Vơi Dần Khó Khăn Ở Lũng Cà
Từ trung tâm xã Thượng Nung (Võ Nhai) nhìn về phía bản Lũng Cà ở trên đỉnh núi trước mặt, chúng tôi thấy nơi ấy xa vời vợi. Thật đúng như trong tưởng tượng của chúng tôi, đường vào bản khá dốc và khó đi ít đi, lại trên tuyến đường này.
Anh Ma Khánh Tuyên, Chủ tịch UBND xã Thượng Nung chia sẻ: Con đường này đã được mở rộng và dễ đi hơn rất nhiều so với trước. Bây giờ có thể đi xe máy, xe đạp vào bản chức không như những năm 2003, 2004, 2005, muốn vào đây phải đi bộ men theo con đường mòn lởm chởm đá dài tới 5km, mất cả mấy tiếng đồng hồ mới tới nơi.
Được biết, đường vào Lũng Cà được mở rộng từ năm 2007, năm 2011, đường tiếp tục được hạ thấp nên việc đi, lại của bà con đã thuận lợi hơn. Từ ngày con đường được mở rộng, đời sống của 33 hộ dân, trong đó có 21 hộ đồng bào dân tộc Mông của bản đã được cải thiện rất nhiều khi các sản phẩm nông sản làm ra như ngô, chè, mía… vận chuyển ra chợ bán dễ dàng hơn.
Ông Trương Văn Sùng (dân tộc Mông), người có uy tín ở bản Lũng Cà chia sẻ: Đường được mở rộng, ngô làm ra; chăn nuôi được con lợn, con gà… có người vào tận nhà hỏi mua, bà con ai cũng vui. Có tiền, bà con lại ra chợ mua gạo, mua thức ăn nên không nhà nào phải ăn mèn mén nữa.
Đời sống người Mông mình hôm nay đã bớt khổ rồi. Cũng từ ngày có con đường, việc đi lại, học tập của trẻ nhỏ thuận lợi hơn. Hầu hết các em nhỏ trong bản khi học hết tiểu học đều ra tận trung tâm xã để học tiếp lên THCS. Hiện nay, bản có 28 em đang theo học bậc tiểu học, 14 em đang theo học bậc THCS và 9 em đang theo học bậc THPT.
Hôm nay, không chỉ có con đường mới xuất hiện ở Lũng Cà mà tư duy về sản xuất, sinh hoạt của người dân nơi đây cũng đã có những chuyển biến. Đơn cử như việc trồng ngô, trước đây, bà con chỉ sử dụng giống ngô địa phương năng suất thấp, nhưng nay đã đưa các giống ngô lai như NK 4300, CP 888, CP 999… vào trồng.
Nhờ đó, 12ha đất trồng ngô của xóm đã cho năng suất cao hơn trước. Năm 2005, năng suất ngô chỉ đạt khoảng 35-36 ta/ha, thì nay đã tăng lên khoảng 40-42 tạ/ha. Đặc biệt, để phá thế độc canh cây ngô, bà con đã đầu tư công sức để khai hoang, cải tạo đất trồng lúa nước.
Thay vì chỉ cấy các giống lúa địa phương, 3 năm trở lại đây, bà con đã đưa một số giống lúa lai vào trồng, đặc biệt là giống lúa An Dân nên năng suất lúa đã tăng lên đáng kể. Hiện, xóm có 7 ha đất trồng lúa. Vụ mùa năm nay, năng suất lúa đạt khoảng 45-47 tạ/ha (tuy thấp hơn so với năng suất bình quân chung của tỉnh từ 4-5 tạ/ha, nhưng vẫn cao hơn so với trước đây từ 5-7 tạ/ha). Ngoài ra, các loại cây công nghiệp như chè, mía cũng bắt đầu được trồng trên đồng đất Lũng Cà; bà con cũng đã đầu tư chăn nuôi bò lấy thịt…
Đạt được kết quả này, bên cạnh sự nỗ lực của người dân phải kế đến sự hỗ trợ rất nhiều của Nhà nước. Cụ thể, 5 năm trở lại đây, đã có 20 hộ dân trong bản được hỗ trợ làm nhà ở theo Chương trình 134 và Quyết định 167 của Chính phủ; 4 hộ được hỗ trợ xây dựng công trình nước sinh hoạt phân tán; 33/33 hộ dân trong bản được hỗ trợ sản xuất (máy móc, cây, con giống…) với số tiền hàng tỷ đồng.
Mặc dù đã có những đổi thay đáng kể, nhưng cuộc sống của đồng bào dân tộc Tày, Dao, Mông ở Lũng Cà vẫn còn không ít gian nan khi đường từ trung tâm bản đi đến các hộ dân vẫn còn rất khó khăn. Trong khi đó, các hộ dân lại sinh sống rải rác; trình độ dân trí không đồng đều; tập quán canh tác chủ yếu phụ thuộc vào thiên nhiên; thiếu vốn sản xuất… Khó khăn lớn nhất của bản hiện nay là thiếu điện.
Ông Trương Văn Sùng cho biết thêm: Thiếu cái điện, người dân mình muốn xem tivi để có thêm kinh nghiệm, kiến thức làm ăn cũng khó; muốn dùng máy để thái rau phục vụ chăn nuôi lợn cũng không được.
Về cơ sở hạ tầng của bản cũng rất nghèo nàn, phân trường tiểu học với 5 phòng, được xây dựng từ năm 1998 đến nay đã xuống cấp; nhà văn hóa rộng 45m2 xây dựng từ năm 2005 nhưng vẫn chỉ là nhà tạm; phân trường mầm non chưa có nên cô và trò phải học nhờ tại nhà văn hóa. Thêm vào đó, số hộ nghèo của bản vẫn còn tới 24 hộ, số hộ cận nghèo là 8 hộ…
Theo ông Nông Văn Trân, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh: Lũng Cà cũng đang gặp những khó khăn như các bản có đồng bào dân tộc Mông sinh sống khác trong tỉnh.
Do đó, để cuộc sống của bà con ngày càng ổn định, các cấp, ngành chức năng cần đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp, chú trọng đưa các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng vùng đồng bào dân tộc thiểu số vào gieo trồng, chăn nuôi; tổ chức thực hiện tốt các chương trình, dự án, chủ động lồng ghép các nguồn lực nâng cao hiệu quả đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; tăng cường công tác giám sát của người dân trong thực hiện các chính sách, chương trình, dự án ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số cũng như thực hiện đúng, đầy đủ chính sách đối với đồng bào dân tộc miền núi; triển khai có hiệu quả chương trình giảm nghèo của Chính phủ… Đối với các hộ dân, cũng cần chủ động, tích cực trong phát triển kinh tế gia đình, không trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước…
Nguồn bài viết: http://www.baothainguyen.org.vn/tin-tuc/kinh-te/voi-dan-kho-khan-o-lung-ca-222001-108.html
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao