Mô hình kinh tế Trồng Thanh Long Ở Xóm Đông Du

Trồng Thanh Long Ở Xóm Đông Du

Publish date Tuesday. March 4th, 2014

Theo sự hướng dẫn của Hội Nông dân xã Đông Hiếu, chúng tôi đến thăm mô hình trồng thanh long cho hiệu quả kinh tế cao của xóm Đông Du 1. Con đường bê tông thoáng rộng nối liền các tổ liên gia trong xóm được bao bọc bởi những vườn thanh long, vườn tiêu, vườn rau ngót xanh ngút ngát.

Trên toàn bộ diện tích vườn hơn 500 m2, chị Vũ Thị Dung đã bố trí phủ kín gần 100 gốc thanh long ruột trắng. Mùa Xuân, mùa nảy lộc đâm chồi của cây thanh long nên tại mỗi cọc cây, ngọn thanh long mơn mởn vươn lên tua tủa trông rất bắt mắt.

Dưới mỗi gốc gia đình chị Dung đã cắt tỉa loại bỏ những cành (vòi) phụ chỉ để lại những vòi chính sẽ cho quả to. Chị Dung cho biết: Khoảng tháng 5 là thanh long cho thu hoạch, mỗi năm 4 lứa, mỗi lứa từ khi ra hoa đến lúc quả chín khoảng 1 tháng.

Hơn 10 năm trồng thanh long thì chỉ có năm đầu tiên cây đang trong thời kỳ kiến thiết cơ bản, 9 năm sau đó đều cho thu nhập ổn định 25 triệu đồng/năm. Tôi nhẩm tính với giá trị 500 m2 mà gia đình chị Dung thu được thì mỗi ha sẽ cho thu nhập không dưới 500 triệu đồng.

Cây thanh long bắt đầu xuất hiện ở Đông Du 1 từ những năm 90 khi ông Phấn là người đầu tiên đưa giống về trồng thử, mục đích chỉ trồng cảnh nhưng rồi thanh long đã “bén duyên” và khẳng định hiệu quả kinh tế trên vùng đất này.

Cái hay của trồng thanh long đó là chi phí đầu tư ban đầu ít, mỗi ha chỉ khoảng 100 triệu đồng (chủ yếu đầu tư cọc bê tông), nguồn giống tự cân đối bởi rất dễ trồng, ngoài ra loại cây này ít sâu bệnh, có thể tận dụng được nguồn phân hữu cơ của gia đình để bón.

“Bí quyết” thanh long cho quả to, năng suất, hiệu quả kinh tế cao của gia đình chị Dung đó là phải đảm bảo nguồn nước tưới và khi cây đâm chồi ra lộc phải biết cắt tỉa vòi phụ. Nhờ đó, thanh long ruột trắng của gia đình chị Dung có quả đạt  trọng lượng đến 700 g.

Thanh long trồng tại xóm Đông Du 1 quả to, ngọt và có hương vị đặc trưng của vùng đất đỏ. Vào những ngày tuần tư thương vào tận vườn để mua đem đi tiêu thụ. Từ hiệu quả của mô hình kinh tế vườn trồng cây thanh long mang lại, nhiều hộ ở xóm Đông Du 1 đã tập trung cải tạo vườn tạp, đầu tư cột bê tông để trồng.

Đồng chí Nguyễn Hồng Nam, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đông Hiếu cho biết: Từ hiệu quả của cây thanh long trồng trong vườn nhà, Hội đang thực hiện việc hỗ trợ một số hộ dân có điều kiện diện tích vườn về kỹ thuật, phân bón để nhân rộng mô hình trồng thanh long.

Cụ thể Hội đã hỗ trợ hộ hội viên Hồ Sỹ Hưng phân bón và kỹ thuật, gia đình ông Hưng đầu tư gần 40 triệu đồng đổ cọc bê tông, khoan giếng nước và trồng trên diện tích 5.000 m2 theo giải pháp trồng rau ngót xen cây thanh long, đến nay cây thanh long bắt đầu bén tốt.

Phong trào cải tạo vườn tạp, trồng các loại cây ăn quả, cây rau cho hiệu quả kinh tế cao không chỉ phát triển mạnh không chỉ xóm Đông Du 1 mà còn ở xóm Đông Du 2. Cùng với cây rau ngót, cây tiêu, cây thanh long đã thực sự khẳng định giá trị kinh tế cao, trở thành mô hình phát triển kinh vườn cần phải đẩy mạnh nhân rộng, nhất là hậu thu hồi đất sản xuất.


Related news

noi-lo-toi-ly-son-mat-mua-rot-gia Nỗi Lo Tỏi Lý Sơn… tieu-doc-khu-trung-bao-ve-dan-vat-nuoi Tiêu Độc, Khử Trùng Bảo…