Mô hình kinh tế Về Vĩnh Kim, Nghe Kể Chuyện Vú Sữa Lò Rèn

Về Vĩnh Kim, Nghe Kể Chuyện Vú Sữa Lò Rèn

Publish date Thursday. February 27th, 2014

Như đời người “ba chìm bảy nổi”, vú sữa Lò Rèn đã trải qua những “thăng trầm” trên hành trình “rong ruổi”, “bén duyên” và phát triển để trở thành trái cây đặc sản gắn liền với địa danh Vĩnh Kim (Châu Thành - Tiền Giang).

Rong ruổi và cơ duyên

Không biết có quá hay không nhưng đối với tôi, hành trình cây vú sữa Lò Rèn đến Vĩnh Kim, rồi phát triển thành vùng chuyên canh rộng lớn ở vùng Nam Quốc lộ 1A của Châu Thành là sự “rong ruổi” đầy cơ duyên. Theo các vị cao niên, ngay từ thời Pháp thuộc, vú sữa gắn với “biệt danh” Lò Rèn đã có ở vùng đất Vĩnh Kim và câu chuyện về xuất xứ của giống cây này có đôi chút khác biệt.

Để xác thực nguồn gốc cây trồng này, tôi đã tìm gặp cụ Trương Hồng Sơn, năm nay đã 82 tuổi, người quê ở ấp Vĩnh Bình, xã Vĩnh Kim, đã bỏ nhiều công sức tìm hiểu về nguồn gốc xuất xứ của cây ăn trái đặc sản quê hương ông - cây vú sữa Lò Rèn. Ông kể, lúc lên 10 tuổi, ông đã thấy người ta trồng vú sữa Lò Rèn. Lúc đó, chỉ có một vài hộ trồng và mỗi hộ trồng chỉ vài cây để ăn, biếu tặng do kỹ thuật trồng, chiết nhánh hạn chế, 10 cây chiết chỉ ra rễ 4-5 cây. Mãi sau này lớn lên, ông mới có dịp nghe và tìm hiểu kỹ về nguồn gốc của chúng.

Rồi ông kể tiếp, người đầu tiên trồng giống vú sữa này ở trong vùng là ông thợ rèn ở Long Hưng. Vào những năm 20 của thế kỷ trước, trong một lần ở nhà ông Huyện Trụ (xã Long Hưng), khách mời đến dự tiệc mang tặng nhà mấy trái vú sữa.

Ông Huyện Trụ thấy trái lạ, bổ ra ăn thấy có dòng nước trắng đục như sữa chảy ra, vị ngọt thanh, ăn vào rất ngon. Ông bèn giữ hạt đưa cho các tá điền trồng thử. Trong số những người trồng, chỉ duy nhất có ông thợ rèn Hồ Văn Lễ là lên cây. Cây phát triển rất nhanh, cành lá sum sê bên cạnh cái lò rèn dao, cuốc, xẻng… phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt trong gia đình, làm việc đồng áng.

Trong một lần đến nhà ông thợ rèn, ông chủ Thu - sui của ông thợ rèn ở ấp Vĩnh Bình (Vĩnh Kim) thấy có cây lạ cho trái sum sê, màu sắc trái trắng bóng, phần dưới ửng hồng rất bắt mắt, ăn vào có vị ngọt đậm đà nên xin giống về trồng.

Ông chủ Thu là thầy thuốc đông y hàng ngày tiếp xúc với rất nhiều người nên không lâu sau khi trồng dân trong vùng biết nhà ông có giống cây quý đã tìm đến xin giống về trồng. Mỗi khi người nào hỏi: Giống cây này ở đâu mà có? Ông chủ Thu liền bảo: “Ở dưới ông lò rèn”. Dần theo thời gian, người ta lượt bớt từ cho ngắn gọn và cụm từ “vú sữa Lò Rèn” có từ đó đến bây giờ.

Cũng có câu chuyện kể rằng, người đầu tiên có giống vú sữa này là ông Lê Văn Kỳ. Ông Kỳ cũng ở xã Long Hưng gieo giống vú sữa ở cạnh lò rèn và cây lớn rất nhanh. Sau đó, ông nhân giống cho nhiều người trong vùng cùng trồng. Và cũng từ đó, khi có người hỏi “giống vú sữa này của ai” thì người ta bảo là của ông lò rèn.

Thực hư những câu chuyện này ra sao thì không rõ, nhưng tất cả đều có chung chi tiết: Cây vú sữa đầu tiên được trồng ở trong vùng là từ một người làm nghề thợ rèn ở xã Long Hưng. Và vùng đất đầu tiên mà giống vú sữa này bám rễ và phát triển là xã Vĩnh Kim.

Nỗ lực và trăn trở

Theo cụ Trương Hồng Sơn, vú sữa Lò Rèn hợp với vùng đất Vĩnh Kim nên cây phát triển nhanh, cho trái sum sê. Người trồng vú sữa Lò Rèn ai nấy đều giàu. Trước giải phóng, mỗi khi đến mùa vú sữa, vùng Chợ Giữa Vĩnh Kim nhộn nhịp suốt ngày đêm. Nông dân mang vú sữa trong vườn ra chợ bán, còn thương lái vận chuyển vú sữa lên Sài Gòn bán.

Thời đó, dân Sài Gòn “mê” vú sữa Lò Rèn để làm quà biếu, chưng rất sang trọng. Nhiều thi sĩ nỗi tiếng thời bấy giờ mỗi khi hội tụ về Vĩnh Kim đàm luận thơ ca, cùng thưởng thức trái vú sữa ngọt lịm, rồi mang nó vào cả thơ ca, văn phú.

Sau năm 1975, cây vú sữa phải trải qua những giai đoạn thăng trầm. Mãi đến thập niên 1990, cây vú sữa mới phát triển trở lại do Nhà nước có chủ trương phát triển kinh tế vườn. Qua xác định lợi thế, nét độc đáo của vú sữa Lò Rèn, từ năm 1999, nỗ lực phục hồi và phát triển cây trồng này đã được xúc tiến. Năm 2005, vú sữa Lò Rèn được Cục Sở hữu Trí tuệ cấp Giấy chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa.

Tuy nhiên, những năm trở lại đây, cùng với phong trào phát triển cây ăn trái diễn ra mạnh mẽ trong tỉnh nói riêng và khu vực Nam bộ nói chung, đầu ra của trái vú sữa Lò Rèn gặp nhiều khó khăn và vị thế của nó cũng không còn như xưa. Cụ Sơn buồn bã bày tỏ: “Vú sữa Lò Rèn bây giờ mất thế quá, không cạnh tranh nỗi với các cây trồng khác đã đành, đằng này thua cả vú sữa nâu vỏ dày, vị hơi lạt mới đau chứ. Tiếc quá”.

Chúng tôi mang tâm trạng này đến gặp Chủ tịch UBND xã Vĩnh Kim Nguyễn Văn Đức và được ông đồng cảm: “Gia đình tôi sống và gắn bó với cây vú sữa Lò Rèn mấy chục năm nay. Trước đây, ai trồng vú sữa Lò Rèn cũng làm giàu nên phần lớn vườn đều chuyên canh. Những năm gần đây, vú sữa Lò Rèn cho thu nhập bấp bênh, không bằng nhiều trái cây khác.

Vĩnh Kim giờ đây không còn bao nhiêu vườn vú sữa chuyên canh (xã còn khoảng 200 ha), nhiều vườn già cỗi, hay bị bệnh”. Và điều lo nhất của mọi người hiện nay là những diện tích trồng vú sữa Lò Rèn bị bệnh, hay già cỗi, khi trồng lại cây không phát triển; mức độ lão hóa của những cây vú sữa trồng mới rất nhanh nên nhiều người dân tỏ ra ngán ngại khi lựa chọn trồng loại cây ăn trái đặc sản này.

Tiếp tục nỗ lực nâng vị thế cây ăn trái đặc sản của tỉnh, những năm qua, các ngành chức năng không ngừng quan tâm, hỗ trợ phát triển, nâng cao chất lượng sản phẩm, tích cực tìm đầu ra cho vú sữa Lò Rèn. Năm 2006, Hợp tác xã (HTX) Vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim được thành lập nhằm tổ chức lại sản xuất, đưa trái vú sữa Lò Rèn xâm nhập vào thị trường cấp cao.

Năm 2007, Sở Khoa học và Công nghệ hỗ trợ HTX áp dụng sản xuất vú sữa Lò Rèn đạt tiêu chuẩn GlobalGAP. Năm 2010, Sở Khoa học và Công nghệ tiếp tục hỗ trợ HTX nhân rộng mô hình lên 53 ha. Nhà đóng gói vú sữa Lò Rèn đạt tiêu chuẩn GlobalGAP khánh thành và được tổ chức của Hoa Kỳ chứng nhận đạt tiêu chuẩn đóng gói xuất khẩu vào thị trường này.

Từ đó, thương hiệu vú sữa Lò Rèn đã được thị trường trong và ngoài nước biết đến. Nhiều công ty, tập đoàn trong và ngoài nước đến tìm hiểu, hợp đồng mua vú sữa đạt tiêu chuẩn GlobalGAP xuất khẩu sang Nga, Đức, Hà Lan… Về phía huyện Châu Thành, Huyện ủy đã ban hành nghị quyết về phát triển cây vú sữa Lò Rèn ở vùng phía Nam Quốc lộ 1. Thế rồi mọi chuyện vẫn chỉ dừng lại ở đó. Nhiều công ty đến rồi đi mà không có hợp đồng tiêu thụ lâu dài nào được ký kết.

“Khi có hàng thì không có đối tác, khi có đối tác thì lại không dám ký hợp đồng vì không huy động đủ hàng đảm bảo chất lượng” - ông Nguyễn Văn Ngàn, Chủ nhiệm HTX cho biết. Hệ quả là vú sữa Lò Rèn đạt tiêu chuẩn GlobalGAP phải bán trôi nổi trên thị trường, bị thương lái đánh đồng với các loại trái vú sữa sản xuất bình thường. Đặc biệt, năm 2012 đến nay, HTX không có tiền để xin tái chứng nhận những diện tích đạt tiêu chuẩn GlobalGAP trên. Nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP mạnh ai nấy làm một kiểu.

Hiện nay, các ngành chức năng của tỉnh, huyện đang tiếp tục nỗ lực khôi phục, vực dậy vùng chuyên canh cây ăn trái đặc sản của tỉnh và cả nước. Biểu hiện cụ thể, năm 2013 Sở NN&PTNT đã tiến hành bình tuyển và công nhận 3 nguồn giống vú sữa Lò Rèn đầu dòng để bảo tồn ở xã Vĩnh Kim và xã Kim Sơn. Hy vọng rằng, vú sữa Lò Rèn đã hết cơn bĩ cực đến hồi thới lai.


Related news

du-du-cao-san-lai-kha Đu Đủ Cao Sản Lãi… thi-diem-mo-hinh-su-dung-ma-khay-may-cay-lua Thí Điểm Mô Hình Sử…