Mô hình kinh tế Trồng Rong Nho Cần Đầu Tư Nhân Rộng

Trồng Rong Nho Cần Đầu Tư Nhân Rộng

Publish date Thursday. June 5th, 2014

Một số người dân ở TX Sông Cầu (Phú Yên) đang nuôi trồng rong nho. Đây là đối tượng nuôi trồng mới nên nhiều bà con chưa mạnh dạn đầu tư.

Đối tượng trồng mới

Tại TX Sông Cầu, người đầu tiên trồng rong nho là anh Lương Khắc Lâm. Anh Lâm cho biết: “Cách đây 2 năm, tôi từ TP Tuy Hòa ra xã Xuân Phương (TX Sông Cầu) trồng rong nho. Ban đầu, tôi mua khoảng 500kg giống (25.000 đồng/kg) ở Khánh Hòa về trồng trên diện tích ao hơn 1.500m2.

Sau 1 tháng, rong nho phát triển tốt và bắt đầu cho thu hoạch đến nay. Hiện Phú Yên chưa có địa điểm thu mua, nên sau khi thu hoạch rong nho, tôi chở vào TP Nha Trang (Khánh Hòa) bán xô với giá từ 23.000 đến 25.000 đồng/kg.

Tôi cũng đang học cách sơ chế rong nho thành phẩm, bán với giá 100.000 đồng/kg. Nghề này rất nhọc, đòi hỏi nhiều công lao động để chăm sóc và thu hoạch, nhưng bù lại cho thu nhập cũng khá. Hiện gia đình tôi mỗi tháng thu khoảng 15-20 triệu đồng từ tiền bán rong nho”.

Theo tiến sĩ Thái Ngọc Chiến, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III (Khánh Hòa), ở Việt Nam, việc nghiên cứu rong nho được thực hiện từ năm 2004 đến nay. Rong nho biển là loại thức ăn ngon, bổ dưỡng, chất caulerparine trong rong nho kích thích ăn ngon miệng, có tác dụng diệt khuẩn. Rong nho biển không nhiều đường, đạm nhưng chứa nhiều vitamin và các nguyên tố vi lượng cần thiết.

Những năm gần đây, rong nho được trồng khá phổ biến ở TP Cam Ranh và TX Ninh Hòa (Khánh Hòa), bằng hình thức trồng tiếp đáy trực tiếp hay trồng bằng vỉ cho tiếp đáy ở ao. Các mô hình trồng rong nho đã góp phần tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho các hộ dân đồng thời tận dụng được các ao nuôi trồng thủy sản kém hiệu quả.

Cần đầu tư nhân rộng

Hiện nhiều người dân ở TX Sông Cầu có ao đìa nuôi tôm không hiệu quả đang muốn chuyển sang trồng rong nho. Tuy nhiên, đây là một đối tượng nuôi trồng mới nên bà con chưa mạnh dạn đầu tư. Ông Đoàn Mỡ ở thôn Phú Mỹ, xã Xuân Phương, cho biết: “Ao đìa có sẵn, kỹ thuật trồng rong nho đã được tập huấn nên tôi cũng am hiểu phần nào. Điều lo lắng nhất hiện nay là đầu ra của sản phẩm, vì tại Phú Yên chưa có cơ sở chế biến và điểm thu mua”.

Theo ông Nguyễn Minh Chỉ ở xã Xuân Phương, các cơ quan chuyên môn nên hướng dẫn kỹ thuật trồng rong nho cho người dân theo hướng cầm tay chỉ việc. Nghĩa là, cán bộ kỹ thuật phải ứng trực tại địa phương có trồng rong nho, khi đó bà con cần hỏi điều gì thì hướng dẫn trực tiếp. Nhà nước cũng cần đầu tư mô hình trồng rong nho thí điểm để sau đó nhân rộng…

Ông Trần Ngọc Hà, Phó chủ tịch UBND xã Xuân Phương, cho biết: “Hiện nay, tình hình dịch bệnh trên các đối tượng thủy sản nuôi rất phức tạp; một số diện tích ao, đìa nuôi tôm hiệu quả bấp bênh. Trồng rong nho đầu tư ít nhưng đem lại giá trị kinh tế ổn định nên Nhà nước cần có chính sách đầu tư để bà con ven biển cải thiện đời sống, góp phần xóa đói giảm nghèo”.

Theo tiến sĩ Thái Ngọc Chiến, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III đang thực hiện mô hình thí điểm trồng rong nho tại TX Sông Cầu; bà con nào có nhu cầu thì đăng ký để Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III xem xét và sẽ triển khai trồng trong năm 2015.

Đối với kỹ thuật trồng rong nho, tiến sĩ Chiến cho biết: Ao, đìa dùng để triển khai trồng rong nho có chất đáy là cát pha bùn, đáy ao có độ dốc nghiêng về cống và độ cao trình đáy thấp hơn khi thủy triều lên.

Người nuôi cần chọn vùng ven biển có nguồn nước sạch, không bị nhiễm bẩn do chất thải các ngành sản xuất và chất thải sinh hoạt của dân cư, vùng có độ mặn ổn định từ 28 đến 35‰ (thích hợp nhất từ 30 đến 35‰), độ pH từ 7,5 đến 8,5. Rong nho phát triển rất nhanh với tốc độ tăng trưởng đạt gần 2,6%/ngày, đặc biệt là trong môi trường nhiều chất hữu cơ. Sau 30-35 ngày trồng, rong nho có thể cho thu hoạch, năng suất trung bình 20 tấn/ha/năm.

Tùy thuộc vào mùa vụ, người trồng có thể điều chỉnh ánh sáng ở khu vực trồng rong thích hợp trong khoảng 15.000 Lux (15% ánh sáng tự nhiên vào buổi trưa mùa hè) bằng lưới lan đen. Mùa hè ánh sáng mạnh cần phải che 2 lớp lưới, mùa đông ánh sáng yếu chỉ cần che 1 lớp lưới hoặc che 1 tấm lưới cách 1 tấm lưới không che.

Trung tâm Chất lượng thủy sản Vùng 3 đã cấp chứng nhận sản phẩm rong nho đủ tiêu chuẩn xuất khẩu cho 3 công ty tại Khánh Hòa. Sản phẩm xuất khẩu gồm rong nho tươi, rong nho khô (chế biến qua muối bão hòa) và bột rong nho biển; chủ yếu xuất sang các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc và Nga… Trong nước, người dân cũng đang chú ý đến các sản phẩm từ rong nho bởi giá trị dinh dưỡng và tính an toàn cho sức khỏe.


Related news

nhieu-giai-phap-khac-phuc-van-de-nuoi-tom-the-tu-phat Nhiều Giải Pháp Khắc Phục… kha-len-nho-nuoi-oc Khá Lên Nhờ Nuôi Ốc