Tin nông nghiệp Tự tạo cơ hội: Nuôi gà lôi thả vườn

Tự tạo cơ hội: Nuôi gà lôi thả vườn

Author Trần Thanh Phong, publish date Thursday. April 26th, 2018

Nuôi gà lôi thả vườn mỗi năm mang lại lợi nhuận gần 100 triệu đồng, giúp cuộc sống gia đình ông Kiều Văn Năm ngày càng khấm khá.

Ông Năm bên đàn gà lôi thả vườn - Ảnh: Trần Thanh Phong

Gia đình ông Kiều Văn Năm (60 tuổi, ngụ ấp Bình Lễ, xã Vĩnh Phú Tây, H.Phước Long, tỉnh Bạc Liêu) có nhiều thế hệ bám trụ đồng ruộng nhưng cuộc sống vẫn khó khăn. Bởi vùng đất Vĩnh Phú Tây thuộc cánh đồng "chó ngáp", đất đai quanh năm bị nhiễm phèn, mặn khá nặng, lại vùng trũng, đầy cỏ năng nên sản xuất kém hiệu quả. Bản thân ông có gần 1 ha đất nhưng làm lúa mùa rất bấp bênh. Để cải thiện kinh tế gia đình, ông từng tìm tòi và thử nghiệm nhiều mô hình sản xuất như trồng lúa mùa kết hợp nuôi cá đồng; trồng lúa kết hợp nuôi tôm càng xanh... nhưng vẫn không hiệu quả.

Ông Năm kể, khoảng năm 2010, một lần tình cờ được người thân ở tỉnh Hậu Giang giới thiệu về giống gà lôi (gà tây) với nhiều ưu điểm như: dễ nuôi, dễ chăm sóc, giá gà thương phẩm bán ra thị trường tương đối cao nên ông quyết định mua 2 con gà giống về nuôi thả trong vườn. “Hai con gà này phát triển khá tốt, ít tốn công chăm sóc, chi phí thức ăn lại thấp. Từ đó, tôi nhận thấy nuôi gà lôi sẽ mang lại hiệu quả kinh tế khá cao so với nuôi gà, vịt thông thường, nên quyết định nhân đàn để nuôi số lượng lớn”, ông Năm nói.

Thế nhưng, khi bắt đầu nuôi với số lượng nhiều, do chưa nắm vững kỹ thuật, tập quán, môi trường sinh sống nên đàn gà lôi bị hao hụt khá lớn. Sau vụ nuôi đại trà đầu tiên thất bại, ông Năm chịu khó nghiên cứu thêm từ tài liệu hướng dẫn nuôi gà lôi của Trung tâm khuyến nông - khuyến ngư tỉnh Bạc Liêu và thông tin về cách nuôi gà lôi trên các phương tiện truyền thông. Nhờ cần cù, chịu khó học hỏi mà ông đã thành công ở các lứa gà tiếp theo.

Theo kinh nghiệm của ông Năm, ưu điểm của gà lôi là dễ chăm sóc, thức ăn chủ yếu là lúa, lục bình, các loại cỏ, chuối cây băm nhuyễn... người nuôi có thể tự tìm được trong tự nhiên, do đó các khoản chi phí thức ăn khá thấp. Để gà lôi nuôi thả vườn tăng trưởng, phát triển tốt thì sau khi trứng gà ấp nở thành con nên tách ra nuôi nhốt riêng. Người nuôi có thể dùng bóng đèn để úm cho gà con đến khoảng 30 ngày tuổi. Trong thời gian này, cần tiêm vắc xin phòng bệnh theo định kỳ, bổ sung thức ăn để gà lôi con tăng trọng lượng và tăng sức đề kháng. Tốt nhất là để khi gà con được 35 - 40 ngày tuổi mới thả ra vườn nuôi trong môi trường tự nhiên. Gà lôi sau 3 tháng nuôi thương phẩm sẽ đạt trọng lượng 3 kg trở lên và có thể xuất bán.

Hiện gia đình ông Năm luôn có hơn 100 con gà lôi mái, mỗi con đẻ từ 15 - 20 trứng, tỷ lệ nở đạt khá cao (trên 90%). Ngoài ra, mỗi năm gia đình ông còn xuất bán trên 1.000 con gà thương phẩm, với giá bình quân trên thị trường 90.000 - 100.000 đồng/kg. Đó là chưa kể nguồn lợi khá từ bán gà giống cho người dân gây nuôi tại địa phương và các vùng lân cận. Bên cạnh đó, ông Năm còn trồng thêm nhiều loại cây ăn trái như xoài, bưởi, mít... vừa che bóng mát cho đàn gà, vừa tăng thu nhập cho gia đình.

Theo ông Năm, mô hình nuôi gà lôi phù hợp với điều kiện chăn nuôi của nhiều hộ dân ở vùng nông thôn có đất rộng, vườn cây ăn trái, lại ít tốn công chăm sóc. Ông sẵn sàng bán con giống và hỗ trợ kỹ thuật cho các hộ dân có nhu cầu nuôi loại gà này.


Related news

trong-mui-xen-muop-dang-thu-140-trieu-ha Trồng mùi xen mướp đắng… trong-nam-cong-nghe-canada-o-viet-nam Trồng nấm công nghệ Canada…