Mô hình kinh tế Trung Tâm Nghiên Cứu Gia Cầm Thuỵ Phương: Nơi Xông Pha Theo 115

Trung Tâm Nghiên Cứu Gia Cầm Thuỵ Phương: Nơi Xông Pha Theo 115

Publish date Thursday. July 12th, 2012

Khoảng 6-7 năm trước, tôi nhớ đã mấy lần cùng TS. Phùng Đức Tiến- GĐ Trung tâm nghiên cứu gia cầm Thuỵ Phương, lặn lội lên Trại chăn nuôi đà điểu Ba Vì. Ngày đó anh mới nhậm chức đâu được vài năm, tôi mới quen anh rồi ấn tượng luôn đó là một con người hết sức nhiệt huyết. Nói chuyện với người như thế cánh báo chí rất thích, gọi là lối nói chuyện có lửa.

Bấy giờ con đà điểu đang còn xa lạ với nhiều người, giá giống đắt tới trên 4 triệu đồng/con. Anh Tiến cho rằng phải hạ giống xuống một nửa thì mới nhiều người nuôi, sản phẩm mới cạnh tranh được. Giờ thì giá giống xuống chỉ khoảng 1,9 triệu đồng/con, nuôi đà điểu trở thành một nghề mới làm giàu cho nhiều nơi, đặc biệt vùng miền Trung đất hoang hoá còn rộng là một lợi thế so sánh lớn để nuôi loài vật có đôi chân chạy cực khoẻ này. Sản phẩm đà điểu thì cung không đủ cầu, luôn không có hàng để xuất khẩu. Có công ty tại Đà Nẵng được một đối tác Nhật Bản đặt mua mỗi tháng 50 tấn thịt đà điểu và 2.000m2 da nhưng không có mà bán. Đương nhiên công đầu cho nghề nuôi đà điểu ở Việt Nam là của Trung tâm nghiên cứu gia cầm Thuỵ Phương, khi nhập giống về nghiên cứu thích nghi và chuyển giao ra sản xuất. Theo đánh giá của các nhà chuyên môn, trình độ nghiên cứu đà điểu của Trung tâm NC gia cầm Thuỵ Phương hiện nay thuộc diện giỏi nhất Đông Nam Á, hơn hẳn Thái Lan và ngang ngửa các nước tiên tiến.

Khi TS. Phùng Đức Tiến thông báo với bạn bè là Trung tâm chuẩn bị đón nhận Huân chương Lao động, chúng tôi không ngạc nhiên vì thấy đó là phần thưởng Nhà nước dành cho họ. Đây cũng là đơn vị thuộc Viện Chăn nuôi được Bộ NN- PTNT kỳ vọng nhiều, là một trong các đơn vị tiên phong thuộc Bộ chuyển đổi "hạch toán tự chủ trong nghiên cứu khoa học" theo Nghị định 115 của Chính phủ. Đúng anh Tiến có một phong cách thật hợp với những người đi tiên phong: Dám đương đầu và dám chịu trách nhiệm.

Thực ra nay Trung tâm NC gia cầm Thuỵ Phương đã đủ lớn mạnh để đảm đương với thử thách mới mẻ này. Ngoài trại đà điểu ở Ba Vì, Trung tâm còn mở rộng mấy trại giống nữa ở Phổ Yên- Thái Nguyên, Cẩm Giàng- Hải Dương và Hàm Thuận Nam- Bình Thuận. Trại nào cũng lớn quy mô mấy chục héc ta, trại Hàm Thuận Nam được phê duyệt rộng tới 103 ha. Anh Tiến say sưa nói về trại Cẩm Bình- Cẩm Giàng, ở đó Trung tâm sẽ xây dựng một nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi, một trại lớn gà giống công nghiệp (gà "siêu tốc" nuôi 42 ngày có trọng lượng 2,5kg), cùng 1 trại thuỷ cầm 1 vạn con giống ông bà và bố mẹ. Hướng đi của Trung tâm là khép kín từ cung cấp con giống sạch bệnh, đến thức ăn, vệ sinh thú y sạch, giết mổ an toàn trước khi đưa vào siêu thị. Đó là hướng đi mà trước sau, ngành chăn nuôi Việt Nam phải làm, nếu không muốn bị người tiêu dùng tẩy chay.

Tôi thích thú và thấy đúng khi nghe anh Tiến nói về việc xây dựng trại gia cầm tại Bình Thuận. Đó là những ngày anh lặn lội vào mảnh đất miền Trung khó khăn này gặp hết lượt Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch, Phó chủ tịch tỉnh và giám đốc nhiều Sở để xin được đầu tư xây dựng trại nghiên cứu giống. Anh quả quyết với người đứng đầu tỉnh là xây dựng trại ở đây thì dân trong tỉnh có lợi đầu tiên, vì bất kỳ giống gia cầm nào tốt nhất trại đều có hết. Tỉnh ủng hộ, đồng ý cấp đất. Anh Tiến tỏ ra khôn ngoan là chỉ xin tỉnh đất lâm nghiệp, xa đô thị, ít phải đền bù, vì chọn chỗ tốt ít cũng mất vài chục tỷ đồng tiền giải phóng mặt bằng cho trên 100 ha đất mà lại phức tạp. Một trại giống thì đâu cần chỗ tốt, chỉ cần đất rộng cho đà điểu nó chạy, anh Tiến nói vui.

Bây giờ thì Trại giống gia cầm ở Bình Thuận của Trung tâm bắt đầu được xây dựng, quy mô làm 2 triệu con giống mỗi năm. Hãy tính phí vận chuyển 1 con gia cầm giống từ Bắc vào Nam mất 1.700 đồng, thì với 2 triệu con giống là 3,4 tỷ đồng. Trung tâm xây dựng trại tại Bình Thuận là được lợi khoản tiền không nhỏ đó.

Tương tự các trại đặt tại Thái Nguyên (cửa ngõ Tây bắc), hay Hải Dương (cửa ngõ Đông bắc) cũng không ngoài tham vọng chiếm lĩnh các thị trường chiến lược. Trung tâm cũng đã xúc tiến thành lập một công ty theo hướng cổ phần hoá. Phải có công ty, việc chuyển giao khoa học công nghệ vào sản xuất mới nhanh và hiệu quả. Giám đốc Phùng Đức Tiến không những hăng hái lãnh đạo Trung tâm chuyển đổi theo Nghị định 115, hơn thế như lời anh nói còn biết ơn Đề án chuyển đổi này. Vì chỉ có chuyển đổi, một đơn vị nghiên cứu như các anh mới có cơ hội mạnh lên, còn không lương cán bộ vẫn ba cọc ba đồng, sản phẩm năm nào cũng có nhưng ra sản xuất chẳng đáng bao nhiêu. Anh Tiến nói: Công nghệ làm giống mình đầu bảng, chuyển giao thành thạo, đánh giá môi trường tốt, bây giờ là lúc anh em Trung tâm muốn "chiến đấu" ngoài thị trường. Mình là người cầm cờ thì phải đi đầu, mình phải tin ở mình. Thuận lợi cho việc bung ra của Trung tâm lúc này được Viện ủng hộ, đặc biệt lãnh đạo Bộ rất hưởng ứng và trông chờ.

Anh Tiến nói với tôi cái ước mơ của anh đến một ngày nào đó các anh em ở Trung tâm sẽ đi làm bằng xe hơi. Nghĩa là họ- những nhà khoa học sẽ có cuộc sống khá và chính đáng bởi "cái đầu" của mình, chứ không chỉ dựa dẫm Nhà nước. Hôm nay là ngày vui của các anh, chúng tôi có cùng sự chia sẻ như vậy.


Related news

che-bien-che-sach-quy-mo-ho-gia-dinh Chế Biến Chè Sạch Quy… chan-doan-dieu-tri-benh-va-cach-su-dung-thuoc-cho-ca Chẩn Đoán, Điều Trị Bệnh…