Mô hình kinh tế Về Quê Nuôi Ếch

Về Quê Nuôi Ếch

Publish date Thursday. January 22nd, 2015

Từng có công việc khá ổn định ở thành phố song anh Trần Nhật Mỹ (sinh năm 1988), trú tại xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ (Quảng Trị) lại quyết định trở về quê, bám đất làm giàu. Trải qua không ít khó khăn, giờ đây anh Mỹ đã xây dựng thành công mô hình trang trại tổng hợp, là một trong những người tiên phong nuôi ếch ở quê nhà.

Sinh ra trong một gia đình mà bố mẹ đều đã lớn tuổi, lại đông con, tốt nghiệp THPT, anh biết rằng bố mẹ không đủ sức nuôi cả 4 anh em ăn học. Thế nên, anh Mỹ quyết định vào Nam kiếm tiền phụ giúp gia đình. Cuộc sống ly hương với muôn vàn khó khăn càng giúp anh cứng cỏi hơn. Nhờ sự chăm chỉ vốn có, anh luôn có thu nhập khá ổn định. Anh chia lương thành 3 phần: trang trải cuộc sống, gửi cho bố mẹ và giữ làm lưng vốn. Ngày hăng say làm việc, tối đến, anh Mỹ lại gác tay lên trán nghĩ kế hoạch trở về quê lập trang trại.
Cứ thế, sau khi tích cóp được một khoản kha khá, anh nghĩ đã đến lúc biến giấc mơ thành hiện thực. Từ đấy, đôi bàn tay vốn quen với máy móc, dây chuyền sản xuất trở lại gắn bó với cây cuốc, cái rựa. Sẵn đất rẫy, anh Mỹ bắt tay trồng cây cao su. Sau đó, anh tiếp tục khoanh vùng để nuôi dê, gà, ngan, vịt… Thiếu vốn, anh Mỹ xoay xở bằng cách vay ngân hàng, mượn người quen dẫu lòng lo nơm nớp.
“Khi bắt tay lập trang trại, mình nhận ra vốn kiến thức tìm hiểu qua sách vở quá ít ỏi so với thực tế. Vì vậy, mình vừa làm vừa tự học. Có lúc lỗ đậm nhưng mình tự nhủ, đây là học phí để bước vào nghề”, anh Mỹ cho biết.
Một lần vô tình ghé thăm điểm nuôi ếch giống của người quen, anh Trần Nhật Mỹ nghĩ ngay đến diện tích hồ đập đang hoang hóa ở nhà. Sau mấy ngày chăm chỉ học kỹ thuật, anh quyết định nuôi thử nghiệm 5.000 con ếch giống. Thời gian đầu, do chưa quen với việc cho ăn, trị bệnh và xử lý nguồn nước, anh Mỹ chỉ thu lại được vài triệu đồng. Không nản chí, anh mạnh dạn bỏ vốn tu sửa hồ đập, tận dụng hết 1.500 m2 mặt nước để nuôi 20 lồng với 25.000 con ếch. Vốn tính kiên trì, anh ngày đêm túc trực, quan sát mọi biến chuyển của loài vật nuôi này.
Nhờ thế, anh rút ra nhiều kinh nghiệm. Anh chia sẻ: “Nguyên nhân làm cho ếch bị chết thường là do thức ăn thừa trong hồ quá nhiều. Như thế, ếch sẽ bị nhiễm bệnh, gây xuất huyết đường ruột. Lúc đó, phải ngưng cho ăn khoảng 2 – 3 ngày. Trường hợp con nào chết thì đành chịu vì mục đích lớn nhất là để giúp các con khác không bị bệnh. Nếu cho ăn tiếp, ếch sẽ bị viêm đường ruột, có lúc chết cả đàn”. Được biết, hiện tại, anh có thể xử lý tốt nhiều loại dịch bệnh trên ếch như đỏ đùi, mù mắt, vẹo cổ, sình bụng…
Anh Trần Nhật Mỹ còn nghiên cứu, tìm tòi các loài có thể nuôi chung với ếch. Cuối cùng, anh chọn cá rô và lươn. Việc làm này được đánh giá là “có lợi đôi đường” bởi lượng thức ăn thừa cũng như chất thải của ếch được giải quyết, trả lại sự trong sạch cho nguồn nước. Từ đầu năm đến nay, anh Mỹ đã xuất bán 3 tấn ếch thịt và 2 tấn cá rô các loại. Trừ tất cả chi phí, anh thu hơn 150 triệu đồng.
Bên cạnh đó, anh Mỹ luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, giúp đỡ giống cây trồng, vật nuôi cho các hộ nghèo. Noi gương anh Mỹ, nhiều thanh niên trong xã cũng gieo ước vọng bám đất quê làm giàu.


Related news

quang-ninh-phat-trien-thuy-san-theo-huong-ben-vung Quảng Ninh Phát Triển Thuỷ… san-luong-thuy-san-nuoi-trong-giam-4-7 Sản Lượng Thủy Sản Nuôi…