Mô hình kinh tế Vì Sao Nghề Trồng Nấm Hiệu Quả Nhưng Chưa Phát Triển

Vì Sao Nghề Trồng Nấm Hiệu Quả Nhưng Chưa Phát Triển

Publish date Friday. October 24th, 2014

Rõ ràng nghề trồng nấm tuy có hiệu quả hơn hẳn một số nghề phụ khác ở nông thôn, nhưng do các hộ không chủ động được nguồn giống và thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Nhiều năm nay trên địa bàn tỉnh ta đã có hàng trăm hộ gia đình sản xuất nấm (nấm sò, nấm mỡ, nấm rơm và nấm mục nhĩ) có thu nhập khá, rải rác ở các huyện Đông Sơn, Triệu Sơn, Thọ Xuân, Thiệu Hóa, TP Thanh Hóa... Nấm được trồng quanh năm, nhưng hiệu quả nhất vẫn là nấm mục nhĩ và nấm sò.

Chị Nguyễn Thị Hoa, xã Xuân Giang, huyện Thọ Xuân, cho biết: trồng nấm có thể tận dụng được các phụ phẩm nông nghiệp như rơm rạ, mùn cưa làm nguyên liệu chính,  bã nấm được tận dụng làm phân vi sinh bón ruộng, đồng thời giải quyết được ô nhiễm môi trường sau mỗi vụ thu hoạch. Vốn đầu tư ban đầu khoảng 25 - 30 triệu đồng và 100 m2 nhà xưởng. Nghề làm nấm còn tạo ra nhiều dịch vụ “ăn theo” như cung ứng rơm rạ, thu mua, sơ chế... 

Sau nhiều năm trăn trở tìm nghề cho hội viên, phụ nữ nông thôn sau học nghề duy trì và phát triển nghề hiệu quả, nâng cao thu nhập, Trung tâm Dạy nghề phụ nữ tỉnh đã được UBND tỉnh cấp kinh phí thực hiện Dự án khoa học: “Xây dựng mô hình HTX do phụ nữ làm chủ: Sản xuất, chế biến và tiêu thụ nấm ăn tại Thanh Hóa”.

Theo đó, trung tâm đã thành lập điểm 4 HTX tại  xã Đông Hòa (Đông Sơn), Thiệu Khánh (TP Thanh Hóa), Vân Sơn (Triệu Sơn), Ba Đình (Nga Sơn) thu hút 51 thành viên tham gia với quy mô sản xuất 9 tấn trở lên/HTX/năm và được hỗ trợ lò sấy, giống, kỹ thuật, đầu ra...

Chị Nguyễn Thị Nhâm, thành viên “HTX sản xuất, chế biến và tiêu thụ nấm do phụ nữ làm chủ” xã Vân Sơn (Triệu Sơn), cho biết: “Nghề trồng nấm đem lại lợi nhuận cao, nếu sản xuất luân phiên các loại nấm trong năm, trừ chi phí có thể đạt hơn 100 triệu đồng/năm trở lên. Còn ông Đặng Minh Ân, bí thư đảng ủy xã nhận định: Nghề trồng nấm đang mở ra hướng đi mới trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cơ cấu lao động và khai thác hiệu quả quỹ đất của địa phương.

Nghề đã có cách đây 20 năm, nhưng chỉ duy nhất một gia đình làm, từ khi thành lập HTX sản xuất, chế biến và tiêu thụ nấm do phụ nữ làm chủ đến nay, nghề trồng nấm phát triển nhộn nhịp hơn. 11 hộ liên kết, hỗ trợ giúp nhau trong sản xuất nên đầu ra tương đối ổn định, thu nhập khá, không chỉ giải quyết việc làm cho thành viên mà còn tạo việc làm cho hàng trăm lao động thời vụ khác. Một số xã lân cận, chị em cũng tìm đến học hỏi kinh nghiệm trồng nấm.

Những rào cản

Sản xuất nấm là nghề có sau nhiều nghề nông nghiệp khác và thực sự mang lại hiệu quả nhưng vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng. Đa phần người dân trồng nấm theo kiểu tự phát, quy mô nhỏ lẻ, công nghệ lạc hậu. Nhiều hộ tận dụng góc nhà, hiên nhà bỏ không để làm địa điểm trồng nấm.

Do đó, việc điều chỉnh nhiệt độ, độ ẩm chưa đáp ứng được yêu cầu đã ảnh hưởng tới năng suất, chất lượng sản phẩm. Người dân hạch toán thấy không lãi, hoặc lãi ít nên không dám đầu tư, liên kết sản xuất.

Các chị Hàn Thị Nông, Nguyễn Thị Uyên, thôn Hợp Giang, xã Quảng Hợp (Quảng Xương), cho biết: Đã vài lần chúng tôi đến chợ đầu mối TP Thanh Hóa tìm nơi tiêu thụ, nhưng chủ quầy kinh doanh giao kèo, phải ký hợp đồng nhập hàng liên tục, ít nhất phải bảo đảm dăm chục kg nấm sò tươi/ngày.

Nhưng vì thiếu vốn, sản xuất nhỏ lẻ, manh mún lại không có phương pháp bảo quản sản phẩm, nên chúng tôi không đủ điều kiện ký hợp đồng. Đối với 35 hộ trồng nấm ở thị trấn Quảng Xương lại gặp khó khăn khác. Sản phẩm nấm tuy dễ tiêu thụ nhưng giá trị ngày công lao động không cao so với làm công nhân trong công ty nên các hộ đã bỏ nghề, mặc dù được các cấp hội phụ nữ, chính quyền địa phương hỗ trợ tiền giống, nhà xưởng, nguyên liệu...

Rõ ràng nghề trồng nấm tuy có hiệu quả hơn hẳn một số nghề phụ khác ở nông thôn, nhưng do các hộ không chủ động được nguồn giống và thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Hơn nữa do công nghệ sản xuất lạc hậu, phân tán, tự cung tự cấp, chưa có sự liên kết trong tiêu thụ sản phẩm nên chi phí đầu vào khá cao, khiến nhiều hộ trồng nấm không dám đầu tư, trong khi địa bàn nông thôn tỉnh ta có rất nhiều tiềm năng (nguyên liệu và nhân lực) để phát triển. Đa phần bà con vẫn còn xem việc trồng nấm trong lúc nông nhàn, dẫn đến việc chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường về cả số lượng và chất lượng...

Đến HTX sản xuất chế biến và tiêu thụ nấm xã Đông Hòa (Đông Sơn), chị Lê Thị Vân, chủ nhiệm HTX tâm sự: 18 thành viên của HTX làm ăn khá hiệu quả rất muốn tham gia HTX sản xuất rau sạch của xã Đông Yên để xây dựng thương hiệu nấm và nhập nấm vào siêu thị, các chợ trung tâm thành phố, nhưng trong danh mục rau sạch theo tiêu chuẩn ViepGAP không có nấm, mặc dù nấm được đánh giá là loại rau sạch, giàu protein và đã được Thủ tướng Chính phủ đưa vào danh mục sản phẩm quốc gia (Quyết định 439 QĐ/TTg 16-4-2012).

Băn khoăn trên của chị Vân và các thành viên trong HTX là hoàn toàn có cơ sở, bởi bất cứ nền sản xuất hàng hóa nào, muốn phát triển bền vững, ổn định thì việc xây dựng thương hiệu, thị trường luôn là điều kiện đầu tiên.

Qua khảo sát hệ thống siêu thị và một số chợ trên địa bàn TP Thanh Hóa, chúng tôi thấy rất ít, thậm chí không có nấm ăn sản xuất trong tỉnh bày bán, chủ yếu là nấm tươi có xuất xứ từ Trung Quốc (chiếm khoảng 80%), giá rẻ hơn, với nhiều chủng loại như nấm đùi gà, nấm đông cô, chân kim... có chất bảo quản được lâu, hình thức bắt mắt nên được nhiều người tiêu dùng lựa chọn.

Như vậy, sản xuất nấm ở tỉnh ta không chỉ gặp khó ở vốn mà kỹ thuật sản xuất còn yếu, phần lớn sản xuất thủ công, nhỏ lẻ nên khó xây dựng thương hiệu để cạnh tranh và liên kết hỗ trợ nhau phát triển.

Liên kết phát triển bền vững

Để nghề nấm phát triển bền vững, trước hết cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền làm cho người dân hiểu được công dụng của nấm, khuyến khích các hộ mạnh dạn đầu tư sản xuất, liên kết với nhau phát triển thành hàng hóa nhưng cũng phải tính đến tình trạng trồng “quả ngọt” thu “trái đắng”, bởi sản xuất dư thừa, khiến sản phẩm mất giá như đã xảy ra với cây sắn, cây ớt... trên địa bàn tỉnh ta. Cần phải tạo ra chuỗi giá trị sản phẩm từ khâu nghiên cứu, trồng trọt, thu hoạch đến chế biến, tiêu thụ, trong đó, thị trường tiêu thụ và thương hiệu sản phẩm phải được đặt lên hàng đầu.

Điều này được chị Trịnh Thị Hà, chủ nhiệm Dự án  “Xây dựng mô hình HTX do phụ nữ làm chủ: Sản xuất, chế biến và tiêu thụ nấm ăn tại Thanh Hóa”, Trung tâm Dạy nghề phụ nữ tỉnh cho biết: Trung tâm đã phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ sinh học tỉnh và một số đơn vị khác thực hiện chuyển giao kỹ thuật, cung cấp giống và thị trường tiêu thị sản phẩm cho hội viên.

Hiện dự án đang sản xuất nấm thử nghiệm tại các HTX khá ổn định, hiệu quả. Dự kiến dự án sẽ hỗ trợ các hộ đăng ký thương hiệu, tiêu thụ sản phẩm, thu hút thêm hội viên vào HTX nhằm hình thành vùng sản xuất liên kết để xây dựng thương hiệu, gắn nhãn mác hàng hóa tiêu thụ sản phẩm đạt hiệu quả cao.

Về lâu dài, các cấp, các ngành, địa phương cần quan tâm thực hiện một số chính sách khuyến khích nghề trồng nấm phát triển, định hướng giúp người dân triển khai đúng, hạch toán cụ thể chi phí, thu nhập để họ thấy được hiệu quả của nghề trồng nấm; hình thành cơ sở sản xuất giống nấm và liên kết cùng phát triển có quy mô để xây dựng thương hiệu bảo đảm chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm đáp ứng nhu cầu của người dân... Trên cơ sở ấy, người trồng nấm mới có nhiều cơ hội phát triển, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập.


Related news

trien-vong-tu-mo-hinh-trong-keo-tai-tuong-tham-canh Triển Vọng Từ Mô Hình… muc-tieu-den-nam-2020-xuat-khau-thuy-san-dat-11-ty-usd Mục Tiêu Đến Năm 2020…