Trồng sen thay lúa vụ ba ở An Giang
Tại An Giang, nhiều diện tích chuyên canh 3 vụ lúa đã chuyển 2 vụ lúa qua trồng sen mang lại hiệu quả kinh tế cao. Mô hình sản xuất luân canh một vụ lúa – một vụ sen này được cho là khá thích hợp trong tình trạng biến đổi khí hậu.
Thu hái sản phẩm từ cây sen trên ruộng – Ảnh: Đức Vịnh.
Tăng thu nhập, thêm việc làm
Ông Lê Văn Thiện (ấp Tân Thành, xã Tân Lập, huyện Tịnh Biên) kể trước kia mình chuyên trồng 3 vụ lúa quanh năm, gần đây thấy chi phí sản xuất cứ tăng thêm mà sản lượng lại sụt giảm. Hai vụ hè thu và thu đông thường bị dịch bệnh, chịu mưa bão kéo dài phải sử dụng nhiều phân thuốc, tốn thêm khoản bơm rút nước, trong khi lắm lúc lúa khó tiêu thụ, giá bán bấp bênh…
“Những lúc rảnh tôi tranh thủ học cách trồng sen”, ông Thiện tâm sự. Năm ngoái thu hoạch xong lúa đông lúa xuân, ông Thiện cho cày bừa, làm sạch mặt ruộng rồi mua giống sen về trồng trên 2ha đất. Sen phát triển tốt.
Sau hai tháng, hằng ngày gia đình ông cắt ngó sen đem ra chợ bỏ mối, và từ tháng thứ tư trở đi bắt đầu hái gương sen bán cho thương lái. Thu hoạch gương kéo dài đến vụ đông xuân thì bỏ sen, làm đất để gieo sạ lúa.
“Cả mùa rồi bán tổng cộng 16.000 kg gương sen, giá thường trên 10.000 đồng/kg, cũng có đợt tới 20.000-25.000 đồng/kg. Trừ chi phí lãi được 110 triệu đồng, sau vụ lúa này tôi vẫn tiếp tục trồng sen”, ông Thiện hồ hởi.
Nhiều hộ khác cũng luân canh một vụ lúa – một vụ sen tương tự, chủ yếu là trồng sen chuyên lấy gương, một số thì chuyên thu hoạch ngó, củ. Họ nhận định sen ít nhiễm sâu bệnh, nhẹ công chăm sóc, chịu được mưa lũ, ngập nước…
Ông Trần Hiếu Thuận, trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tịnh Biên, cho biết gần đây toàn huyện có 150ha chuyển qua mô hình trồng luân canh lúa – sen. Mỗi năm An Giang đón hàng triệu khách du lịch, hành hương.
Bên cạnh tiêu thụ tại địa phương thì bông, ngó, gương, củ sen được thương lái các nơi đến thu mua nên đầu ra khá thuận lợi.
Dịp đầu năm, qua Tết Nguyên đán, mùa lễ hội Vía Bà, các sản phẩm này đều bán được giá, hiện nay gương sen tới 25.000 đồng/kg.
“Lãi gấp 3 lần trồng lúa, với ruộng sen kết hợp thêm nuôi cá trong mùa lũ thu lợi càng cao hơn. Mô hình còn tạo thêm việc làm thường xuyên cho lao động nông thôn từ việc thu hoạch” – ông Thuận nói.
Gắn kết với tiêu thụ ổn định
Tại ĐBSCL, việc thâm canh lúa liên tục qua nhiều năm khiến đất suy kiệt dẫn đến giá thành sản xuất cao, gần đây lại bị ảnh hưởng bởi thời tiết bất lợi do biến đổi khí hậu.
Từ đó An Giang cho chuyển đổi một phần diện tích chuyên canh lúa sang trồng hoa màu, cây ăn trái… ở những nơi phù hợp. Với cây sen, hiện nay toàn tỉnh có 1.600 ha, trong đó luân canh một vụ lúa – một vụ sen là 900 ha.
Ông Trần Anh Thư, giám đốc Sở NN&PTNT An Giang, cho biết ở hai vụ hè thu và thu đông điều kiện trồng lúa không mấy thuận lợi, việc chuyển qua trồng sen phù hợp với chủ trương giảm diện tích trồng lúa của Chính phủ, đồng thời đảm bảo khi xả lũ vẫn duy trì sản xuất tạo ra việc làm, có thêm thu nhập cho người dân.
Nghiên cứu của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới (IUCN) và nhiều nhà khoa học đã đánh giá mô hình luân canh lúa – sen thích ứng trong hoàn cảnh biến đổi khí hậu ở ĐBSCL. Đặc biệt là góp phần làm giảm sâu bệnh, tăng độ phì nhiêu cho đồng ruộng nên cũng giảm chi phí canh tác cho cây lúa, mang lại nhiều hiệu quả về kinh tế, xã hội.
Tuy vậy, mô hình không nên mở rộng tự phát mà cần quy hoạch cụ thể và cần có sự liên kết trong tiêu thụ, gắn với nhu cầu thị trường nhằm tránh tình trạng mất cân đối cung cầu, rớt giá.
“Ngành nông nghiệp định hướng chỉ nên thực hiện ở những nơi có điều kiện xả lũ trong mùa nước nổi và có thể kết hợp thêm nuôi cá đồng, phục vụ tham quan, du lịch để gia tăng lợi nhuận”, ông Thư nói.
Cũng theo ông Thư, gần đây một số đơn vị đã nghiên cứu làm ra những sản phẩm lưu niệm, đồ trang trí, thực phẩm, dược phẩm, nước giải khát… từ sen được tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Việc này cần được tiếp tục duy trì.
Nhằm mở rộng mô hình tiến tới xây dựng chuỗi giá trị phát triển bền vững cho cây sen, An Giang đang có chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư chế biến các sản phẩm giá trị gia tăng kèm theo tổ chức liên kết sản xuất có bao tiêu với nông dân, qua đó đảm bảo khâu tiêu thụ ổn định.
“Phát triển cây sen là trả lại giá trị cốt lõi về sản phẩm bản địa cho miệt bưng (vùng Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên); vốn là nơi sinh thái thích hợp cho sen phát triển.
Tôi cho rằng với xu thế thuận thiên ứng phó biến đổi khí hậu, đặc biệt là giảm áp lực canh tác lúa vụ 3 vùng thượng nguồn của Tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười thì cây sen là một trong các cây con có cơ hội nhiều nhất bởi lẽ các giá trị kinh tế; du lịch; sinh thái và cơ hội sinh kế cho nông dân.
Ngoài giá trị đã nêu, quan trọng hơn, các kinh nghiệm phát triển cây sen tỉnh Đồng Tháp cũng đã chứng minh về giá trị tăng thêm từ sen như chế biến ra sữa, nước giải khát thanh nhiệt, rượu, trà, củ sen sấy, hạt sen sấy, tơ sen… cho các thị trường chuyên biệt trong và ngoài nước.
Mặc dù hiện nay vùng Đồng Tháp Mười có diện tích khoảng 2.200 ha, kết hợp vùng Tứ giác Long Xuyên khoảng 1.600 ha, tuy nhiên để phát triển cây sen ổn định cần liên kết phát triển ngành hàng sen qua bố trí sản xuất và tiêu thụ sen liên quan sử dụng đất lúa vụ 3.
Đặc biệt, tỉnh An Giang và Đồng Tháp cần bàn tính thêm trong việc mở rộng diện tích sen trên lúa vụ 3 hợp lý, không phát triển ồ ạt không theo quy luật cung cầu thị trường” – PGS.TS Nguyễn Văn Sánh, viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển ĐBSCL, cho biết.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao