Mô hình kinh tế Vỡ Mộng Cao Su 10 Năm Không Cho Mủ

Vỡ Mộng Cao Su 10 Năm Không Cho Mủ

Publish date Friday. May 27th, 2011

Những năm gần đây, cây cao su ở tỉnh Đăk Nông đã và đang mang lại thu nhập khá ổn định cho bà con nông dân. Với giá như hiện nay, một héc ta cho thu nhập cả trăm triệu đồng mỗi năm. Do đó, phong trào trồng cao su tiểu điền đã và đang phát triển một cách ồ ạt.

Cay cao su
Cay cao su - ky thuat trong
Trồng cao su 10 năm vẫn chưa…có mủ!

Theo số liệu ước tính của Sở NN-PTNT, đến cuối năm 2010, Đăk Nông có 22.200 ha cây cao su. Trong đó, diện tích cao su tiểu điền là 17.476 ha, chiếm 78,63% diện tích cao su toàn tỉnh. Chính vì lợi nhuận trước mắt, người dân đã đua nhau đổ xô đi trồng cao su, không tuân theo quy hoạch, bất chấp khuyến cáo của ngành chức năng khiến nhiều gia đình lâm vào cảnh dở khóc, dở cười vì cây cao su.  

Năm 2002, ông Lê Thái Giám ở xã Quảng Tân, huyện Tuy Đức đăng ký trồng 5 ha cao su theo Dự án phát triển cây cao su tiểu điền. Ngoài việc được hỗ trợ giống, vốn chăm sóc ban đầu của dự án, gia đình ông còn phải bỏ ra một số tiền không hề nhỏ để đầu tư vào vườn cây. Mặc dù đã nỗ lực hết sức, nhưng mãi đến nay, vườn cao su của gia đình ông mới chỉ cho thu hoạch được một nửa diện tích, số diện tích còn lại vẫn “bị điếc”, không… cho mủ.

Giải thích vấn đề trên, ông Giám cho biết: “Sở dĩ phải đến năm thứ 10, một nửa vườn cao su mới bắt đầu cho thu hoạch là do nguồn cây giống không đều. Ngay khi mới trồng, đã có một số cây bị chết, một số khác chậm lớn, phải trồng dặm lại nhiều lần. Bên cạnh đó, nguồn vốn được vay đầu tư ban đầu quá thấp, chỉ 2 triệu đồng/ha/năm, nên không đủ tiền mua phân bón, việc chăm sóc không đến nơi đến chốn chứ chưa nói đến các khoản chi phí khác”.

Cùng hoàn cảnh với gia đình ông Giám, hàng chục hộ dân ở xã Quảng Tân cũng đang đứng bên bờ vực phá sản vì trồng cao su tiểu điền. Trong đó, có nhiều hộ trồng diện tích lên đến hàng chục ha nhưng do trồng tự phát, nguồn gốc giống không rõ ràng lại được trồng trên địa hình, thổ nhưỡng không phù hợp nên đến nay đã hơn 10 năm mà vẫn chưa cho mủ. Trong khi đó, để đầu tư trồng 1ha cao su số vốn là không hề nhỏ, khiến nhiều gia đình lâm vào cảnh nợ nần chồng chất…

Nói về thực trạng sinh trưởng của cây cao su tiểu điền ở địa phương, ông Điểu B’lế, Phó Chủ tịch UBND xã Đăk R’tih, huyện Tuy Đức cho biết: “Những vườn cao su tiểu điền trên địa bàn xã đa số nằm trong dự án, chỉ có một số hộ trồng tự phát nhưng do người dân không chú trọng đến kỹ thuật canh tác, chăm sóc, nên dẫn đến nhiều vườn cây không có khả năng cho mủ”.

Tuy nhiên, theo thống kê thì toàn xã hiện có hơn 940 ha cây cao su tiểu điền, nhưng chưa đến 400 ha cho thu nhập tốt và số còn lại thì không cho mủ hoặc không đạt hiệu quả. Theo tìm hiểu của chúng tôi, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên trước hết là do trình độ canh tác cây cao su của phần lớn người dân còn khá mù mờ, không nắm rõ quy trình chăm sóc. Trong khi đó, nhiều người còn không chú trọng đầu tư đúng mức cho loại cây này. Thực tế là trước đây nhiều hộ được vay vốn ngân hàng từ dự án thay vì đầu tư vào vườn cây thì lại dùng để mua sắm xe cộ, đồ sinh hoạt gia đình.

Nguy cơ phá vỡ quy hoạch

Cũng theo thống kê của ngành nông nghiệp, trong tổng số hơn 17.000 ha cao su tiểu điền được trồng thì chưa tới 4.778 ha cao su thuộc Dự án phát triển cao tiểu điền do Nhà nước hỗ trợ vốn vay đầu tư. Số còn lại là do người dân trồng tự phát. Trong đó, một số huyện diện tích phát triển quá nhanh như: Tuy Đức hơn 1.500 ha, Đăk R’lấp: 2.266 ha, Đăk Mil: 417 ha; các huyện Đăk Song, Krông Nô mỗi địa phương gần 300 ha… dẫn đến quy hoạch cây trồng này đang bị phá vỡ.

Có thể nói, giá trị mà cây cao su mang lại là điều không phải bàn, nhưng với kiểu trồng ồ ạt, không theo quy hoạch, không đúng kỹ thuật như thực trạng đang diễn ra trên địa bàn tỉnh Đăk Nông thì sớm muộn cũng sẽ phải chịu những hậu quả đáng tiếc.
Một điều đáng nói ở đây, mặc dù nhiều địa phương có chất đất, khí hậu, thổ nhưỡng không thích hợp, nhưng người dân vẫn mạo hiểm đua nhau trồng cao su. Nhiều nông dân đã bỏ cả số vốn lớn, đánh cược với cây cao su, dẫu biết rằng loại cây này có tỷ suất đầu tư lớn lên đến vài chục triệu/ha và thời gian thu hồi vốn thì rất dài.

Điển hình trong chuyện này là ở huyện Đăk Song và Đăk Glong. Khảo sát thực tế của chúng tôi cho thấy, vì thấy lợi nhuận trước mắt mà nhiều hộ sẵn sàng chặt bỏ những cây trồng khác để trồng cao su hoặc trồng xen lẫn trong vườn cà phê. Nhưng theo như một cán bộ Sở NN - PTNT thì trước đây, một số địa điểm ở hai huyện trên đã có nhiều doanh nghiệp vào trồng thử nghiệm cả trăm ha cao su, nay cây đã hơn chục năm tuổi mà vẫn chưa thu được giọt mủ nào. Và thực tế thì khi nhìn vào quy hoạch của ngành nông nghiệp, thấy những địa phương này không phải là điểm “sáng” trên bản đồ trồng cao su của tỉnh.

“Đỏ mắt” tìm nơi trồng, ngành nông nghiệp cũng chỉ “khuyến cáo”, nên trồng với diện tích khoảng 300 ha cao su, nhưng chất lượng mủ sẽ không cao. Ấy vậy mà qua con số thống kê, đến nay cả hai huyện trên đã có hơn 2.000ha cao su tiểu điền do người dân trồng tự phát.


Related news

tri-sau-duc-cuong-nang-cao-nang-suat-chat-luong-vai-thieu Trị Sâu Đục Cuống Nâng… phuong-phap-nuoi-tom-the-chan-trang-ban-tham-canh Phương Pháp Nuôi Tôm Thẻ…