Mô hình kinh tế Vĩnh biệt người anh hùng giữa cỏ

Vĩnh biệt người anh hùng giữa cỏ

Publish date Sunday. October 18th, 2015

Hồ Giáo là một nhân cách đặc biệt.

Ông “đứng riêng” với các nhân vật được phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động khác không phải vì ông nhận vinh quang ấy đến hai lần trong đời, năm 1966 tại Nông trường Ba Vì và năm 1986 tại Nông trường Sông Bé, mà ở con người ấy luôn toát lên vẻ đẹp dâng hiến đến tận cùng.

 

Người anh hùng giữa cỏ

Hai lần Anh hùng lao động, đó là một “kỷ lục” khó ai lặp lại đối với một người chỉ chuyên tâm nuôi bò như Hồ Giáo.

Nhưng có lẽ, với Hồ Giáo, mọi danh hiệu dù vinh quang đến đâu, ông vẫn luôn đặt bên lề của công việc mà ông đảm trách chứ không lấy đó làm vật trang sức cho đời mình.

Nhà nước đã trao danh hiệu anh hùng cho Hồ Giáo cũng vì cái “triết lý” mà ông luôn tâm niệm: Mỗi người đều phải làm tốt nhất công việc của mình, luôn tận tụy và trách nhiệm, trung thực và chia sẻ.

Tính đến năm 2010, khi Hồ Giáo về hưu “lần thứ 2”, ông vẫn luôn đi cùng với triết lý sống đó.

Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, lên 13 tuổi, Hồ Giáo đã phải đi ở đợ để kiếm cơm.

Làng quê Tịnh Sơn bên bờ sông Trà Khúc tỉnh Quảng Ngãi của ông trù mật là thế, vẫn không thể cứu đói cậu bé Giáo vì trong tay cha mẹ ông không một tấc đất cắm dùi.

Bởi vậy, khi cuộc kháng chiến chống Pháp nổ ra, dưới ngọn cờ “giải phóng”, rồi “lấy của nhà giàu chia cho người nghèo” đã như một hồi kèn hối thúc anh Giáo ra trận.

Hòa bình lập lại, Hồ Giáo đi tập kết đến năm 1960 thì chuyển về Nông trường Ba Vì, làm Đội trưởng Đội 8.

Sự tận tụy trong việc chăn trâu lúc còn ở đợ cho địa chủ những năm tuổi thơ đã thành một thứ hành trang để Hồ Giáo xác lập những kỷ lục nuôi bò tại Nông trường Ba Vì.

Ông nhận danh hiệu Anh hùng Lao động lần đầu năm 1966 cũng từ thành tích nuôi bò này.

Không chỉ chăm đàn bò béo tốt, cho sữa nhiều, Hồ Giáo còn làm được những việc hơn thế.

Đó là ông có thể cảm hóa được những con bò ngỗ ngược nhất, hư đốn nhất.

Và anh Giáo đã thành “bè bạn” với đàn bê, một việc mà không phải ai ở Nông trường Ba Vì ngày ấy cũng làm được.

Còn nhớ năm 2008, anh Quang Hiệu, phóng viên Báo Lao Động đã đưa ông Hồ Giáo trở lại Ba Vì để gặp lại những “thiếu nữ Đội 8” năm xưa, trong đó có mẹ anh Hiệu, tất cả mọi người đã ùa vỡ sau hơn 30 năm xa cách.

Câu đầu tiên mà những người phụ nữ ấy đã nói về “sếp” cũ của mình là: Bác Giáo là người trung thực! Họ không nói đến phẩm chất tận tụy mà nói về sự trung thực của ông.

Có lẽ đó là thứ “của hiếm” mà Hồ Giáo sở hữu để đến mấy mươi năm sau, những cộng sự của ông vẫn không quên được.

Trong các “thiếu nữ Đội 8” của Nông trường Ba Vì ngày ấy có cô Huệ luôn thầm yêu trộm nhớ anh Giáo để đến hơn 30 năm sau, ở tuổi 70, bà vẫn nhắc lại chuyện xưa: “Anh Giáo chê em chứ ưng em thì giờ con đàn cháu giống ở đây rồi”.

Hồ Giáo nào dám chê cô gái xinh đẹp ấy nhưng vì lỡ đính hôn với một người con gái khác ở quê nhà, ông hẹn hai năm sau sẽ trở lại.

Ông không muốn mình trở thành người thất hứa.

Công nhân ở Nông trường Ba Vì còn nhớ, thời đầu những năm 60 ấy chỉ có Hồ Giáo mới được phép vác bao vào khu quân sự dưới núi Ba Vì cắt cỏ.

Có hôm mưa đầu mùa, cá trắm tràn lên bờ, thay vì “giấu nhẹm” một vài con vào bao về nấu ăn cho đỡ thèm, Hồ Giáo bắt cá trả lại tất! “Cá của bộ đội chứ của gì mình mà lấy!”.

Hồ Giáo là vậy.

Thật thà và trung thực đến cả những việc có thể… phá lệ cũng chả ai trách.

Ông là Đại biểu Quốc hội 3 khóa liền nhưng để thành “ông nghị”, Hồ Giáo đã phải học chữ vô cùng khổ sở.

Một lần lên thăm Nông trường Ba Vì đầu những năm 60, Thủ tướng Phạm Văn Đồng nhận ra “đồng hương” Hồ Giáo của mình không biết chữ.

Ông về Hà Nội cho người gửi “quà” của Thủ tướng lên cho Hồ Giáo.

Ông mở gói quà ra xem và thấy nhiều tập vở, một hộp bút kèm lá thư.

Nhờ người đọc thư, nghe xong, Hồ Giáo toát mồ hôi.

Thư dặn Hồ Giáo phải học chữ để đọc được thư mà không phải nhờ cậy ai đọc giùm mình! Với Hồ Giáo, chăm cả trăm con bò còn dễ hơn học làm sao để đọc được chữ.

Thế rồi những con chữ cứ hiện dần lên sau nhiều đêm Hồ Giáo đánh vật với nó.

Để khi ông về Thủ đô gặp Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng là lúc Hồ Giáo viết thạo đọc thông.

Ông ăn bữa cơm với Thủ tướng Phạm Văn Đồng trong Phủ Thủ tướng “ngon chưa từng tưởng”, không phải vì cao lương mỹ vị gì đâu mà là ông đã “trung thực” với lời hứa của mình là sẽ học cho bằng được cái chữ- một thứ được xem như xa xỉ của đời ông trước đó.

Lời hứa với người vợ đầu mới kịp đính hôn rằng hai năm sau sẽ trở lại, nhưng rồi thành 20 năm.

Ông đã thấm thía nỗi đau chia cắt cùng dân tộc đằng đẵng hai thập kỷ nhưng Hồ Giáo không muốn mình thành kẻ bội tín, dù bà Trúc, người vợ mới kịp hứa hôn ấy đã lấy chồng sau ngày ông đi tập kết ấy 3 năm.

Về Nam! Hai tiếng ấy đã thôi thúc Hồ Giáo sau ngày đất nước thống nhất.

Nhưng miền quê núi Ấn sông Trà không thể giữ chân ông được.

Đồng cỏ Sông Bé cùng hàng ngàn con trâu Mura của Ấn Độ đã gọi tên ông.

Lại những ngày cắt cỏ, những đêm thuần dưỡng đàn trâu lạ lẫm này.

Ông ham việc đến nỗi quên cả lập gia đình, để năm ông 50 tuổi mới gặp bà Thành, một cô bộ đội phục viên và cũng chỉ sinh cho ông đúng một mụn con gái-Hồ Thị Minh (1982), nay đã là cô giáo dạy ở một trường trung học tại TP.Quảng Ngãi.

Sự trung thực và tận tụy của Hồ Giáo như hiển lộ ra ngoài con người ông khiến loài vật cũng nhận ra điều đó.

Mura là loài trâu khổng lồ, nặng đến cả tấn mỗi con.

Nó luôn tỏ ra hung dữ với mọi người.

Thế mà với Hồ Giáo, tất cả đều là những chú bê ngoan! Có lần tôi hỏi ông: “Bác làm sao mà cảm hóa được con vật hung tợn ấy giỏi vậy?”.

Ông Giáo cười hiền: “Hễ mình thương nó, nó thương mình thôi”.

Câu trả lời ngỡ đơn giản nhưng Hồ Giáo đã tâm niệm cả đời mình.

Cũng vì thương nó để nó thương mình mà sau ngày từ biệt Nông trường Sông Bé để về Quảng Ngãi an dưỡng tuổi già, Hồ Giáo lại “ra trận” lần nữa vì lời hứa với Thủ tướng Phạm Văn Đồng.

Thủ tướng Ấn Độ, bà Ganhdi đã tặng ông Phạm Văn Đồng đàn trâu Mura hơn chục con với hy vọng là sau vài chục năm sẽ lai tạo được đàn trâu cỏ ở Quảng Ngãi.

Hồ Giáo lại hăm hở như thuở thanh niên cùng đàn trâu Mura ở trại trâu Nghĩa Hành.

Kể từ ngày ông Giáo về hưu (1990), không một ngày nào ông vắng mặt ở trại trâu này.

Có hôm giữa bời bời nước lũ, Hồ Giáo vẫn không bỏ đàn trâu.

Tôi đã từng chứng kiến sau một ngày xa cách ông Giáo vì nước lụt, lũ bê con đã ùa ra khỏi trại, vây lấy ông như thể đón mẹ đi chợ về.

Chỉ có một thứ tình thương yêu ruột thịt như thế với lũ trâu con, Hồ Giáo mới nhận từ chúng sự âu yếm thiết tha đến vậy.

Từ nhà ông ở TP.Quảng Ngãi đến trại trâu khoảng 6 cây số, Hồ Giáo luôn đi bộ mỗi sáng mỗi chiều vì không biết đi xe đạp.

Miệt mài như thế suốt 20 năm, quãng đường đến trại trâu có lẽ đủ để ông đi một vòng quanh bốn bể năm châu này!

Bây giờ thì Hồ Giáo vĩnh viễn không còn cơ hội để trở lại với đàn trâu Mura ấy nữa.

Ông đã trở về cái làng quê nghèo khó, nơi gần 70 năm trước ông vất chiếc nón cời để lên đường kháng chiến.

Nhưng tôi thì vẫn luôn tin, người anh hùng ấy luôn hiện hữu giữa cỏ non cùng lũ bê như ruột thịt.


Related news

chu-dong-phong-dich-benh-gay-hai-tren-dan-gia-suc-gia-cam Chủ động phòng dịch bệnh… kinh-nghiem-thai-lan-trong-xuat-khau-thit-gia-cam-4-ty-usd-moi-nam-va-luon-on-dinh Kinh nghiệm Thái Lan trong…