Mô hình kinh tế Vì Sao Sản Xuất Và Xuất Khẩu Tôm Chân Trắng Chưa Phát Triển Bền Vững

Vì Sao Sản Xuất Và Xuất Khẩu Tôm Chân Trắng Chưa Phát Triển Bền Vững

Publish date Thursday. June 21st, 2012

“Hiện nay chúng ta đang chào giá tôm trên thế giới thấp hơn giá thật mà không ai mua. Nhiều khách hàng họ trả giá nhưng khi mình đồng ý bán thì họ lại không mua nữa, trong khi hợp đồng sau khi được ký, DN phải thu mua nguyên liệu rất khó khăn, thậm chí phải nâng giá mua, đôi khi giá chào bán chỉ bằng giá nguyên liệu" - ông Trần Văn Lĩnh - Phó Chủ tịch VASEP, Tổng Giám đốc Thuan Phuoc Corp. than phiền như vậy trong Hội nghị Toàn thể hội viên VASEP năm 2012 được tổ chức ngày 12/6 vừa qua tại thành phố Hồ Chí Minh.

"Giá nguyên liệu quá đắt, trong khi tại đầm, người nông dân than phiền giá quá thấp! Vậy nguyên nhân từ đâu? Trên thị trường thế giới, giá tôm Thái Lan, Indonesia đang hạ nên vấn đề của tôm Việt Nam hiện nay là do chi phí sản xuất quá cao tính theo chuỗi của cả ngành nông nghiệp. Vì chi phí sản xuất quá cao nên tính cạnh tranh không còn”, ông Lĩnh chia sẻ thêm.

Các nghiên cứu cho thấy, chi phí cho thức ăn nuôi tôm chiếm khoảng 60% tổng chi phí sản xuất nhưng hiện nay, có vẻ như các hãng kinh doanh lớn các loại thức ăn thủy sản đang thao túng và đẩy giá thức ăn nuôi tôm lên cao hơn so với giá thực của chúng. Gần cuối tháng 5 vừa qua, Nhật Bản chính thức kiểm tra hàm lượng Ethoxyquin trong tôm NK từ Việt Nam với tần suất 30% số lô hàng và với mức giới hạn tối đa 10 ppb. Theo khảo sát của một DN, có tới 50% lượng thức ăn nuôi tôm trên thị trường có hàm lượng Ethoxyquin trên ngưỡng 10ppb! Một lần nữa, ngành tôm đặt câu hỏi về vai trò quản lý nhà nước trong các khâu sản xuất, tiêu thụ và kiểm soát chất lượng thức ăn chăn nuôi nói chung, nuôi thủy sản nói riêng, và việc quản lý thiếu hiệu quả liệu có đóng góp phần nào trong việc đẩy chi phí sản xuất tôm ở Việt Nam tăng cao hay không?

Nhìn sang nước láng giềng Thái Lan. Năm 2012, sản lượng tôm chân trắng của Thái Lan dự kiến đạt khoảng 700.000 tấn và khối lượng XK tôm của nước này dự kiến tăng 10%. Sau hơn chục năm quyết định chuyển sang phát triển nuôi tôm chân trắng, ngành tôm nước này dường như chưa phải đối mặt với nhiều vấn đề như ngành tôm Việt Nam hiện nay.

Trong báo cáo về nuôi tôm tại Thái Lan của Mạng lưới Nuôi trồng thủy sản Châu Á – Thái Bình Dương (NACA), một trong những yếu tố chính tạo nên thành công của nghề nuôi tôm ở Thái Lan là sự hỗ trợ đắc lực của Chính phủ trong việc đảm bảo nguồn nước, trong công tác quản lý dịch bệnh và kiểm soát dư lượng kháng sinh ở tôm nuôi.

Năm vừa qua, truyền thông các nước đồng loạt đưa tin về thành công của Ấn Độ trong việc gia tăng sản lượng tôm chân trắng với chiến lược tập trung sản xuất tôm cỡ lớn. Ở một chừng mực nào đó, trong năm qua Ấn Độ cũng đã gặt hái được những kết quả tốt trên một số thị trường lớn như Mỹ, Nhật Bản hay EU. Năm nay, người nuôi tôm ở Ấn Độ không tập trung vào sản xuất tôm chân trắng cỡ lớn nữa mà sản xuất tôm các cỡ khác nhau để đáp ứng những nhu cầu khác nhau về tiêu thụ của thị trường hiện tại trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Điều đó cho thấy, người nuôi tôm Ấn Độ xác định được hướng đi trong sản xuất theo yêu cầu thị trường.

Sau 4 năm chính thức được phép nuôi trên diện rộng ở Việt Nam, sản lượng tôm chân trắng nuôi đạt gần 180.000 tấn, góp phần vào mức tăng trưởng khá về XK tôm chân trắng trong các năm vừa qua. Nhưng ngoài những con số tăng trưởng, “dấu ấn” tôm chân trắng Việt Nam để lại trên thị trường thế giới còn là những lô hàng nhiễm kháng sinh bị cấm sử dụng, những đầm nuôi tôm bị dịch bệnh, giá tôm cao hơn so với các nguồn cung cấp khác…

Một vấn đề được quan tâm rất nhiều tại Hội nghị Toàn thể hội viên VASEP năm 2012 chính là việc tái cấu trúc ngành sản xuất nhằm nâng cao tính cạnh tranh lành mạnh cho tôm Việt Nam, cạnh tranh chất lượng, giá thành và uy tín nhằm hướng đến phát triển bền vững.

Related news

xuat-hien-benh-la-o-tom Xuất Hiện “Bệnh Lạ” Ở… hon-20-tom-hum-nuoi-bi-chet Hơn 20% Tôm Hùm Nuôi…