Mô hình kinh tế Tỷ phú lò sấy

Tỷ phú lò sấy

Publish date Wednesday. September 30th, 2015

Bỏ nghề làm hàng xáo đầu tư 3 lò sấy lúa, mỗi năm ông Lê Văn Thiên (Bảy Thiên) ở ấp Hậu Quới, xã Hậu Mỹ Bắc B, huyện Cái Bè (Tiền Giang) làm dịch vụ sấy khoảng 15.000 - 17.000 tấn lúa, thu lãi khoảng 1,5 tỷ đồng.

Ông Bảy Thiên cho biết, năm 2008 ông được DN Năm Nhã ở An Giang tư vấn đầu tư 3 lò sấy với công suất mỗi lò khoảng 25 tấn lúa để sấy thuê cho thương lái.

“Sau một năm sấy gạo thường, thấy thương lái có nhu cầu sấy gạo sữa ngày một nhiều (loại gạo đục) để XK hoặc cung cấp cho các nhà hàng lớn tại TP.HCM, tôi quyết định chuyển qua sấy gạo sữa và học thêm kinh nghiệm của các lò sấy ở các tỉnh lân cận.

Sau khi nắm vững nguyên lý sấy gạo sữa, tôi chuyển hẳn sang loại này”, ông Bảy Thiên nói.

Do kỹ thuật sử dụng lò sấy của ông Bảy Thiên đạt tỷ lệ gạo tốt, giữ lâu, ít ẩm nên thương lái có nhu cầu sấy gạo sữa ngày càng nhiều.

Vì chỉ có 3 lò sấy với công suất tối đa gần 100 tấn lúa/lần, ông đã cải tiến lò để nâng sản lượng lúa đổ mẻ lên gấp 3 lần.

Lúc đó, những “mẻ lúa khủng” tưởng chừng thất bại vì quá sức tưởng tượng so với dự kiến ban đầu. Nào ngờ sau 50 giờ hoạt động, lúa ra lò vượt kỷ lục, đạt chuẩn 98%.

Thành công này đã mang lại sự bất ngờ đối với nghề sấy lúa bấy lâu nay, bởi lúa thương phẩm sau khi sấy được khách hàng ở nhiều tỉnh, thành miền Tây chấp nhận.
Ông Bảy Thiên bên lò sấy lúa với công suất lên 66 tấn/mẻ

Ông Bảy Thiên cho biết, sở dĩ nâng sản lượng “lúa sấy khủng” là tiết kiệm thời gian, chi phí và phải tính toán hiệu quả kinh tế để nâng cao giá trị hạt gạo Việt.

Hiện tại, lò sấy của ông Bảy Thiên được đầu tư gần như tự động, từ khâu lên xuống lúa đến khâu điều chỉnh nhiệt độ. Thay vì trước đây ông sử dụng đến 20 công nhân lao động thì nay chỉ cần 10 người. Mỗi công nhân lao động có thu nhập từ 300.000 – 400.000 đồng/ngày.<

Nhờ ứng dụng công nghệ mới này, 6 năm qua đã cho ông lợi nhuận rất cao vì tiết kiệm chi phí, nhiên liệu, rút ngắn thời gian mà chất lượng lúa vượt hẳn, góp phần giảm thất thoát sau thu hoạch, không ô nhiễm môi trường, không bị gãy gạo nên ít hao hụt lúa thành phẩm.

Tiếng lành đồn xa, thương lái kinh doanh ùn ùn chở lúa đến cơ sở của ông để chờ sấy. Nói về bí quyết sấy gạo sữa thành công, ông Thiên cho hay, phải tăng cường thêm một cái quạt (loại 80 cm) cho mỗi lò sấy để lượng gió đưa nhiệt vào lò được đảm bảo.

"Kỹ thuật sấy gạo sữa quan trọng nhất là nhiệt độ. Phải canh lửa và thường xuyên theo dõi nhiệt độ mà tăng giảm để độ ẩm của lúa đạt như mình mong muốn.

Nếu chọn công nghệ lắp ráp lò sấy không đúng thì sẽ gặp khó khăn, nhất là bộ phận cánh quạt.

Đây là bộ phận quan trọng đưa nhiệt vào lò sấy vừa phải và sấy ở thời gian dài gấp 2 - 2,5 lần (mất khoảng 50 giờ) là hoàn thành một mẻ sấy gạo sữa với giá thành hiện nay 240.000 đồng/tấn, cao gấp 2 lần sấy gạo thường.

Với mức giá sấy này sau khi trừ hết chi phí còn lời từ 40 - 50% so với sấy gạo thường. Đặc biệt rất hợp với sấy gạo sữa vì 1 kg gạo sữa có giá cao hơn gạo thường từ 1.000 – 2.000 đồng", ông Bảy Thiên nói.

Những tháng cao điểm, lò sấy của ông Bảy Thiên sấy khoảng 2.000 tấn lúa/tháng, còn những lúc bình thường trung bình sấy trên dưới 1.500 tấn/tháng.

Mỗi tấn lúa sau khi trừ hết mọi chi phí ông còn lời 50.000 – 100.000 đồng, tính ra, mỗi năm ông bỏ túi khoảng 1,5 tỷ đồng.


Related news

chuyẻn-dỏi-dát-lúa-kém-hiẹu-quả-ỏ-dbscl Chuyển đổi đất lúa kém… giong-ngo-noi-dong-coi-da Giống ngô nồi đồng cối…