Mô hình kinh tế Việt Nam Có Thể Cắt Giảm 50% Lượng Thuốc Bảo Vệ Thực Vật

Việt Nam Có Thể Cắt Giảm 50% Lượng Thuốc Bảo Vệ Thực Vật

Publish date Thursday. September 25th, 2014

Theo các chuyên gia, 80% thuốc bảo vệ thực vật mà nông dân phun lên cây trồng không đúng đối tượng và gây ô nhiễm, lãng phí.

Đây là thông tin được ông Nguyễn Xuân Hồng – Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật đưa ra tại Hội nghị toàn quốc triển khai thực hiện tái cơ cấu lĩnh vực trồng trọt, do Bộ Nông nghiệp – Phát triển Nông thôn tổ chức ngày 23/9.

Theo ông Nguyễn Xuân Hồng: Hiện nay, trên thị trường, thuốc bảo vệ thực vật rất sẵn. Khi có một đối tượng dịch bệnh xuất hiện, nông dân nghĩ ngay tới việc có thuốc gì để trị bệnh này. Điều này thể hiện rõ là thói quen sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đã rất lớn.

Các biện pháp khác như biện pháp sinh học, canh tác kỹ thuật… ở nhiều nơi chưa được quan tâm đúng mức. Việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật đã dẫn đến tình trạng tăng chi phí sản xuất. Theo đó, Việt Nam có thể cắt giảm 50% lượng thuốc bảo vệ thực vật mà không lo ảnh hưởng gì tới mùa màng.

Ông Hồng cũng dẫn ý kiến của các chuyên gia quốc tế đưa ra năm 2008, thì họ thấy rằng, 80% thuốc bảo vệ thực vật mà nông dân Việt Nam phun lên cây trồng không đúng đối tượng và chủ yếu ảnh hưởng ra môi trường, gây ô nhiễm và lãng phí, dẫn tới nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm, đe dọa các thị trường xuất khẩu nông nghiệp của Việt Nam (Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc…).

Bên cạnh đó, năng lực, chất lượng dự tính, dự báo trong ngành vẫn còn hạn chế. Việc áp dụng công nghệ hiện đại trong cảnh báo dịch bệnh còn hạn chế. Nhiều địa phương, công tác quản lý và nhận thức chưa cao về thuốc bảo vệ thực vật.

Cùng chung lo lắng này, ông Phạm Đồng Quảng – Cục trồng trọt cho biết, theo khuyến cáo của Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc thì việc sản xuất lúa của nước ta đang sử dụng quá nhiều phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Lượng phân bón của Việt Nam gấp 1,56 lần so với Trung Quốc và gấp 1,5 lần so với Thái Lan.

Chi phí cho mỗi ha lúa của Việt Nam lên tới 502 USD, trong khi các nước khác chỉ bằng ½ số này. Tổn thất sau thu hoạch của nước ta vẫn còn rất lớn, chiếm khoảng 13,7%, trong đó tập trung ở khâu sấy và xay xát.

Được biết, Cục trồng trọt đã có Đề án tái cơ cấu một số sản phẩm chủ lực, trong đó tập trung vào các loại cây trồng là cà phê, điều và lúa gạo.

Hiện Đề án tái cơ cấu ngành lúa gạo Việt Nam đến 2020 vẫn đang ở giai đoạn dự thảo. Theo đề án này, mục tiêu đến 2020, giá xuất khẩu đạt bình quân 600 USD/tấn nhóm gạo trắng, hạt dài và 800 USD nhóm gạo thơm, đặc sản. Giá trị sản lượng trên 1ha đất trồng lúa đạt bình quân 120 triệu đồng…

Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cũng bày tỏ lo lắng về mức tăng trưởng của ngành trồng trọt đang có xu hướng chậm lại. Trong khi, một số địa phương đã đạt ngưỡng tăng trưởng, nhất là khi diện tích canh tác, gieo trồng không tăng.

Liệu có còn dư địa cho ngành trồng trọt tăng trưởng? Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Cao Đức Phát khẳng định: “Hoàn toàn còn dư địa để tăng trưởng, bằng việc giảm lượng thuốc trừ sâu, phân bón, nước… để giảm các chi phí như các nhà khoa học đã khuyến cáo”.

Bộ trưởng cũng cho rằng, tái cơ cấu là lối thoát cho ngành nông nghiệp. Vấn đề là bắt đầu từ đâu và làm như thế nào? Cảm giác chung là chính trong ngành vẫn còn lúng túng, việc thực hiện còn chậm. Giải pháp thực hiện không đơn thuần là kỹ thuật mà từ việc nhìn nhận vấn đề, lựa chọn cây trồng, nghiên cứu chuyển giao kỹ thuật, đầu tư…


Related news

cho-thue-vuon-cay-cam-thoi-han-dai-co-nen-hay-khong Cho Thuê Vườn Cây Cam… phu-my-binh-dinh-ot-chi-con-2-000-kg-nong-dan-thua-lo-nang Phù Mỹ (Bình Định) Ớt…