Mô hình kinh tế Từ Hiệu Quả Của Cây Nếp Phú Tân (An Giang)

Từ Hiệu Quả Của Cây Nếp Phú Tân (An Giang)

Publish date Thursday. November 14th, 2013

Người dân vùng Phú Tân (An Giang) từ lâu luôn tự hào về cây nếp trên “lãnh địa” của mình bởi bên cạnh lợi thế được huyện, tỉnh quy hoạch trồng trên diện rộng, áp dụng khoa học kỹ thuật nhằm tăng năng suất và chất lượng, cây nếp còn cho hiệu quả kinh tế khá cao, vừa xây dựng thương hiệu hạt nếp Phú Tân ngon, dẻo đặc trưng, vừa giúp bánh phồng Phú Mỹ vươn xa ra thị trường các tỉnh bạn. Tuy nhiên, đang có nhiều nông dân ở địa phương khác “ăn theo” nếp Phú Tân, tạo nên tình trạng mất cân đối trong quy hoạch cơ cấu cây trồng.

Phú Tân là một trong bốn huyện cù lao của tỉnh, hàng năm sau khi nước lũ rút để lại lượng phù sa dồi dào cho đất cùng với hệ thống thủy lợi tốt nhất nhì của tỉnh đã mang lại lợi thế lớn cho huyện trong sản xuất nông nghiệp.

Con đường đi đến hoàng kim:

80% người dân ở huyện cù lao Phú Tân làm nông nghiệp, trong đó, diện tích trồng nếp trên 85% với sản lượng khá cao. Nghề trồng lúa nếp đã đóng góp đáng kể phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, giúp tăng thu nhập và cải thiện đời sống cho người nông dân, đóng góp vào ngân sách và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp của huyện. Với vùng chuyên canh lúa nếp trong nhiều năm qua, nếp Phú Tân luôn đảm bảo năng suất cao, đầu ra sản phẩm ổn định, tiếp tục được tỉnh quy hoạch và sẽ triển khai trong vụ đông xuân 2014 với trên 50.500 héc-ta chuyên canh lúa nếp. Như vậy, diện tích trồng lúa trên địa bàn huyện sẽ giảm xuống còn 3.500 héc-ta. Để nâng cao chất lượng cũng như năng suất lúa nếp, tỉnh đã triển khai chương trình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao cho địa phương, tập trung việc chọn lựa các loại giống lúa nếp tốt, chuyển giao khoa học kỹ thuật ứng dụng về mùa vụ cùng với công nghệ thu hoạch và sau thu hoạch, đáp ứng nhu cầu sản xuất hàng hóa chất lượng cao.

Chúng tôi tìm gặp lại ông Lê Văn Hừng (út Hừng), ngụ ấp Phú Mỹ Hạ, xã Phú Thọ – người được mệnh danh là “vua trồng nếp” ở vùng Phú Tân từ những năm 2000. Ông út Hừng cho biết, trước đây, nông dân vùng Phú Tân cũng làm lúa như những huyện khác, số người trồng nếp chỉ chiếm chừng 40%, vừa đủ cung ứng tại địa phương. Năm 1996, nếp ngày càng có giá, thương lái từ nhiều nơi đổ về thu mua, bà con làm lúa bắt đầu ồ ạt trồng nếp theo. Dù đầu ra không ổn định nhưng nếp luôn có giá từ 6.000 – 7.000 đồng/kg, cao hơn lúa khoảng 1.000 đồng/kg nên ai cũng ham. Năm 1999, huyện bắt đầu quy hoạch diện tích trồng nếp đầu tiên, hiệu quả mang lại rất cao. Năm 2000, nếp Phú Tân trúng đậm, riêng ruộng nếp của ông Hừng đạt năng suất đến 13 tấn/héc-ta, cái tên “vua trồng nếp” cũng gắn liền theo ông từ đó. “Có lẽ nhờ năm đó xả lũ, lượng phù sa bồi đắp nhiều cộng thêm thời tiết thuận lợi nên nếp mới trúng đến vậy” - ông út Hừng lý giải.

Vươn xa khắp nơi:

Từ năm đó trở về sau tuy không còn vụ nào đạt bằng vụ “kỷ lục” nhưng năng suất ông út Hừng và bà con trong vùng trồng vẫn khá cao so với lúa, trung bình 11 tấn/héc-ta, dù thấp cũng từ 7 đến 8 tấn/héc-ta. Vừa tiêu thụ tại chỗ, đáp ứng nguồn nguyên liệu cho làng nghề bánh phồng Phú Mỹ, vừa xuất khẩu qua các đường tiểu ngạch sang Campuchia, Thái Lan và các thị trường lớn trong nước, “thương hiệu” nếp Phú Tân ngày càng được nhiều người biết đến. Nhờ sự quan tâm của các ngành tỉnh về công tác đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, sản xuất nếp trở thành nét nổi trội trong kinh tế nông nghiệp của huyện Phú Tân. Lợi nhuận cao, mức sống được nâng lên, cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng và củng cố, người dân càng có động lực mở rộng diện tích trồng nếp. Ông út Hừng kể lại, cách đây năm, bảy năm, khi đất trồng nếp trong huyện gần như đã… kín, nhiều nông dân trong vùng bắt đầu sang các huyện khác, kể cả ngoài tỉnh như vùng Cờ Đỏ, Thốt Nốt (Cần Thơ), các huyện của tỉnh Đồng Tháp thuê đất, mang theo giống nếp Phú Tân trồng. Nếp làm ra bao nhiêu bạn hàng đều tiêu thụ hết bấy nhiêu nên các điểm nhân giống từ quy mô tổ hợp tác, quy mô nhỏ lẻ cũng đua nhau mọc lên.

Không chỉ người địa phương, ở những nơi cây nếp đến “lấn đất”, bà con cũng chuyển dần từ làm lúa sang nếp. Điểm lại trong tỉnh hiện nay, cây nếp đã có mặt ở vùng Tứ giác Long Xuyên, tập trung như Tân Lập (Tịnh Biên), Lương An Trà (Tri Tôn), ngoài tỉnh có Tân Bình, Tân Hồng, Tháp Mười (Đồng Tháp), Thốt Nốt (Cần Thơ). So với nếp bản địa, nếp ở những vùng này thu hoạch sớm hơn, giá bán cũng cao hơn từ 1.000 – 2.000 đồng/kg (nếp tươi). Không ai biết trước được thị trường tới đây sẽ như thế nào, nhưng hiệu quả kinh tế mang lại trước mắt đã khiến cây nếp có “sức hút” đối với nhiều nông dân đang trồng lúa, nhất là giai đoạn lúa liên tiếp bị rớt giá như mấy năm gần đây.


Related news

che-sach-tu-y-thuc-den-san-pham Chè Sạch Từ Ý Thức… nong-dan-can-tinh-toan-chuyen-dau-tu Nông Dân Cần Tính Toán…