Mô hình kinh tế Tỷ Phú Nhờ Nuôi Cá Điêu Hồng

Tỷ Phú Nhờ Nuôi Cá Điêu Hồng

Publish date Monday. February 17th, 2014

Cá điêu hồng (còn gọi là cá rô phi đỏ), là một trong những loài cá được nuôi phổ biến ở đồng bằng sông Cửu Long, giống cá này có nguồn gốc từ Thái Lan được du nhập vào nước ta vào năm 1985. Hơn 5 năm qua, giống cá điêu hồng được nông dân Bến Tre đầu tư nuôi để phát triển kinh tế hộ gia đình, kết quả rất khả quan nhất là những hộ nuôi theo mô hình lồng bè trên sông Tiền.

Diện tích nuôi cá điêu hồng hiện nay phát triển khá nhanh, nhất là ở xã Phú Túc (Châu Thành), điển hình nhất là hộ chị Phạm Thị Bé Ba, ở cồn Tân Mỹ thuộc ấp văn hóa Phú Mỹ (Phú Túc), thu lợi nhuận về gần 1,6 tỷ đồng/năm.

Vào năm 2000, chị Bé Ba bắt đầu nuôi cá điêu hồng bằng lồng bè, do tiền vốn có giới hạn nên chị chỉ đóng 1 bè có thể tích 216m3, thả nuôi khoảng 40.000 con, sau 6 tháng thu hoạch được gần 16 tấn cá thịt thu về gần 371 triệu đồng, trừ chi phí đóng bè, con giống, thức ăn, còn lại gần 100 triệu đồng.

Từ thắng lợi ban đầu, đến nay chị Bé Ba đã phát tiển lên đến 11 bè nuôi cá điêu hồng, nâng thể tích 1.500m3, tổng số cá nuôi hàng năm hơn 480.000 con (tương đương với khoảng 240 tấn).

Cũng từ năm 2000 đến nay, mỗi tháng chị Bé Ba cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh khoảng 20 tấn cá thịt (mỗi con nặng 400gram đến gần 1kg) thu lợi nhuận về hơn 720 tiệu đồng/năm. Được hỏi về kinh nghiệm nuôi cá điêu hồng, chị Bé Ba vui vẻ không giấu kinh nghiệm: “Thật ra nuôi cá điêu hồng không phải dễ, nếu ai nuôi lần đầu thì không thể tránh mùi thất bại, cho nên phải kiên nhẫn đừng nản lòng.

Qua 5 năm nuôi cá điêu hồng, tôi cũng vài lần bị thất bại (thất bại ở đây là cá chết nhiều, lợi nhuận có nhưng ít thôi). Tôi thường xuyên tìm hiểu kỹ thuật nuôi cá điêu hồng từ các tài liệu, các kỹ sư ngành thuỷ sản và báo, đài, kết hợp với quá trình nuôi mà rút kinh nghiệm. Thấy rằng, cá điêu hồng dễ bị bệnh, nhất là vào thời điểm giao mùa mưa và nắng, có khi chúng chết còn phân nửa. Nguyên nhân do bệnh ký sinh trùng tác động đến cá con trong lúc ươm giống (dễ thấy nhất là cá con bị bệnh đốm trắng).

Để trị bệnh này, thì tắm cho cá bằng formol nồng độ 25 - 30ml/m3 trong thời gian dài, nếu trị trong vòng 15 - 30 phút thì tăng nồng độ lên từ 100 - 150 ml/m3, có thể sử dụng phèn xanh (CuSO4) nồng độ 2 - 5g/m3 trị thời gian dài và 20 - 50g/m3 trong thời gian từ 15 - 30 phút (cách này chỉ sử dụng duy nhất 1 lần). Cách thứ 3 là sử dụng muối ăn để phòng trị bệnh cho cá với nồng độ 1% trị thời gian dài và 1 - 2% trong thời gian 10 - 15 phút.

Bệnh thứ 2 là xuất huyết do vi khuẩn Aemomas hydrophia hoặc Edwardsiella tarda gây ra, bệnh này cá có dấu hiệu toàn thân xuất huyết, hậu môn sưng lồi, bụng trương to, có dịch vàng hoặc hồng, đầu và mắt cá sưng lồi ra, cần sử dụng kháng sinh Oxytetracycline 20 - 25g/m3 tắm trong vòng 60 phút hoặc trộn 20 - 25g/100kg thức ăn.

Có thể sử dụng Tetracycline từ 20 - 25g/m3 tắm trong 60 phút hoặc trộn 100mg/1kg thức ăn. Hoặc sử dụng Rifamycine 10 - 29g/m3 tắm trong 60 phút. Nên thường xuyên định kỳ bón và khử trùng nơi cho cá ăn, bằng cách bón vôi, khử trùng nước,có thể trộn Vitamin C vào thức ăn cho cá tỷ lệ tùy theo tình trạng bệnh nặng hay nhẹ.

Để cho cá tránh trường hợp trương bụng do thức ăn, không nên cho cá ăn bằng thức ăn tự pha chế mà phải sử dụng thức ăn công nghiệp dành cho cá, góp phần giảm ô nhiễm môi trường nước và trong thức ăn nên bổ sung men tiêu hóa như: probiotic. Nguồn nước nuôi cá cần phải trong, phù sa nhiều quá cá sẽ chết. Khi cá đạt trọng lượng từ 0,4 đến 1kg thì thu hoạch đồng loạt.”

Bên cạnh nuôi cá điêu hồng lấy thịt, từ đầu năm 2006 đến nay, chị Bé Ba nuôi cá giống điêu hồng, nguồn cá bột chị lấy từ Long An và Tiền Giang, sau 45 đến 60 ngày ươm khi cá có kích cỡ đồng đều, bơi khỏe màu sắc đẹp, mỗi kg từ 60 đến 70 con là xuất ao.

Với diện tích 3ha nuôi cá giống, mỗi tháng chị xuất khoảng 15 tấn cho các hộ nuôi ở Bến Tre, Tiền Giang, Long An, Đồng Tháp… giá bán hiện tại 24.000đồng/kg, sau khi trừ chi phí còn lợi nhuận ước tính gần 900 triệu đồng/năm. Hiện nay, chị đang đào mới 3ha từ vườn nhãn kém hiệu quả để nâng diện tích ao ươm cá giống điêu hồng.

Ngoài việc, nuôi cá phát triển kinh tế hộ gia đình, chị Bé Ba còn góp phần tạo việc làm ổn định cho 40 lao động tại địa phương với mức thu nhập từ 600.000 đồng đến hơn 1 triệu đồng/tháng. Đặc biệt, hộ anh Bùi Ngọc Linh thuộc hộ nghèo, từ đầu năm đến nay được chị Bé Ba, cho thuê lại 1.000m2 ao nuôi để ươm cá giống điêu hồng, mỗi tháng thu về 5 triệu đồng.

Anh Linh quá vui mừng: “Nhờ chị Bé Ba đây mà gia đình tôi thực sự thoát nghèo, trong năm 2006 này ước tính thu nhập riêng từ cá giống của tôi được 60 triệu đồng, số tiền này trước đây tôi nằm mơ cũng không thấy, có thể nói chị Bé Ba là vị cứu tinh của gia đình tôi.”

Theo ông Trần Văn Út – Chủ tịch UBND xã Phú Túc, từ mô hình nuôi cá điêu hồng của chị Bé Ba, đến nay toàn xã có 13 hộ nuôi cá giống điêu hồng, mỗi năm xuất khoảng 324 tấn cá giống (trong đó có 6 hộ cá điêu hồng lấy thịt, cung cấp cho thị trường hơn 2.500 tấn cá/năm). Hiện nay, xã đang vận động nhân rộng mô hình nuôi cá điêu hồng ở 2 cồn còn lại của ấp Phú Mỹ là cồn Thùng và cồn Bồn Thôn.


Related news

nuoi-ca-ro-dong-tren-ao-boc-vai-nhua-de-lam-cho-thu-nhap-kha Nuôi Cá Rô Đồng Trên… nhan-rong-vung-san-xuat-buoi-do-buoi-da-xanh Nhân Rộng Vùng Sản Xuất…