Tin thủy sản Việt Nam: Ngôi sao mới giữa “giao lộ” thủy sản

Việt Nam: Ngôi sao mới giữa “giao lộ” thủy sản

Author Steve Hart - Phó Chủ tịch Liên minh NTTS quốc tế (GAA), publish date Thursday. March 1st, 2018

Bờ biển dài với nhiều nguồn tài nguyên chưa khai phá, xuất khẩu thành công và không khuất phục trước mọi thách thức dịch bệnh, rào cản thương mại, nên từ đầu những năm 2000, ngành thủy sản Việt Nam đã bứt phá mạnh mẽ. Nhưng để vươn xa hơn nữa, ngành này cần phương pháp tiếp cận thông minh.

Đầm nuôi tôm công nghiệp tại Bạc Liêu   Ảnh: Trần Út

Nhiều tiềm năng

Với 3.270 km đường bờ biển và nhiệt độ trung bình của nguồn nước quanh năm gần 25ºC, Việt Nam trở thành một quốc gia có nhiều tiềm năng phát triển ngành nuôi trồng thủy sản (NTTS). Mặc dù, còn non trẻ và vẫn đang phải đối mặt vô số thách thức từ dịch bệnh tới khó khăn tài chính - nhân tố quan trọng nhất giúp ngành NTTS tăng tốc, thì sự mở rộng quy mô dài hạn vẫn được duy trì liên tục dựa trên hai yếu tố gồm chi phí lao động thấp hơn đáng kể so với Trung Quốc và mới chỉ có 1 triệu acre (khoảng 400.000 ha) trên tổng số 1,7 triệu acres diện tích mặt nước NTTS thân thiện môi trường đang được khai thác.

Không ngạc nhiên khi Việt Nam luôn là một trong những khu vực có tốc độ tăng trưởng thủy sản nhanh nhất thế giới. Theo một nghiên cứu hợp tác giữa Glembloux Agro-Biotech và Universite de Liege về chính sách phát triển khai thác và NTTS của Việt Nam năm 2016, sản lượng thủy sản nuôi của Việt Nam đã tăng 25% (tương đương 0,4 triệu tấn) trong năm 1995 lên 3,2 triệu tấn (52%) vào năm 2015. Sản lượng thủy sản nuôi trong năm 2017 ước đạt 3,7 triệu tấn và Chính phủ cũng kỳ vọng mức tăng trưởng 7,1% tới năm 2020 để đạt 6,3 triệu tấn vào năm 2030 dù tốc độ tăng trưởng chỉ 3,3%. Đằng sau sự sụt giảm tốc độ tăng trưởng nhưng giá trị được nâng cao chính là xu hướng tập trung nuôi các loài thủy sản có giá trị kinh tế và coi đây là sản phẩm mũi nhọn.

Những đối tượng xuất khẩu chủ lực và có giá trị gia tăng như tôm, cá rô phi, cá tra, basa chiếm tỷ lệ trên 60% sản lượng NTTS. Cách đây 20 năm, con số này chỉ khiêm tốn 23%. Dù tiêu thụ các đối tượng nuôi truyền thống như cá chép vẫn chiếm 2/5 tổng sản lượng thủy sản, thị phần của cá này đang co hẹp và không mang lại doanh thu cho ngành thủy sản nhiều như trước.

Đường gập ghềnh của tôm và cá tra

Thực tế, giá trị và số lượng xuất khẩu thủy sản của Việt Nam khá trái ngược. Xuất khẩu thủy sản đạt tổng trị giá 6,7 tỷ USD trong năm 2015; trong tổng số này, tôm chiếm dưới 17% sản lượng nhưng gần 50% giá trị xuất khẩu. Ngược lại, cá tra chiếm gần 35% sản lượng nhưng không quá 25% giá trị xuất khẩu. Xu hướng này tiếp tục tái diễn trong năm 2017 cùng với mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 8 tỷ USD, tăng 15,9% so 2 năm trước. Tôm vẫn chiếm 3,7 tỷ USD, tương đương 46% kim ngạch xuất khẩu thủy sản; cá tra chiếm 21% khối lượng xuất khẩu nhưng chỉ đem lại 1,7 tỷ USD trong năm 2017. Tôm, cá rô phi, cá tra và các loại cá da trơn khác chiếm 56% sản lượng thủy sản nuôi và 1/3 tổng sản lượng thủy sản cả nước nhưng mang lại gần 75% doanh thu cho xuất khẩu thủy sản.

Sự chênh lệch giữa con số sản lượng và giá trị cũng khá khác biệt tại từng vùng miền NTTS. Dù thủy sản được nuôi từ Bắc vào Nam nhưng ĐBSCL vẫn chiếm gần 70% sản lượng của cả nước. Tại miền Bắc, vùng Đồng bằng sông Hồng thống trị ngành thủy sản nuôi với sản lượng 15%. Tuy vậy, sản lượng thủy sản miền Bắc chiếm một tỷ lệ khiêm tốn nhất và chủ yếu tiêu thụ cá nước ngọt như chép nuôi ao hoặc ruộng hoặc cá biển nuôi lồng, tôm hùm.

Nhờ xuất khẩu tăng khá cộng với kinh tế tăng trưởng nhanh, sản lượng thủy sản Việt Nam giai đoạn 2005 - 2015 đã tăng trung bình 8,4%/năm. Dẫn đầu thế giới về sản lượng cá tra và gần đây là cá rô phi, Việt Nam đã trở thành một nước cung cấp cá thịt trắng có tiếng trên thế giới. Tuy nhiên, thị trường xuất khẩu lại đang có xu hướng dịch chuyển mạnh mẽ về hướng đông vì thị trường châu Âu và Mỹ đầy rẫy rào cản. Trong khi VASEP kỳ vọng xuất khẩu cá tra quý II/2017 đạt 952 triệu USD, tăng 3% so mức 924 triệu USD cùng kỳ năm 2016, thì thực tế do vấp phải nhiều rào cản nên xuất khẩu cá tra sang châu Âu và Mỹ lần lượt giảm 5 - 10% giá trị.

Một bên là sự cạnh tranh gay gắt từ cá rô phi giá rẻ của Ai Cập và một bên là bảo hộ thương mại núp bóng an toàn thực phẩm, cá tra của Việt Nam đã để mất thị phần vào tay cá thịt trắng phương Tây. Do đó, cá tra Việt đành phải kỳ vọng sự sụt giảm này sẽ được đền bù tại thị trường Trung Quốc ở số lượng và giá trị xuất khẩu khi tăng tới hơn 20%. Tại thị trường phương Tây, cá tra Việt còn phải chịu sự tấn công dồn dập của truyền thông khi bị bôi nhọ là loài không an toàn. Chính điều này đã khiến cá tra bị thắt chặt kiểm soát chất lượng và rào cản thương mại gia tăng. Việt Nam đã cố gắng thoát ra khỏi vòng vây bằng cách đẩy mạnh xuất khẩu cá thịt trắng khác và cá rô phi. Thật may mắn là cá rô phi của Việt Nam đang được đón nhận và đánh giá cao hơn hẳn cá rô phi Trung Quốc nên giá bán cũng tốt hơn trên thị trường quốc tế.

Số liệu cho thấy nhập khẩu tôm của Việt Nam tăng vọt từ 50.000 tấn năm 2012 lên 270.000 tấn năm 2016 và khoảng 330.000 vào năm 2017. Hầu hết số tôm này đều có nguồn gốc Ecuador hoặc Ấn Độ (các quốc gia tận dụng chế độ miễn thuế tôm Việt Nam để tái xuất vào thị trường Trung Quốc). Vai trò làm trạm chung chuyển cho tôm Ấn Độ và Ecuador tiến vào thị trường Trung Quốc đã giúp chúng ta hiểu tại sao Việt nam có tên trong bảng xếp hạng 5 nước xuất khẩu tôm lớn nhất thế giới nhưng thực chất lại không khác một nước nhập khẩu ròng! Nghịch lý này cho thấy ngành tôm Việt Nam chưa thực sự bền vững.

Mạnh tay đầu tư chất lượng

Mặc dù, tầm quan trọng của các thị trường Đông Á ngày càng tăng, thì dịch bệnh, rào cản thương mại và rắc rối tài chính đã cùng trở thành những đòn giáng vào tăng trưởng của ngành NTTS tại Việt Nam. Trong khi hình ảnh cá tra Việt nam bị truyền thông nước ngoài bôi bẩn, thì nhiều trại nuôi tôm Việt Nam vẫn đang loay hoay và chưa thể phục hồi phong độ từ đầu những năm 2010 và vẫn vướng phải rắc rối nghiêm trọng đó là kháng sinh. Để khắc phục vấn đề này, Việt Nam đã phục hồi tiến tới tăng sản lượng tôm sú, cải thiện hệ số FCR và sử dụng giống tôm kháng bệnh. Dù vậy, tăng trưởng sản lượng tôm bình quân hàng năm vẫn sụt giảm từ 17,5% giai đoạn 1997 - 2007 xuống mức 3,9% suốt năm 2017.

Cá rô phi, đang được kỳ vọng là đối tượng thay thế cá tra nhưng có khả năng sẽ rơi vào khủng hoảng như ngành cá tra ngày nào nếu không có chiến lược quy hoạch nuôi và phát triển xuất khẩu cụ thể. Từ mức sản lượng không đáng kể, tới năm 2007, sản lượng cá rô phi tăng trung bình 18,5% giai đoạn 2007 - 2014 (chu kỳ phát triển này không khác ngành cá tra cách đấy 1 thập kỷ). Khi Chính phủ quyết định nâng cao sản lượng và xuất khẩu cá rô phi, sản lượng được kỳ vọng tăng trưởng 10%/năm trong 3 năm tới và khoảng 300.000 tấn vào năm 2020.

Một nhân tố nữa dẫn tới sự giảm tốc rõ rệt của ngành NTTS Việt Nam trong  năm qua chính là trở ngại tài chính. Ngành NTTS Việt Nam vẫn đang mở rộng quy mô và sự phức tạp kỹ thuật càng khiến ngành này trở thành lĩnh vực cần phải tập trung nhiều nguồn vốn hơn. Các ngân hàng Việt Nam vẫn đang áp lãi suất cho vay 30% với các trang trại thủy sản; rõ ràng đây là một trở ngại lớn cho con đường phát triển của ngành này. Có lẽ, các ngân hàng quốc doanh nên có kế hoạch hạ lãi suất với người nuôi cá để khuyến khích họ đầu tư sâu vào chất lượng thay vì đặt vấn đề cắt giảm chi phí sản xuất lên hàng đầu. Đã định hướng xuất khẩu, phải ưu tiên chất lượng bởi các thị trường nước ngoài hiện nay đang thắt chặt kiểm soát chất lượng an toàn thực phẩm với thủy sản Việt Nam; đây cũng là ngọn nguồn của mọi rào cản thương mại đang dày đặc với các sản phẩm thủy sản của Việt Nam như hiện nay.

Tại thị trường nội địa, nhu cầu tiêu thụ thủy sản cũng đang tăng cao. Xu hướng này sẽ kéo dài ít nhất vài thập kỷ nữa. Liệu nguồn cung có bị thiếu hụt, khi có đến 700.000 acrea (khoảng 283.000 ha) diện tích hồ ao và ven biển vẫn chưa được sử dụng? Việt Nam sẽ sử dụng diện tích mặt nước chưa khai thác chỉ để đơn thuần thay thế những ao nuôi dịch bệnh hoặc ẩn chứa nhiều mầm mống dịch bệnh như Trung Quốc đã từng làm hay sẵn sàng vứt bỏ cái cũ để đổi mới và đi theo các mô hình tiên tiến, ví dụ như của Na Uy, đó là chú trọng vào sản lượng và chất lượng? Nhà quản lý, người nuôi và sản xuất thủy sản mới tìm ra được lời giải đáp cho câu hỏi này và chính họ sẽ phải đưa ra các quyết định quan trọng để ngành thủy sản Việt Nam không bỏ ngỏ hoặc lãng phí tiềm năng vốn có. 

>> Song song vai trò là nước xuất khẩu tôm hàng đầu thế giới, Việt Nam cũng là một trạm trung chuyển tôm nhập lậu sang thị trường Trung Quốc. Thực tế, 2/3 sản lượng tôm của Việt Nam là các loại tôm sú và chưa có đủ tiềm lực tự chủ nguồn cung tôm thẻ chân trắng Thái Bình Dương để đáp ứng cho thị trường Trung Quốc.


Related news

dbscl-ca-tra-tang-gia-cao-chua-tu-ng-co ĐBSCL: Cá tra tăng giá… phat-huy-loi-the-san-pham-quoc-gia Phát huy lợi thế sản…