"Vị ngọt" của táo hồng trồng trong nhà lưới
Ở Sóc Trăng hiện nay, ngoài các loại nông sản được trồng trong nhà lưới mang lại hiệu quả cao thì tại một số huyện còn trồng màu ứng dụng công nghệ cao, đặc biệt là việc trồng táo trong nhà lưới - được xem là bước “đột phá” trước tình hình sâu hại tấn công.
Táo hồng trồng trong nhà lưới trái lớn đồng đều.
Đã từ lâu, xã Thuận Hòa (Châu Thành) được xem là “thủ phủ” của cây táo hồng, bởi nó đã gắn bó với người dân nơi đây gần 20 năm, giúp cho nhiều người vươn lên thoát nghèo bền vững. Tuy nhiên, khoảng 5 năm trở lại đây, cây táo đã “thất thủ” bởi ảnh hưởng của thời tiết, nhất là đợt hạn mặn vào đầu năm 2016 làm nhiều diện tích táo của người dân bị chết khô, gây ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng trái. Kèm theo đó là giá táo thấp, rồi sâu hại tấn công (nhất là sâu đục trái) đã làm sụt giảm năng suất, sản lượng sau thu hoạch, làm cho bà con nông dân lo lắng, ráo riết tìm các giải pháp để cây táo phát triển tốt và cho năng suất trái như những ngày mới canh tác.
Theo thông tin từ các nhà vườn trồng táo thì vấn đề dịch bệnh, thời tiết thời gian qua là rất phức tạp, nhưng rồi cơ hội mới đã mở ra cho người dân khi Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện mở lớp tập huấn về “Kỹ thuật trồng màu trong nhà lưới và hướng dẫn cách trồng màu công nghệ cao”. Sau tập huấn, Phòng NN-PTNT huyện khuyến khích bà con trồng táo đăng ký thực hiện mô hình. Đây chính là thời cơ thuận lợi giúp ông Phạm Văn Út, ấp Trà Canh B, xã Thuận Hòa mạnh dạn đề xuất ý tưởng đưa cây táo vào trồng trong nhà lưới. Bởi nhiều lần đến Đà Lạt tham quan các vườn rau, màu nhà lưới, ông Út vô cùng tâm đắc, ước ao đưa cây táo vào trồng tại nhà lưới, qua đó chắc chắn táo sẽ đẹp và không bị sâu hại tấn công như canh tác bên ngoài nhà lưới. Bởi theo ông Út, qua thực tế canh tác của gia đình, với 3 công đất trồng táo, vừa qua, ông phải phá bỏ hơn 2 công táo do bị sâu đục trái và giá táo không đảm bảo lợi nhuận sau thu hoạch.
Phòng NN-PTNT huyện ủng hộ ý tưởng và tiến hành hỗ trợ 70% kinh phí triển khai làm nhà lưới cho ông Út với diện tích vườn táo là 800m2. Theo ông Út, vào thời điểm làm nhà lưới thì táo mới chuẩn bị ra hoa nên khi có nhà lưới do thiếu các loại côn trùng có lợi thụ phấn nên tỷ lệ đậu trái không cao, để tăng khả năng thụ phấn, Phòng NN-PTNT tiếp tục hỗ trợ đàn ong đưa vào bên trong nhà lưới thụ phấn cho táo nên đợt ra hoa sau đó táo đậu trái rất tốt, với tỷ lệ đạt gần 100%.
Trước kết quả khả quan ban đầu, ông Phạm Văn Út phấn khởi đưa chúng tôi tham quan vườn táo trồng bên trong nhà lưới đang độ thu hoạch. Tận mắt chứng kiến mô hình, chúng tôi hết sức ngạc nhiên bởi độ lớn của trái táo, lớn gấp đôi so với những trái táo trồng bên ngoài nhà lưới. Bề mặt trái bóng đẹp, chín vàng đồng đều. Khi thưởng thức, táo chắc thịt, giòn, mùi thơm man mát và ăn ngay lúc hái không phải lo lắng có thuốc bảo vệ thực vật. Theo lời giới thiệu của ông Út, quá trình canh tác chỉ sử dụng các loại phân bón hữu cơ, tuyệt nhiên không hề dùng thuốc bảo vệ thực vật nên táo đảm bảo “sạch 100%”.
Ông Út tâm tình: “Nếu so về năng suất, táo trong nhà lưới có thể thấp hơn táo bên ngoài khoảng 50% nhưng bù lại chất lượng táo đạt 100%. Táo nhà lưới không bị sâu đục trái, do đó thu hoạch 10kg thì bán đủ 10kg không phải loại bỏ, còn bên ngoài nhà lưới hái 10kg, chỉ bán được 3kg đã nhiều. Và với táo trong nhà lưới, tôi bán giá 25.000 đồng/kg, khách hàng rất ưa chuộng nên họ luôn đặt hàng cho đợt thu hoạch sau, nên về phần đầu ra rất yên tâm. Đồng thời, chăm sóc táo nhà lưới không phải phun thuốc bảo vệ thực vật nên giảm nhân công và chi phí mua các loại thuốc, suốt vụ táo chỉ tốn vài chục ký phân gà bón gốc và nước tưới cho cây cũng không khác so bên ngoài nhà lưới, khoảng 3 ngày tưới 1 lần”.
Với diện tích táo trồng bên trong nhà lưới 800m2, ông Út dự kiến thu hoạch đến cuối vụ ước 1 tấn trái. Nếu giá bán ổn định 25.000 đồng/kg, trừ chi phí lợi nhuận hơn 70%. Theo ông Út, hiệu quả bước đầu của cây táo trong nhà lưới đã thấy rõ, nhưng còn phụ thuộc vào giá cả thị trường, nếu đầu ra ổn định thì ông tiếp tục mở rộng diện tích và khi đó sẽ liên kết cùng siêu thị để đưa trái táo hồng do ông trồng trong nhà lưới đến tay người tiêu dùng, nhằm góp phần đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao