Tin thủy sản Tự chế thiết bị sấy cá tra: tìm ra con đường đúng, mất tới 20 năm!

Tự chế thiết bị sấy cá tra: tìm ra con đường đúng, mất tới 20 năm!

Author Hoàng Lan, publish date Saturday. September 16th, 2017

Nếu cuộc đời như một trang sách đã được định dạng, ai đó viết sẵn như kịch bản thì cha – con ông theo đuổi ngành thuỷ sản, rất khó chấp nhận.

Ông Nguyễn Minh Phương chủ trang trại Đức Thành và là giám đốc công ty TNHH MTV Minh Đức Thành. Ảnh: H.L

Hiện tại trang trại Đức Thành vẫn bán nguyên liệu cá tra cho các nhà máy làm hàng đi EU theo hợp đồng gia công. Chỉ cần nắm vững kỹ thuật, làm tốt mọi cam kết và giữ được hệ số thức ăn quy đổi, ông Phương, chủ trang trại cầm chắc doanh số 150 tỉ đồng/năm.

Thoát khỏi đám đông giẫm đạp nhau

Ở vào tuổi chớm lục tuần, nuôi dạy bốn đứa con, một đứa học tiếp công nghệ sinh học thuỷ sản ở Mỹ, một đứa học thuỷ sản ở Úc, điều hành một công ty có doanh số ổn định, ông Nguyễn Minh Phương chủ trang trại Đức Thành và là giám đốc công ty TNHH MTV Minh Đức Thành, có nỗi khổ: “Có khi thấy mình cứ vật lộn với những tình huống rủi ro, cực quá tụi nhỏ không còn ham thích việc làm này nữa”.

“Nói vậy, nhưng hôm rồi đứa học ở Úc gợi ý làm thử cá một nắng, cá sấy đưa qua bển, thấy được”, ông Phương nói. Lâu nay phải tự giải quyết mọi thứ như bao nhiêu người nuôi cá khác, lần này từ gợi ý của tụi nhỏ, ông Phương cảm nhận có đường ra khi tính tới chuyện làm cá tra một nắng.

Thốt Nốt có khu công nghiệp gần đường dẫn phía nam cầu Vàm Cống, có vườn ươm Việt Nam – Hàn Quốc, người ta thấy công ty TNHH MTV Minh Đức Thành làm được nên mời vào đó để vườn ươm đơm hoa kết trái, xanh vỏ – đỏ lòng.

“Tự lực khép kín quy trình rồi, lại phải dời đổi nơi sản xuất, cực thân hơn”, ông Phương nói “Chưa chắc các con đã chịu”.

Ở vùng hạ lưu sông Mekong, phát triển dòng sản phẩm cá tra trở thành nguồn thực phẩm xuất khẩu có tiếng trong hai thập niên qua, chỉ Việt Nam làm được. Một thế hệ đầy tham vọng mở thị trường cho cá tra, từng “một mình một chợ” gần mười năm, nhưng chen lấn, đạp lên nhau, đẩy “cùng hội – cùng thuyền” vào ngõ cụt, cũng chỉ xứ này mới có.

Điều hành vùng nuôi cá với quy mô 30ha, ông Phương tẻ ra làm xưởng chế biến món ăn liền để thoát khỏi đám đông đang chen lấn. Mỗi ngày chế biến khoảng 1 tấn cá tra sấy, cá tra một nắng, vẫn chưa hết công suất nên ông nghĩ cách làm thêm 8/12 dòng sản phẩm sấy theo dự kiến.

Những sản phẩm từ dây chuyền sấy tự chế của ông Phương. Ảnh: H.L.

Chế tạo máy “chống rủi ro”

Hơn ai hết, ông hiểu mọi việc đã quá tầm so với trang trại thuỷ sản Đức Thành, khi phải nghe ngóng và tự dự báo tình hình mỗi khi Trung Quốc hút hàng. Mấy năm trước, tới mùa đông xuân, giá tấm cám rẻ, dự trữ thức ăn là vừa, lo con giống… không có gì khó khăn, còn bây giờ chẳng có quy luật gì nữa. Mọi thứ cứ xáo trộn, vừa lo con giống, thức ăn, phòng bệnh cho cá, lo giá cá lên xuống bất thường, lo máy móc, phương tiện cơ giới, quy trình bài bản… sao mọi thứ rối rắm hơn những năm đầu tiên.

Nghe có vẻ mâu thuẫn giữa chuyện công ty và trang trại, ông Phương giải thích: Trong khi nguồn tươi sống cung cấp cho nhà máy chế biến không thể kéo doanh số lên được nữa thì hàng sấy, mua bán qua mạng khá tốt. Làm cá tra ăn liền, cá lóc, cá điêu hồng tươi, sống, một nắng, sấy khô, xuất khẩu là để thăm dò. Cái chính vẫn là thị trường nội địa, sẽ thoát ra được tình huống quá khó của cá tra đang bị đánh bật ra khỏi hàng rào kỹ thuật các nước.

Nuôi cá tra trên mười năm, sống chung với giá cả thăng trầm, đã bỏ vào vùng nguyên liệu 5 tỉ đồng. Rồi lần đầu tiên ông bỏ ra 800 triệu đồng ứng dụng hệ thống lọc tuần hoàn RAS (Recirculating Aquaculture System) với hy vọng sẽ có thay đổi lớn: nguyên liệu làm sản phẩm sấy. Lô đầu tiên thu hoạch 20 tấn/300m2, là cái trớn cho một cuộc bứt phá để làm sản phẩm giá trị gia tăng.

Con đường mới là cùng làm ăn với một người bạn ở TP.HCM, nhưng sấy ở quy mô quá nhỏ nên ông Phương trở về nhà làm nhà sấy quy mô lớn hơn. Hoàn toàn không bằng phẳng khi tìm và chọn thiết bị, quy trình nào để ra sản phẩm như mong muốn! Mua ở đâu? Giá cỡ nào là vừa?… đối với ông không dễ dàng chút nào, dù ngành hàng này phát triển hơn 20 năm rồi.

“Người mua nhìn sản phẩm theo chuỗi và mọi việc phải có chứng cứ khoa học. Tôi đang cố gắng nâng tầm cá tra thành đặc sản, đáp ứng những chuẩn mực ngay khi mở công ty dù công việc ở trang trại đã quá mệt”, ông Phương nói.

Cuộc loanh quanh tìm kiếm công nghệ khá gian nan, cuối cùng ông Phương nghĩ ra cách “lưỡng toàn kỳ mỹ” là… tự chế thiết bị sấy, cũng là ứng dụng kỹ thuật sấy bơm nhiệt hút ẩm, hoá ra chi phí thấp bằng 1/10 so với giá của các công ty chào bán. Quy trình sấy tự chế thực ra vẫn 8kg tươi ra 1kg thành phẩm, nhưng cái hay là kết thúc cảnh “chết đứng” khi cá quá lứa, thậm chí cá ngộp – từng phải bán nửa giá.

Chỉ có điều khiến ông Phương trăn trở là sao phải 20 năm gian nan tìm kiếm giải pháp công nghệ phát triển ngành hàng đúng chuẩn, công nghiệp hỗ trợ để giải quyết bài toán chi phí – lợi ích, bọc lót cho những ý tưởng tạo ra giá trị tăng thêm!? Lỗi ở đâu, ai chịu trách nhiệm?


Related news

nuoi-ca-long-tren-song-hong Nuôi cá lồng trên sông… nin-tho-cho-ca-tra-vuot-ai-i-house Nín thở chờ cá tra…