nông dân cắt tỉa sớm sau khi thu hoạch hết loạt quả chín vào tháng 2 – 3 để hạn chế hoa tháng 3 - 4 (cho quả chính vụ). Áp dụng biện pháp trẻ hóa từng phần để vừa tạo quả rải vụ, vừa trẻ hóa cây. Qua đó, giúp cây vẫn cho quả liên tục, kéo dài chu kỳ khai thác cho cây. Quá trình được thực hiện 20 – 30 ngày/lần.

Theo ông Vy Văn Tuyên, hộ nông dân trồng ổi tại xã Sơn Dương (TP Hạ Long), vụ ổi chính vụ (tháng 6-7) cho chất lượng tốt hơn các vườn ngoài mô hình, thịt quả thời kỳ thu hoạch chắc và ít chua hơn; từ tháng 8 trở đi chất lượng ổi tốt, thịt quả chắc giòn và ngọt hơn.

Sau hơn 6 tháng (từ ngày 04/6/2021) được tư vấn đào tạo, tập huấn, đến nay, 100% số hộ tham gia mô hình đã triển khai thực hiện đảm bảo các khâu trong quy trình sản xuất theo VietGAP. Đây là mô hình sản xuất ổi theo VietGAP đầu tiên trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

Mô hình giúp nông dân tiếp cận các tiến bộ kỹ thuật và áp dụng vào sản xuất để tạo ra sản phẩm đạt năng suất, chất lượng tốt, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của thị trường, sản phẩm tạo ra đảm bảo yêu cầu về chất lượng an toàn thực phẩm.

Bên cạnh đó, các hộ đã từng bước hình thành ý thức sản xuất tập thể, cùng nhau hỗ trợ nhau sản xuất., qua đó nâng cao nhận thức người nông dân trong sản xuất, giúp cho sản phẩm tạo ra có uy tín với người tiêu dùng hơn.

Trên cơ sở kết quả của mô hình, địa phương đã thành lập hội nghề nghiệp "Trồng, chăm sóc cây ổi Đài Loan theo tiêu chuẩn VietGAP" tại địa phương. Đến nay mô hình tiếp tục được địa phương và các hộ sản xuất hưởng ứng tích cực và mở rộng việc áp dụng thực hiện quy trình sản xuất VietGAP.

Mô hình áp dụng kỹ thuật cắt tỉa để kích thích, tạo quả rải vụ thu hoạch liên tục, hạn chế quả chính vụ (thu hoạch tháng 6-7, chất lượng quả không cao, quả thường bị hơi chua đầu cuống, trùng với thời điểm thu hoạch nhiều loại quả khác nên giá thấp), tăng cường tạo quả rải vụ từ tháng 8 đến tháng 4 năm sau, đây là thời điểm quả có chất lượng tốt, ít bị áp lực thị trường, giá thành cao hơn so với chính vụ (giá ổi tháng 6/2021 đạt 10.000 đồng/kg, tháng 11/2021 đạt 20.000-25.000 đồng/kg), nên nâng cao hiệu quả kinh tế cho người sản xuất.

Đối với cây ổi năm thứ 3 trở đi khi thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật cho thu hoạch đạt khoảng 40 tấn/ha/năm, giá bình quân trong năm đạt 15.000 đồng/kg cho doanh thu khoảng 600 triệu đồng/ha/năm, chăm sóc tốt có thể cho đạt 45-50 tấn/ha, cho doanh thu trên 800 triệu đồng/ha/năm, cho lãi 40-50%. Ông Vy Văn Huân (hộ trồng ổi xã Sơn Dương) chia sẻ, sau khi áp dụng trồng ổi VietGAP, khách hàng tìm đến mua nhiều hơn, có thời điểm hàng không đủ để bán.

Đối với mô hình sản xuất theo VietGAP năng suất không có sự chênh lệch nhiều so với sản xuất thông thường. Tuy nhiên, sản phẩm được tạo ra đạt chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm, tạo được uy tín đối với người tiêu dùng nên giá thành ổn định và cao hơn so với ổi sản xuất thông thường. Đồng thời, người sản xuất xác định được chính xác hiệu quả trong sản xuất để có giải pháp tái đầu tư phù hợp.

Bên cạnh đó, các hộ đã được đơn vị cấp chứng nhận VietGAP hỗ trợ 6.000 tem truy xuất nguồn gốc (1000 tem/nhóm) để truy xuất nguồn gốc sản phẩm khi cung cấp ra thị trường.

Mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP nên trong quá trình sử dụng các loại vật tư phân bón, thuốc BVTV đều được ghi chép đầy đủ nên không để tình trạng lạm dụng phân bón, thuốc BVTV trong qua trình chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại, nhất là 100% không sử dụng thuốc trừ cỏ nên giảm thiểu gây ô nhiễm môi trường.

Theo ông Phạm Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND Quảng Ninh, thời gian qua, các mặt hàng nông sản của tỉnh đã chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 dẫn đến khó tiêu thụ. Tuy nhiên, ổi Hoành Bồ lại có "gương mặt" trái ngược hoàn toàn, khi được bày bán trên khắp các chợ, siêu thị, nhà hàng trên địa bàn tỉnh, nhờ chất lượng sản phẩm cao và tham gia vào các chuỗi liên kết tiêu thụ.

Đại diện Hội nông dân xã Sơn Dương (TP Hạ Long) cho biết, thành công của mô hình sẽ thúc đẩy sản xuất, tạo thêm việc làm cho lao động nông thôn, nâng cao thu nhập cho người nông dân. Các hộ tham gia mô hình đã hình thành ý thức sản xuất tập thể, hỗ trợ nhau sản xuất, xây dựng vùng sản xuất tập trung đảm các yêu cầu theo quy định. Đồng thời, các nhóm hộ cũng rất kiên quyết trong việc tổ chức đánh giá nội bộ, đối với các thành viên chưa thực hiện tốt đều được tham gia góp ý để hoàn thiện, qua đó từng bước tạo được ý thức chung trong sản xuất.

Có thể khẳng định mô hình sản xuất ổi theo VietGAP bước đầu đã mang lại hiệu quả rõ nét cho người sản xuất, cả về mặt hiệu quả kinh tế và xã hội. Tuy nhiên, để mô hình tiếp tục được phát huy hiệu quả và nhân rộng ra trong thời gian tới, các địa phương cần tiếp tục tăng cường nguồn lực hỗ trợ đầu tư hoàn thiện các hệ thống cơ sở hạ tầng; cung cấp giống, vật tư tiếp tục phối hợp, hỗ trợ trong việc giới thiệu, chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới để người sản xuất áp dụng đạt hiệu quả; các hộ nông dân tham gia mô hình tiếp tục thực hiện tốt quy trình sản xuất theo VietGAP để tạo sản phẩm đạt chất lượng cung cấp cho thị trường.


Related news

xu-ly-phe-thai-che-bien-tinh-bot-san-thanh-phan-bon-huu-co Xử lý phế thải chế… che-pham-vi-sinh-giup-nong-dan-tu-san-xuat-phan-bon-huu-co Chế phẩm vi sinh giúp…