Mô hình kinh tế Vì sao nông sản Việt Nam mất giá

Vì sao nông sản Việt Nam mất giá

Publish date Monday. November 30th, 2015

Công nghệ chế biến từ thời… Liên Xô

Hệ thống chế biến NLTS công nghiệp của nước ta trong những năm gần đây phát triển cả về số lượng, công suất và công nghệ.

Năm 2013, cả nước có trên 6.000 cơ sở chế biến quy mô công nghiệp đang hoạt động, trong đó chế biến nông sản hơn 2.000 cơ sở, chế biến thuỷ sản 570 cơ sở, chế biến gỗ 3.500 cơ sở.

Tuy nhiên, các cơ sở chế biến chế biến nông sản Việt Nam đa phần quy mô nhỏ, công nghệ và thiết bị lạc hậu.

Mặc dù đã có một số doanh nghiệp nước ngoài hoặc liên doanh với nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực này, song số lượng còn ít, đầu tư cho nâng cấp và chuyển đổi khoa học công nghệ (KHCN) hạn chế, chưa tương xứng với tốc độ phát triển của nông nghiệp.

Trong ngành cà phê, sơ chế thủ công, công nghệ lạc hậu còn chiếm trên 70%.

Nhiều nhà máy chế biến chè vẫn dùng thiết bị quá cũ của Liên Xô (cũ) và Trung Quốc, hầu hết sản phẩm chè ở dạng sơ chế, giá trị hàng hoá rất thấp so với sản phẩm chè thương phẩm của các nước.

Việc xây dựng và thực hiện nghiêm quy trình chế biến còn nhiều hạn chế.

Ví dụ, khi chế biến gạo, hầu hết các doanh nghiệp thực hiện quy trình “ngược”, thường xay xát lúa ở độ ẩm cao, bảo quản gạo, dẫn đến tỷ lệ gãy và bạc bụng cao, chất lượng gạo thành phẩm thấp.

Kết quả là các sản phẩm sơ chế, các sản phẩm có giá trị gia tăng thấp vẫn còn chiếm một tỷ trọng lớn trong xuất khẩu nông sản.

Gạo xuất khẩu chủ yếu là loại chất lượng thấp; chè đen (giá thấp hơn chè xanh) chiếm 60% sản lượng chè xuất khẩu; cà phê chế biến ướt có thể tăng giá trên 200 USD/tấn, nhưng mới chỉ chiếm khoảng 15% tổng sản lượng cà phê nhân xuất khẩu...

Sản phẩm chế biến còn đơn điệu, việc đầu tư chế biến sâu, sản xuất ra các sản phẩm có giá trị gia tăng cao còn chiếm tỷ lệ thấp trong tổng sản lượng.

Tỷ lệ chế biến sâu với cà phê chỉ đạt 10%, điều 5%, chè 5%.

Do phần lớn sản phẩm của Việt Nam được đưa ra thị trường dưới dạng thô, sơ chế với công nghệ chế biến giản đơn nên giá thấp và thường xuyên phải đối diện với rủi ro tác động tiêu cực từ thị trường thế giới.

ưVí dụ, gạo 25% tấm của Việt Nam có xu hướng bán với giá thấp hơn 30 đến 40 USD/tấn so với sản phẩm tương tự của Thái Lan.

Xuất khẩu cà phê Robusta của Việt Nam có xu hướng bán với giá thấp hơn so với chỉ số LIFFE (giá quốc tế).

Năm 2013, đơn giá trung bình đối với chè của Việt Nam là 1.524 USD, thấp hơn khoảng 40% so với Ấn Độ (2.688 USD) và Kenya (2.799 USD).

Giá trị gia tăng qua chế biến của nông, thủy sản còn thấp, ngay cả ở những mặt hàng Việt Nam có lợi thế xuất khẩu cao.

Ví dụ, giá trị gia tăng qua chế biến của tôm đạt 24,7%, của cá ngừ đạt 37,7%, giá trị này ở cá tra chỉ đạt 0,68%, hơn 90% chè xuất khẩu của Việt Nam ở dạng nguyên liệu.

Kỹ năng sơ chế sau thu hoạch của nông dân Việt Nam vẫn thấp hơn một số nước trong khu vực, không có các hoạt động chế biến ban đầu để duy trì chất lượng nông sản cho phép bảo quản nông sản lâu hơn.

Cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam thời kỳ 2000 - 2010 cho thấy, tỷ trọng hàng xuất khẩu có hàm lượng công nghệ cao của Việt Nam chỉ tăng rất hạn chế sau một thập kỷ (từ 11,1% lên 14,2%), thấp hơn nhiều so với Trung Quốc (tăng từ 21,2% lên 32,2%).

Điều này phản ánh sự tụt hậu khá xa và xu hướng gia tăng khoảng cách giữa Việt Nam và Trung Quốc về năng lực cạnh tranh xuất khẩu hàng nông sản.

“Thành phố khoa học” cho vùng trọng điểm

" Cần quy hoạch cụm công nghiệp – dịch vụ ở những vùng chuyên canh: Phát triển các vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh, sản phẩm quy mô lớn sản xuất hàng hóa theo tiêu chuẩn chung, vệ sinh an toàn và có giá cả hợp lý”. TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn

Phần nhiều nông sản Việt Nam xuất khẩu là "vô hình" đối với đa số người tiêu dùng cuối cùng ở nước ngoài.

Điều này thật đáng tiếc trong khi khi ẩm thực Việt Nam đang thu hút sự chú ý ngày càng nhiều hơn ở các nước thu nhập cao.

Nguyên liệu thô rẻ tiền của Việt Nam có xu hướng được pha trộn với nguyên liệu thô từ những nước khác.

Ví dụ cà phê Robusta giá rẻ của Việt Nam được pha trộn với cà phê Arabica từ châu Phi hoặc châu Mỹ La-tinh để sản xuất ra các nhãn hiệu cà phê hòa tan khác nhau ở châu Âu và Bắc Mỹ…

Do đó, để thay đổi công nghiệp chế biến, Việt Nam cần đi bằng “hai chân”, đó là có cả công nghiệp hỗ trợ đầu vào và đầu ra.

Cụ thể như bảng dưới đây:

Công nghiệp hỗ trợ đầu vào cho sản xuất nông nghiệp: Công nghiệp hỗ trợ đầu ra cho sản xuất nông nghiệp.

- Máy móc, thiết bị, công cụ.

- Hóa chất, phân bón.

- Vật tư phục vụ sản xuất.

- Thuốc bảo vệ thực vật, thú y.

- Công nghiệp phụ trợ: Bao bì, nhãn mác.

- Công nghiệp tin học: Công cụ điều khiển, giám sát, thông tin liên lạc phục vụ sản xuất nông nghiệp, quản lý hệ thống thủy lợi và cơ sở hạ tầng nông nghiệp.

- Sơ chế: Trữ lạnh, đông lạnh, rửa sạch, đóng gói…

- Chế biến nông sản: Đóng hộp, sấy, chế biến thành phẩm từ nông sản.

- Chế biến công nghiệp: Giấy, bìa, gỗ, tấm ép, dệt sợi, thuộc da, đồ gỗ nội thất, vật liệu xây dựng, thủ công mỹ nghệ…

- Chế biến sâu: Thuốc, dược phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm.

- Chế biến phụ phẩm.

- Năng lượng tái tạo.

Bên cạnh đó, phải điều chỉnh quy hoạch khu công nghiệp ở các vùng nông nghiệp trọng điểm.

Theo đó, xây dựng các khu công nghiệp hoàn chỉnh tại các vùng nông nghiệp trọng điểm như đồng bằng sông Hồng, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long gắn với các ngành hàng nông nghiệp chủ lực, nằm giữa các vùng nguyên liệu, các vùng sinh thái nông nghiệp chính.

Hình thành hệ thống dịch vụ đồng bộ với các ngành hàng nông nghiệp chủ lực và gắn với các vùng trọng điểm công nông nghiệp, đảm bảo cung cấp đầy đủ: tín dụng, dịch vụ tài chính, sàn giao dịch, dịch vụ tiếp thị, nghiên cứu, đào tạo, dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo tay nghề, cung cấp nước, thông tin liên lạc, điện, xử lý môi trường…

Phát triển các “thành phố khoa học” cho các vùng trọng điểm nông nghiệp, gắn nghiên cứu với đào tạo và khuyến nông.

Thu hút đầu tư: Xây dựng Hiệp hội doanh nhân đầu tư vào nông nghiệp nông thôn, tổ chức diễn đàn đối thoại chính sách, đẩy mạnh hợp tác công – tư.

Xây dựng chính sách ưu đãi đặc biệt (cấp và cho thuê đất, đào tạo lao động, vay vốn ưu đãi, nghiên cứu và ứng dụng công nghệ, đơn giản hóa thủ tục, miễn giảm thuế,...) thu hút đầu tư tư nhân vào các mặt hàng chiến lược như thức ăn gia súc, phân bón, cơ khí sản xuất, sửa chữa máy móc nông nghiệp, tàu thuyền phục vụ thủy sản, chế biến tinh, chế biến sâu, chế biến phế phụ phẩm, áp dụng công nghệ hiện đại.

Tổ chức nghiên cứu và hình thành hàng rào kỹ thuật và đưa ra các giải pháp ngăn chặn đầu vào giá rẻ, chất lượng thấp, không an toàn, ô nhiễm môi trường nhập khẩu vào Việt Nam.

Bên cạnh đó, cũng phải phát triển quy trình chế biến hoàn chỉnh cho những ngành hàng vẫn xuất khẩu nguyên liệu thô (lúa gạo, rau quả, cà phê, hạt tiêu, cao su, chè, thủy sản, gỗ…):

Từ khâu phân loại, bảo quản (trữ lạnh, đông lạnh, rửa sạch, đóng gói) đến chế biến thô (sấy, chế biến thành phẩm, đóng hộp), chế biến công nghiệp (giấy, bìa, gỗ, tấm ép, sợi, da), chế biến sâu (đồ gỗ nội thất, dệt may, da giày, vật liệu xây dựng, đồ thủ công mỹ nghệ)…


Related news

trong-rau-sach-thu-ngan-ty-dong Trồng rau sạch, thu ngàn… 600-gian-hang-tham-gia-hoi-cho-nong-nghiep-tay-nguyen 600 gian hàng tham gia…