Tin nông nghiệp Tự làm chế phẩm vi sinh xử lý phân gà ra phân hữu cơ

Tự làm chế phẩm vi sinh xử lý phân gà ra phân hữu cơ

Author Vũ Đình Thung - Lê Khánh, publish date Saturday. November 27th, 2021

Các loại phụ phẩm nông nghiệp như cám gạo, bã đậu phộng được lên men, rải trên nền đệm lót đã giúp xử lý phân gà ra phân bón hữu cơ rất hiệu quả.

Anh Công kiểm tra mùi men trong cám gạo. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Từ sữa chua cũng có thể làm men vi sinh

Trong phong trào nuôi gà trên đệm lót sinh học ở Bình Định, anh Trịnh Hưng Công ở xã Nhơn Hậu (Thị xã An Nhơn, Bình Định) nổi lên với việc sử dụng các loại phụ phẩm nông nghiệp như cám gạo, bã bia, bã đậu phộng... để tự làm ra chế phẩm xử lý chất thải của 10.000 con gà thịt để cho ra lượng phân hữu cơ lớn phục vụ cho trang trại 10.000 m2 trồng rau hữu cơ của gia đình anh.

Chế phẩm sinh học của anh Công được làm ra theo công thức: Với 50 kg cám gạo, anh sử dụng 1 lít men vi sinh pha với 20 lít nước trộn đều, sau đó dùng tấm bạt ni-lon phủ lại để ủ. Nếu trời nắng, chỉ sau khi ủ 3 ngày, cám gạo sẽ lên men, khi ấy giữa đống ủ sẽ đạt độ ẩm khoảng  60 - 70%; còn nếu trời mưa thì thời gian ủ kéo dài hơn, khoảng 5 ngày cám gạo sẽ lên men. Sau khi trộn đều, lấy lưới râm phủ lên đống cám gạo để tránh chịu ảnh hưởng trực tiếp của ánh sáng mặt trời nhằm giúp vi sinh vật hoạt động tốt hơn.

Thời gian đảo trộn cám gạo kéo dài khoảng 10 ngày, đến khi cám gạo khô ráo, khi ấy vi sinh vật đã “ngủ” là có thể xúc cho vô bao sử dụng dần. Suốt chu kỳ nuôi 1 lứa gà, cám gạo đã lên men được rải lên lớp trấu làm đệm lót 6 lần.  

Anh Công khẳng định: Loại men vi sinh dùng để trộn với cám gạo cũng chính do anh tự mày mò nghiên cứu tạo ra. Theo ông Công, hiện nay ngoài thị trường, men vi sinh bán tràn lan, chất lượng đủ kiểu, nên anh đã chọn nơi bán uy tín để mua đúng men loại tốt nhất. 1 lít men loại 1 mua khoảng 50 - 70 ngàn đồng, sau đó nhân sinh khối ra thành 20 lít men cấp 2, cấp 3, có thể xử lý khoảng 300 - 500 kg cám gạo, tiết kiệm được khối tiền.

"Thực ra để làm ra men vi sinh không có gì là quá phức tạp. Nếu muốn có men tự nhiên, tôi chỉ cần mua 1 hộp sữa chua pha với 1 lít nước, sau đó cho vào chum sành để trong bóng mát, nó sẽ tự thu hút và tạo ra được dung dịch men vi sinh có các chủng vi sinh vật bản địa.

Vi sinh vật bản địa sẽ có các đặc tính sinh học, khả năng xử lý chất thải hữu cơ tốt hơn nhiều so với chủng vi sinh vật ở nơi khác đến.Tuy nhiên, loại men này khi sử dụng ủ cám gạo sẽ có thời gian lên men dài hơn so với sử dụng men mua bên ngoài thì trường, tùy vào thời tiết”, Công chia sẻ.

Sau 10 ngày đảo trộn đống ủ, cám gạo được cho vào bao để sử dụng dần. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Đôi chân lũ gà là “máy” đảo trộn phân

Chế phẩm vi sinh từ cám gạo đã được lên men không những xử lý tốt phân gà mà giúp gà tiêu hóa nhanh. Bởi, tập tính của gà là hay đào bới để kiếm thức ăn, lớp cám gạo trong nền đệm lót là món ăn có vi khuẩn giúp tiêu hóa thức ăn cho gà rất tốt. Tuy nhiên phải có liều lượng vừa phải, cứ 10 m2 nền chỉ cần rắc 1 kg cám gạo là đủ.

“Trong quá trình lũ gà đào bới lớp đệm lót để ăn cám gạo, chúng tự đảo trộn lớp phân trong chuồng. Trong cám gạo có men vi sinh, nên càng kích thích lũ gà năng đào bới hơn. Như vậy, những đôi chân của lũ gà chính gà “cái máy trộn phân” hoạt động thường xuyên mỗi ngày giúp chất lượng phân càng trở nên tốt hơn.

Nếu người nuôi cho ăn bất kể giờ giấc, bụng lũ gà lúc nào cũng đầy ứ thức ăn sẽ khiến chúng lười đào bới. Vì vậy, cần phải cho chúng ăn có giờ giấc, với liều lượng thức ăn phù hợp để kích thích chúng đào bới. Chúng càng đào bới thì đôi chân chúng càng tăng cường việc đảo trộn phân. Hoạt động đào bới của lũ gà còn làm thịt chúng săn chắc, người tiêu dùng ăn sẽ khoái khẩu hơn”, Công giải thích.

Kiểm tra nhiệt độ trong đống ủ, sau khi ủ 3 ngày nhiệt độ trong đống ủ sẽ đạt 60-70 độ. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Về trấu dùng làm đệm lót, theo anh Công, cần phải sát khuẩn kỹ càng trước khi được đưa vào chuồng để tránh cho gà bị bệnh cầu trùng. Gà từ 20 ngày tuổi trở lên rất thường mắc bệnh này. Trong không khí đã có vi khuẩn gây ra bệnh cầu trùng, thêm vào đó, trong phân gà thường có máu, nên nếu trấu không được sát khuẩn sẽ dẫn tới nguy cơ gà mắc bệnh cầu trùng rất cao. Cám gạo được trộn men sinh học rải trên trấu sẽ giúp diệt bớt mầm bệnh, hạn chế được dịch bệnh cho lũ gà.

“Hiện trên thị trường có bán nhiều loại men xử lý mùi hôi của phân gà, nhưng trong các loại men ấy có chứa thành phần lưu huỳnh rất cao, bởi lưu huỳnh áp chế mùi hôi của chất thải rất hiệu quả, nhưng lại gây ngộ độc đất.

Thế nên, nếu người chăn nuôi dùng các loại men nói trên xử lý chất thải trong chuồng nuôi, lưu huỳnh tồn dư nhiều, khi đem phân bón cho cây trồng thì cây trồng sẽ bị chết. Bởi, lưu huỳnh phân giải mạnh, tạo ra nhiệt độ cao sẽ làm hư bộ rễ của cây trồng.

So với các loại phân gà khác, lượng dinh dưỡng trong phân gà được rải cám gạo đã được lên men cao hơn gấp đôi, rất tốt cho cây trồng, nhất là đối với rau hữu cơ”, anh Trịnh Hưng Công chia sẻ.

Lan tỏa đệm lót sinh học

Theo ông Huỳnh Ngọc Diệp, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bình Định, những năm qua, ý thức giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi của người dân Bình Định đã từng bước được nâng cao qua các hoạt động của Dự án Hỗ trợ nông nghiệp cac-bon thấp; các mô hình sử dụng chất thải trồng cỏ nuôi bò và nhiều mô hình sử dụng chế phẩm sinh học xử lý chất thải chăn nuôi do Liên hiệp Hội Khoa học kỹ thuật, Sở TN-MT, Sở NN-PTNT Bình Định phối hợp thực hiện.

Ngoài ra, Trung tâm Khuyến nông Bình Định còn xây dựng nhiều mô hình chăn nuôi theo hướng công nghệ cao và đẩy mạnh chăn nuôi hữu cơ trên đệm lót sinh học, đặc biệt là trong chăn nuôi gà đã được áp dụng rộng rãi.

“Nuôi gà trên đệm lót sinh học hiện đã phổ biến trên địa bàn Bình Định, bởi người chăn nuôi đã thấy rõ lợi ích từ cách nuôi này. Riêng nuôi heo trên nền đệm lót sinh học ở Bình Định còn hạn chế, chỉ mới có các doanh nghiệp, trang trại chăn nuôi heo quy mô lớn, có điều kiện xây dựng chuồng trại phù hợp mới áp dụng.

Một số trang trại nuôi heo trên nền đệm lót sinh học ở Bình Định đang tách phân heo để nuôi trùn quế rất hiệu quả”, ông Huỳnh Ngọc Diệp cho hay.

Sau khi được ủ 3 ngày, cám gạo sẽ lên men, phủ dày một lớp trắng xóa. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Khảo sát các mô hình chăn nuôi gà thịt sử dụng đệm lót sinh học ở Bình Định, chúng tôi được nông dân cho biết cách làm này mang lại nhiều lợi ích và hiệu quả thiết thực, đó là chuồng trại không có mùi hôi, khắc phục được tình trạng ô nhiễm môi trường, đặc biệt là tiết kiệm chi phí trong chăn nuôi và đàn gà ít bị dịch bệnh.

Ngoài ra, cách nuôi này còn giúp đàn gà tăng trọng nhanh. Sau 90 ngày thả nuôi, khi xuất chuồng trọng lượng trung bình đạt từ 1,8 - 2,2 kg/con, khả năng tiêu tốn thức ăn bình quân 2,9 kg thức ăn/kg tăng trọng. Đệm lót sinh học nếu bảo dưỡng tốt có thể sử dụng trong vài vụ nuôi liên tiếp, các chất nền làm đệm lót được đưa ra và sử dụng làm phân bón cho cây trồng rất tốt.

Cũng theo ông Diệp, mô hình chăn nuôi gà trên nền chuồng đệm lót sinh học phù hợp với phát triển chăn nuôi theo hướng nông nghiệp sạch, phát triển bền vững. Nhất là trong điều kiện hiện nay diện tích đất cho phát triển chăn nuôi gia trại và trang trại đang gặp khó khăn, đặc biệt là đối với các nơi tập trung dân cư đông đúc.

Sau khi đã lên men, cám gạo được trộn đều trong vòng 10 ngày. Ảnh: Vũ Đình Thung.

“Việc ứng dụng công nghệ đệm lót bằng chế phẩm sinh học trong chăn nuôi gà an toàn sinh học và đảm bảo vệ sinh môi trường góp phần đáng kể hạn chế ô nhiễm môi trường, đảm bảo an toàn dịch bệnh, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Hơn nữa, đây là mô hình dễ ứng dụng, vốn đầu tư không cao, thực hiện trong thời gian ngắn nhưng hiệu quả kinh tế mang lại khá cao cho người chăn nuôi”, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bình Định, ông Huỳnh Ngọc Diệp đánh giá.


Related news

hoi-dap-ve-cach-bon-phan-khon-ngoan Hỏi, đáp về cách bón… kha-len-nho-trong-dao-ban-tet Khá lên nhờ trồng đào…