Tin nông nghiệp Vỏ chôm chôm ủ phân hữu cơ, lợi đôi đường

Vỏ chôm chôm ủ phân hữu cơ, lợi đôi đường

Author MInh Đảm - Hữu Đức, publish date Tuesday. December 28th, 2021

Việc tận dụng vỏ quả chôm chôm ủ phân hữu cơ đã góp phần đáng kể giảm tác động ô nhiễm môi trường và tận dụng hiệu quả nguồn phế phẩm này.

Xay nhuyễn vỏ chôm chôm để làm phân hữu cơ. Ảnh: TL.

Hiện nay, cây chôm chôm là một trong những cây trồng chủ lực của ĐBSCL với tổng diện tích trên 7.400ha. Theo Cục Trồng trọt, năm 2021, diện tích cho sản phẩm trên 6.700ha, tổng sản lượng ước trên 117 nghìn tấn, tập trung tại các tỉnh như Bến Tre, Tiền Giang, Vĩnh Long và Trà Vinh.

Trong đó, tỉnh Bến Tre có khoảng 5.300ha chôm chôm, chiếm khoảng 70% diện tích chôm chôm của cả vùng ĐBSCL. Ngoại trừ đợt bị ảnh hưởng của hạn mặn 2019 - 2020, hàng năm, cây chôm chôm Bến Tre năng suất khoảng 21,9 tấn/ha.

Quả chôm chôm ngoài việc đưa đi xuất khẩu và tiêu thụ ở nhiều nơi, các cơ sở sản xuất tại tỉnh Bến Tre còn dùng để chế biến thành mứt chôm chôm. Quá trình đó, vỏ quả được loại bỏ, trước đây thường được đổ thải trực tiếp ra môi trường.

Tại cơ sở sản xuất mứt chôm chôm Cô Chín (ở ấp Phú Ninh, xã Phú Đức, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre), chị Trần Thị Thu Hồng, chủ cơ sở cho hay: “Số lượng vỏ thải ra hàng ngày của cơ sở dao động 500 - 600kg, tương ứng lượng chôm chôm tiêu thụ khoảng 2 tấn và tập trung vào các tháng 6 đến 8, tháng 11 đến tháng 1 hàng năm. Trong các tháng còn lại lượng vỏ thải ra hàng ngày thấp hơn do nhu cầu tiêu thụ sản phẩm bánh kẹo thực phẩm giảm. Qua mỗi mùa tết, lượng vỏ quả bỏ đi phải đến vài chục tấn”.

Hiện tại tỉnh Bến Tre có nhiều cơ sở sản xuất mứt chôm chôm nên lượng phế thải này tương đối lớn. Nếu không được quan tâm đúng mức phần thải này có thể trở thành nguồn gây ô nhiễm nguồn nước và môi trường sống xung quanh, tệ hơn là tác động tiêu cực đến sức khoẻ con người. Do đó, việc tận dụng tốt nguồn vỏ chôm chôm để phục vụ trở lại cho sản xuất nông nghiệp của người dân có ý nghĩa quan trọng cả về kinh tế và môi trường.

Trước thực trạng trên, bà Lương Thị Hồng Nguyên, công tác tại Dự án ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu (AMD) Bến Tre cho biết: Theo nghiên cứu, vỏ chôm chôm là nguyên liệu giàu phospho (lân) và kali, và một số thành phần khoáng khác có lợi cho cây trồng. Cuối năm 2018, AMD Bến Tre đã phối hợp với cơ sở sản xuất mứt chôm chôm Cô Chín và nhóm giảng viên Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh nghiên cứu xây dựng quy trình xử lý vỏ chôm chôm kết hợp phế phẩm nông nghiệp như mụn dừa, mụn cưa… thành phần hữu cơ đã được triển khai thành công ở cơ sở sản xuất mứt chôm chôm ở huyện Châu Thành.

Phân hữu cơ được ủ trong phòng thí nghiệm. Ảnh: TL.

Theo thạc sỹ Nguyễn Thành Nho, chủ nhiệm dự án, các giá trị dinh dưỡng như phospho và kali được cố định tốt trong sản phẩm, đặc biệt với hàm lượng khá cao, góp phần làm tăng giá trị của phân hữu cơ được sản xuất. Ngoài ra, để tăng thêm giá trị trong sản xuất nông nghiệp, chúng tôi kiến nghị có thể bổ sung một lượng phân vô cơ như urê vào đống ủ để tăng lượng đạm cho cây trồng đồng thời góp phần cung cấp dinh dưỡng cho men vi sinh phát triển trong suốt thời gian thực hiện quy trình sản xuất phân hữu cơ. Như vậy, chúng ta có thể thu được loại phân bán hữu cơ với giá trị dinh dưỡng cao.

Qua triển khai cho thấy vấn đề môi trường xung quanh cơ sở được giải quyết, không còn mùi do vỏ chôm chôm bị phân hủy gây ra, lượng phân bón làm ra mang bón trở lại cho vườn làm cho đất tơi xốp hơn, cây phát triển bình thường so với việc bón phân hóa học trước đây, cơ sở đã tiết kiệm được một lượng phân bón đáng kể từ việc ủ phân từ vỏ chôm chôm thành phân hữu cơ sinh học.

Chị Trần Thị Thu Hồng thông tin: Khi áp dụng quy trình ủ vỏ chôm chôm thấy rút ngắn được thời gian phân hủy của vỏ quả. Thay vì để phân hủy tự nhiên phải mất ít nhất 9 tháng, qua xử lý theo quy trình trên thấy rút ngắn còn từ 1 - 3 tháng. Từ đó, giảm được ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, gia đình cũng sử dụng phân bón từ vỏ quả chôm chôm để bón cho bưởi, chôm chôm, giúp tiết kiệm được tiền phân bón. Qua sử dụng thấy đất tơi xốp, cây khoẻ và năng suất tốt hơn.

Bà Lương Thị Hồng Nguyên cho biết thêm, AMD Bến Tre và hộ gia đình phối hợp nghiên cứu sẽ tiếp tục theo dõi sự phát triển của cây và tài liệu hóa hoạt động ủ phân này để giúp cho các hộ dân nhân rộng trong thời gian tới.

Quy trình ủ phân hữu cơ từ vỏ chôm chôm

Bước 1: Chuẩn bị nguyên liệu

Vỏ chôm chôm được băm nhỏ đến kích thước cạnh dưới 1cm.

Mụn dừa nguyên liệu từ hộ gia đình đã được xay nhỏ.

Men vi sinh Trichoderma sau khi được tăng sinh khối.

Bước 2: Quá trình ủ

Toàn bộ khoảng 500kg vỏ chôm chôm sau khi xay nhuyễn được trộn với 150kg mụn dừa.

Lấy 0.5 lít dung dịch Trichoderma (Chuẩn bị 1kg men nền cám + 0,5kg rỉ đường + 20 lít nước, ủ trong 3 ngày, khi thấy dung dịch sủi bọt khí và dung dịch có màu vàng đồng là có thể sử dụng) + 20 lít nước và phun lên đống hỗn hợp vỏ chôm chôm + mụn dừa.

Điều chỉnh lượng nước đảm bảo độ ẩm của hỗn hợp khoảng 50 - 55% (bóp mạnh tay thấy vừa ứa nước hoặc rơi 1 đến 2 giọt).

Bước 3: Kiểm tra độ chín và chất lượng của đống ủ

Đống ủ được đảo trộn bằng xẻng sau mỗi 5 - 7 ngày để tăng lượng oxy cho vi sinh phát triển và thúc đẩy quá trình chuyển đổi sinh học. Trong trường hợp mùa nắng, nhiệt độ cao thì quá trình khuấy trộn cần được thực hiện thường xuyên hơn sau mỗi 3 đến 4 ngày. Kiểm tra độ ẩm và cần thiết phải bổ sung thêm nước để độ ẩm đạt 50 - 55% đảm bảo phân có được chất lượng tốt và hạn chế quá trình thất thoát chất dinh dưỡng do phân huỷ nhiệt.

Mẫu ủ được kiểm tra độ chín bằng cách kiểm tra độ tơi của đống ủ. Sau 28 ngày khi độ tơi của phân đạt yêu cầu (nhiệt độ ổn định từ 30 đến 40oC, sờ không thấy cảm giác bỏng rát, phân ủ tơi có màu đen thì đống ủ chín) có thể mang ra sử dụng.


Related news

bon-cho-cay-an-trai-o-dbscl-hieu-qua-khi-gia-phan-bon-tang-cao Bón cho cây ăn trái… cach-don-gian-nang-chat-luong-nong-san-la-bo-sung-trung-vi-luong-cho-cay Cách đơn giản nâng chất…