Mô hình kinh tế Vì sao nông dân thích sử dụng giống IR50404

Vì sao nông dân thích sử dụng giống IR50404

Publish date Wednesday. June 24th, 2015

Hòa Bình là một trong những xã thuần nông của huyện Chợ Mới, với diện tích sản xuất nông nghiệp 1.115 héc-ta (diện tích sản xuất 3 vụ lúa trong năm trên 2.700 héc-ta), trong đó, hơn 90% diện tích sản xuất lúa sử dụng giống lúa IR50404.

Nông dân Nguyễn Văn Non cho biết: “Đây là giống lúa ngắn ngày, ít sâu bệnh, thường trúng mùa, ít chi phí, xay đặng gạo hơn các giống hạt dài. Ví dụ, các giống hạt dài khác xay được 13kg, còn IR50404 được 14kg, chênh lệch khoảng 7.000 đồng/kg”.

Cũng theo nông dân, trước đây, ở xã Hòa Bình và các xã lân cận trồng nhiều giống lúa khác xen kẽ. Tuy nhiên, họ gặp khó khăn trong việc phòng trừ sâu bệnh, thu hoạch… Từ đó, IR50404 gần như chiếm ưu thế tuyệt đối trên ruộng lúa. Ngoài ra, do tập quán sản xuất, nông dân vẫn thích sử dụng IR50404.

Chú Nguyễn Văn Đinh, nông dân ấp An Lương chia sẻ: “Trồng IR50404 riết rồi quen cách. Thấy mặt lúa là tôi biết tới lúc cần rải phân; sâu bệnh gì cũng đoán được, cân đối phân thuốc quen tay. Đặc biệt, cơ cấu vụ của địa phương là 3 tháng sản xuất, 1 tháng nghỉ đất, rất lợi cho giống IR50404”.

Dù nông dân được tiếp cận và có nhiều sự chọn lựa các giống lúa chất lượng, từ đó áp dụng gieo sạ trên đồng ruộng của mình, nhưng thực tế vẫn gặp phải khó khăn. Các giống lúa hạt dài có chất lượng cao hơn IR50404 thì canh tác trong thời gian dài hơn, trong khi năng suất thấp hơn, chi phí cao hơn. Chú Đinh chia sẻ thêm: “Nếu muốn thay thế giống IR50404, trước mắt phải có giống nào làm trong cùng điều kiện mà năng suất và lợi nhuận cao hơn IR50404. Thậm chí, bằng hoặc thấp hơn chút đỉnh thì nông dân mới cân nhắc chuyển đổi được”.

Nhìn chung, nông dân chọn IR50404 chủ yếu vì cái lợi mà IR50404 đem lại. Họ vẫn ủng hộ chuyển đổi giống lúa khác chất lượng hơn, nhưng phải đảm bảo ưu điểm như IR50404.

Ngành chức năng cũng nhận thấy những ưu điểm của IR50404: Thời gian sinh trưởng ngắn (90 - 95 ngày sau khi gieo sạ); năng suất cao, dễ canh tác, nhẹ phân; khả năng quang hợp nhanh nên không bị lép; giống lúa ngắn ngày đảm bảo thời gian gieo sạ 3 vụ/năm. Gạo này được liệt vào nhóm gạo cấp thấp, rẻ tiền, chỉ tốt đối với làm bún, làm bánh...

Tuy nhiên, về mặt khoa học, IR50404 hiện nay không còn được nhiều ưu điểm như thời gian đầu. Tính kháng rầy, kháng bệnh đã suy giảm nên khi gieo trồng IR50404, bà con nông dân phải tăng chi phí đầu tư chăm sóc, phun thuốc phòng trừ rầy nâu, bệnh đạo ôn… Về mặt thị trường, nhược điểm của giống lúa này là cứng cơm và độ bạc bụng lớn, không thích hợp với thị hiếu quốc tế; dễ bị gãy khi xay chà, nên đầu ra cho loại gạo này rất bấp bênh. Thời gian tới, nếu giá lúa vẫn nằm ở ngưỡng thấp thì việc tiêu thụ giống lúa này sẽ khó khăn.

Để hạn chế người dân sử dụng giống IR50404, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Mới sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp: Tăng cường công tác tuyên truyền vận động nông dân dần chuyển đổi giống IR50404 sang các giống ngắn ngày chất lượng cao hơn như: OM 4900 (gạo thơm), OM 5451, OM 7347…; tăng cường tổ chức sản xuất theo mô hình “Cánh đồng lớn” gắn với vùng nguyên liệu, ứng dụng mạnh các tiến bộ khoa học vào sản xuất như "1 phải, 5 giảm", "3 giảm, 3 tăng", gieo sạ đồng loạt để né rầy, chỉ sử dụng từ 1 đến 2 giống lúa trong vùng nguyên liệu để có chất lượng đồng đều. Đó là những “bài tập” ban đầu để nông dân thay đổi tập quán sản xuất một cách bài bản. Họ được tổ chức lại sản xuất từ quy mô nông hộ nhỏ, hợp tác hóa hiện đại.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh thông tin rộng rãi đến nông dân thông qua các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức các lớp tập huấn để người sản xuất nắm rõ về tình hình tiêu thụ lúa phẩm chất thấp hiện nay; các ban, ngành và đoàn thể địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nông dân hạn chế sử dụng giống IR50404.

Về phía các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, cần có những đổi mới, cụ thể là đặt hàng và bao tiêu cho nông dân, chứ không thể nói suông với dân. Đồng thời, mua lúa chất lượng cao với giá cao hơn lúa IR50404 để người dân tin tưởng khi sản xuất giống chất lượng cao thì lợi nhuận sẽ cao hơn. Muốn khuyến cáo đi vào hiện thực, nhất thiết phải chứng minh cho nông dân thấy, họ sẽ đạt lợi nhuận cao hơn khi làm theo khuyến cáo.

Năm 2013, tổng diện tích sử dụng giống IR50404 tại Chợ Mới là 3.931/47.361 héc-ta (chiếm 8,3% diện tích xuống giống). Năm 2014, con số này tăng lên 5.478/41.811 héc-ta (chiếm 13,1% diện tích xuống giống). Riêng vụ hè thu năm 2015, toàn huyện gieo trồng 2.297 héc-ta giống IR50404/13.304 héc-ta (chiếm 17,26%, tăng 5,26% so cùng kỳ). Giống lúa này được nông dân sản xuất nhiều năm qua trên diện rộng, tại các xã vùng dưới như Hòa Bình, Hòa An, An Thạnh Trung, Hội An.


Related news

phan-bon-tang-gia-nong-dan-kho-khan Phân bón tăng giá, nông… thu-nhap-cao-nho-mang-tay-xanh Thu nhập cao nhờ măng…