Mô hình kinh tế Trùm cỏ kiếm 4 tỷ đồng mỗi năm

Trùm cỏ kiếm 4 tỷ đồng mỗi năm

Publish date Thursday. November 5th, 2015

Tốt nghiệp chuyên ngành hóa, Đại học Công nghiệp TP HCM, thời gian đầu chỉ tìm được việc làm trái nghề với mức lương 1,5 triệu đồng, Võ Thành Ngân quyết định về quận 12 phụ người dượng trồng cỏ.

Biết con quyết định làm nông dân, ba Ngân khá thất vọng.

Người khác thậm chí còn nói anh dở hơi.

Nhưng chàng cử nhân sinh năm 1989 này cho rằng, việc trồng cỏ ban đầu có thể giúp anh sống được, sau đó còn là lĩnh vực rất tiềm năng.

"Vì Sài Gòn bê tông nhiều hơn cây xanh, những công trình mới sẽ hướng đến sử dụng nhiều màu xanh tự nhiên để đảm bảo cảnh quan, sức khỏe, sự văn minh", chàng trai này giải thích.

Thời gian đầu, Ngân tập trung làm công nhân trồng cỏ để tích lũy vốn.

Anh làm tất cả mọi công việc từ trồng, chăm sóc đến khâu đánh cỏ và khuân vác...  để biết quy trình, cách thức làm việc và điều tra thị trường, tìm hướng đi riêng cho mình.

Tháng 3.2012, Ngân mạnh dạn thành lập Công ty TNHH Thảm Cỏ Việt.

Để có vốn hoạt động, anh mượn họ hàng khoảng 50 triệu.

“Vốn ít nên tôi ‘ăn theo’ anh rể và bác để cùng hùn vốn thuê một thửa ruộng lớn làm chung giúp tiết kiệm chi phí, vật tư.

Rất may, làm 2 đến 3 vụ là tôi trả được hết nợ”, Ngân nói.

Để tìm kiếm khách hàng, Ngân tự lập website làm kênh quảng bá, vừa tiết kiệm chi phí, vừa hiệu quả.

Mặc dù website không đẹp, nhưng chàng cử nhân trẻ chú trọng đầu tư nội dung chuyên sâu, phong phú.

Hơn 300 bài viết đã được anh chia sẻ về quy trình trồng và cách thức chăm sóc, thi công, bảo trì cỏ.

Với số vốn ít ỏi, Ngân chọn thuê khu đất rẻ để làm.

Không may, đợt cỏ chuẩn bị bán đó bị úng toàn bộ do trồng vào mùa mưa, khiến 80 triệu đồng mất trắng.

"Lúc đi thuê, chủ đất nói có ngập nước nhưng không nặng, tôi nghĩ sẽ sử dụng máy bơm để hút nước ra được, nhưng thực tế là không được.

Cứ độ tháng 8 đến tháng 10 là đất lại bị ngập nặng, khiến tôi phải mất đến 2 tháng để đất trống", Ngân kể.

Không nản, Ngân tiếp tục đi tìm vùng đất mới có mức giá thuê tương đối, có thể không tốt nhưng thoát nước dễ dàng hơn để vực lại hoạt động của công ty.

Tuổi đời còn khá trẻ, hồ sơ năng lực công ty chưa có gì ấn tượng nên lúc đầu khách hàng không mấy tin tưởng.

Để tạo niềm tin, Ngân mời đối tác đến vườn để họ tận mắt thấy quy mô vùng trồng cỏ, kỹ thuật làm như thế nào thì mới dễ thuyết phục...

Nhận biết điểm mạnh của mình là cung cấp được một số lượng cỏ lớn ra thị trường, nên Ngân tập trung đánh mạnh vào các công trình lớn như: dự án cao tốc  sân bay, resort.

Anh cho biết: “Dự án đường cao tốc Long Thành cần đến 190.000 m2 cỏ, và công ty tôi hoàn toàn đảm bảo đủ số lượng, thi công đúng tiến độ, trong khi những đơn vị tổng thầu hiện nay chủ yếu là công ty chuyên về cây xanh nên họ không đủ nguồn cỏ để cung cấp", Ngân giải thích và chia sẻ thêm, một công ty trẻ như của anh sở dĩ có thể đấu thầu và trúng được là do anh chủ động liên kết với các công ty xây dựng, công ty cây xanh có thể thầu được mảng trồng cỏ.

Tập trung chuyên canh cỏ, từ 3.000 m2 ruộng đầu tiên, hiện nay Ngân sở hữu 2 hecta.

Ngoài ra anh còn thuê trồng bên ngoài với tổng diện tích 10ha; hợp tác với 7 đối tác ở Đồng Tháp, Hóc Môn, Củ Chi, Bình Dương để cung cấp thêm.

Tính chung, mỗi năm công ty Ngân cung cấp ra thị trường gần 20 hecta cỏ.

Chia sẻ về kỹ thuật trong thi công, Ngân cho biết mình áp dụng theo quy trình đi từ dưới lên.

Cỏ có một nghịch lý là phát triển rất dày, rễ, lá, đan chằng chịt nên nước, chất dinh dưỡng rất khó thấm xuống dưới đất.

Do đó, khâu làm đất rất quan trọng, đất phải tơi xốp, tạo nguồn cung cấp dinh dưỡng tốt thì bộ rễ mới phát triển và lá mới xanh mướt.

Riêng cỏ ở các khu nghỉ dưỡng, cần sử dụng chất dinh dưỡng có nguồn gốc hữu cơ và không độc hại, không tạo mùi.

Đối với những thảm cỏ, khi thi công cần chú ý cắt bỏ phần viền ngoài của thảm để tránh hư hại do tác động của nắng, gió và quá trình vận chuyển...

Trồng cỏ là công việc khá cực khổ khi tất cả đều làm thủ công, đặc biệt là vào những ngày mưa gió, sình lầy.

Thấy vậy, Ngân tìm hiểu và nhờ thợ cơ khí chế tạo ra những máy móc để nâng cao năng suất.

Chính nhờ việc cơ giới hóa này, có lúc khách hàng đặt đến 1.000 bao cỏ mà trung bình 5-7 công nhân làm cả ngày mới xong, thì từ khi có máy chỉ cần làm trong buổi sáng.

Ngân cho biết, công ty đã hoạt động ổn định và doanh thu tăng theo các năm, hiện tại đạt mức 4 tỷ đồng.

Trong thời gian tới, anh muốn chế tạo thêm nhiều máy móc hơn, mở rộng chi nhánh tại ở Đà Nẵng để phát triển lan ra khu vực Tây Nguyên.

Ông chủ trẻ cho biết, ngoài những công trình thông dụng, anh đang hướng đến việc chuyên làm sân cỏ thể thao, sân bóng, sân tập golf và đặc biệt là sân thể thao đa năng.


Related news

trang-tay-vo-no-bo-xu-vi-tom Trắng tay vỡ nợ bỏ… se-co-nhieu-chinh-sach-manh-hon-cho-nong-nghiep Sẽ có nhiều chính sách…