Mô hình kinh tế Tuyên Quang phát triển 6 loài cá đặc sản

Tuyên Quang phát triển 6 loài cá đặc sản

Publish date Wednesday. November 11th, 2015

Những năm gần đây, việc nuôi trồng thủy sản ở Tuyên Quang phát triển rất nhanh.

Tuy nhiên, hình thức tổ chức nuôi trồng vẫn còn đơn lẻ, kỹ thuật chủ yếu dựa vào kinh nghiệm với mục đích bán lẻ.

Do đó, giá trị sản lượng vẫn thấp.

Với mục tiêu nâng cao hiệu quả SX, ngành thủy sản tỉnh này đã "gọi tên" 6 loài cá đặc sản, hứa hẹn mang lại thu nhập tốt cho người nuôi.

Phát triển nhanh

Tuyên Quang có tiềm năng với lợi thế trên 11.000 ha mặt nước có khả năng nuôi trồng thủy sản.

Đến năm 2014, tổng diện tích nuôi thả cá trên địa bàn tỉnh đạt 11.228 ha, tăng gấp 6,2 lần so với năm 2005.

Thực tế đó đã hình thành và phát triển nghề nuôi cá lồng trên sông hồ theo hướng SX hàng hóa.

Sản lượng thủy sản của tỉnh trong năm 2014 đạt trên 6.200 tấn (gấp 3 lần so với năm 2005).

Giá trị SX ngành thủy sản giai đoạn 2006 - 2014 tăng bình quân 13%/năm.

Bà Nguyễn Thị Vĩnh An, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Tuyên Quang cho biết, mặc dù phát triển mạnh về diện tích, sản lượng song quá trình trên mang tính tự phát, chưa phát huy hết tiềm năng thế mạnh của địa phương.

Các khâu trong quá trình SX còn khá đơn giản, sử dụng các phương thức chăn nuôi thủ công, thô sơ là chính, chưa áp dụng các biện pháp kỹ thuật, các phương tiện cơ giới hóa trong chăn nuôi.

Từ lợi thế diện tích nuôi trồng, tỉnh đã xây dựng lộ trình phát triển thủy sản với mục tiêu phát triển mạnh nghề nuôi cá lồng, tăng diện tích nuôi và tỷ lệ lồng nuôi cá loài cá bản địa quý hiếm, có giá trị kinh tế cao.

Theo đó, 6 loài cá quý hiếm, đặc sản được chú trọng là cá dầm xanh, anh vũ, lăng chấm, chiên, bỗng và cá tầm.

Chủ động nguồn giống

Để thủy sản phát triển bền vững thì việc chủ động tạo nguồn giống được coi là nhiệm vụ trọng tâm.

Đề tài “Nghiên cứu ứng dụng SX giống cá dầm xanh, anh vũ bằng phương pháp sinh sản nhân tạo” của tỉnh đã được Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I (Viện 1) phối hợp, chuyển giao.

Cá dầm xanh và anh vũ là 2 giống thủy sản quý hiếm, đang có nguy cơ tuyệt chủng.

Bắt tay vào thực hiện đề tài, cán bộ của Viện I và các cơ quan chuyên môn của tỉnh đã lặn lội trên hầu hết các sông của Tuyên Quang, Hà Giang, Cao Bằng.

Từ đây, một số cá sinh sống tự nhiên đã được thu gom để chăm sóc, nuôi dưỡng và thuần hóa.

Đến nay, thông qua phối hợp, tiếp nhận công nghệ, Chi cục Thủy sản Tuyên Quang đã cho cá dầm xanh, anh vũ đẻ thành công 8 đợt sinh sản bằng phương pháp nhân tạo, thu được gần 3.000 cá giống.

Bà Trần Thị Phú, xã viên HTX Quý Long, xã Thái Long, TP Tuyên Quang cho biết, thông thường việc nuôi 2 loại cá trên gặp nhiều khó khăn vì không tìm được nguồn giống.

Mặt khác, nếu có thì ít và thường do dân vạn chài cung ứng từ tự nhiên.

Do được đánh bắt thủ công bằng xung điện hoặc bằng lưới nên cá hay bị vẹo sống lưng, không thể phát triển bình thường.

Mặt khác, kỹ thuật nuôi, chăm sóc cũng chủ yếu là dựa vào kinh nghiệm nên kết quả nuôi trồng không ổn định.

Sự thành công của đề tài nhân giống cá sẽ mở ra mọt cơ hội rất lớn đối với nghề nuôi trồng thủy sản địa phương.

Tương tự, giống cá lăng chấm cũng được Chi cục Thủy sản Tuyên Quang tiếp nhận và chuyển giao thành công công nghệ SX.

Đối với giống cá chiên, đây là loài mà nếu giống được lấy ở sông nào thì sẽ chỉ thích ứng sinh trưởng và phát triển trên dòng sông đó.

Thông qua Trung tâm Tư vấn, thiết kế và chuyển giao công nghệ thủy sản (Viện 1), giống cá chiên đã được đưa về Tuyên Quang nuôi trồng và đạt kết cao với tỷ lệ hao hụt rất thấp.

Giống cá bỗng và cá tầm thì nguồn cung tại thị trường Tuyên Quang đã cơ bản đảm bảo.

Ông Phạm Thanh Bình ở xã Thái Hòa, huyện Hàm Yên cho biết, nghề nuôi cá lồng xuất hiện ở Thái Hòa cách đây khoảng 5 năm.

Từ một vài hộ đầu tiên, giờ Thái Hòa đã có gần 50 hộ nuôi trên 100 lồng cá chiên, bỗng.

Nhờ nuôi cá lồng, nhiều hộ gia đình cho thu nhập cao từ 100 triệu đồng/năm trở lên. Chắc chắn, nghề nuôi cá lồng sẽ ổn định và phát triển mạnh hơn nữa khi giống cá được đảm bảo ổn định về chất lượng và sự thích nghi.

Ông Lê Tiến Thắng, GĐ Sở NN-PTNT Tuyên Quang cho biết, những thành công trong nghiên cứu SX giống cá quý hiếm, đặc sản là cơ sở để thủy sản Tuyên Quang hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.

Theo đó, đến năm 2020, Tuyên Quang đặt chỉ tiêu có tổng diện tích nuôi trồng thủy sản đạt trên 12.200 ha.

Có trên 1.400 lồng cá với 50% là cá quý hiếm, đặc sản.

Để thực hiện đạt kết quả nói trên, ngành nông nghiệp Tuyên Quang cũng xây dựng hệ thống cơ chế chính sách để hỗ trợ cho người nuôi trồng thủy sản trên địa bàn.


Related news

them-nguon-luc-cho-lcasp Thêm nguồn lực cho LCASP hau-giang-doat-giai-nhat-hoi-thi-canh-tac-lua-tien-tien Hậu Giang đoạt giải Nhất…