Vụ Mía Đường 2013-2014 Khó Khăn Chồng Chất
Giá đường xuống thấp, lượng hàng tồn kho cao, nông dân giảm diện tích trồng mía... đang tăng áp lực tới cả nhà máy đường và nông dân.
Vụ sản xuất đường năm 2013-2014 tại Đông Nam bộ đã chính thức bắt đầu. So với niên vụ trước, mùa ép năm nay trễ hơn khoảng nửa tháng do ảnh hưởng mưa bão kéo dài. Bên cạnh đó, những biến động bất lợi về giá cả trên thị trường, cùng với những tồn tại hạn chế nhiều năm chưa được khắc phục đang làm cho các nhà máy đường đứng trước nhiều khó khăn thách thức.
Giá đường thấp, nông dân kém mặn mà cây mía
Nhà máy đường Biên Hoà Trị An vừa chính thức bước vào vụ sản xuất năm 2013-2014. Đây là vụ ép thứ 5 kể từ khi Công ty đường Biên Hoà mua lại Công ty đường Trị An – một đơn vị bị phá sản do thua lỗ. Vụ sản xuất đường năm nay của nhà máy được bắt đầu với những khó khăn thách thức gay gắt trên thương trường. Giá đường thế giới và trong nước hiện nay đang ở ngưỡng thấp nhất. Điều này gây bất lợi cho nông dân trồng mía. Vì vậy, hiện nay nhiều nông dân còn không thiết tha với loại cây trồng này.
Ông Trần Võ Tòng – một chủ vựa mía ở huyện Vĩnh Cửu cho biết: ”Giá đường bấp bênh quá, đường nhập nhiều quá, làm mía không có lợi nên người dân bỏ mía, diện tích hiện đã giảm hơn 50%. Trước đây, tôi có ngoài 100 công chặt mía (thời năm 2001-2002) làm suốt 5 tháng trời chưa hết mía vùng này. Giờ 30-40 công chặt vỏn vẹn 3-4 tháng hết rồi”.
Ông Phan Văn Châu, xã Bình Lợi, huyện Vĩnh Cửu là một nông dân đã gắn bó với cây mía từ mấy chục năm qua. Những năm trước ông có 14-15 ha mía, nhưng ông đã chuyển dần sang cao su nên năm nay ông chỉ còn 5 ha mía gốc. Ông Châu cho biết: ”Làm mía cực khổ lắm. Hơn nữa lệ thuộc công nhân nhiều, rồi phương tiện vận chuyển xe cộ. Nhiều khi mà máy hư, mía đốn sẵn phải phơi bãi thành ra thất bại lắm”.
Với 5 ha mía gốc, năng suất khoảng 55 tấn/ha, giá thu mua hiện tại 920.000 đồng/tấn 10 chữ đường tại ruộng, đã tính thêm trợ giá thu hoạch và trợ giá nguyên liệu vùng gần, lợi nhuận mà ông Châu thu được khoảng 25-30 triệu đồng/ha. Con số trên đây vẫn chưa khẳng định vị thế và sức cạnh tranh của cây mía với các loại cây trồng khác. Vì vậy diện tích mía ở các xã Bình Lợi, Thạnh Phú huyện Vĩnh Cửu vẫn không ngừng giảm sút, dù nhà máy đã có nhiều nỗ lực trong đầu tư bao tiêu sản phẩm.
Nhiều áp lực ngay từ đầu vụ
Ý thức rất rõ sự sống còn của nhà máy chính là nguồn nguyên liệu, nên trong năm 2013, Công ty cổ phần đường Biên Hoà đã đầu tư trên 100 tỷ đồng để phát triển vùng nguyên liệu trên 3.700 ha tập trung ở các huyện Xuân Lộc, Trảng Bom, Nhơn Trạch và Tân Uyên tỉnh Bình Dương. Riêng huyện Vĩnh Cửu diện tích mía quy hoạch là 1.200 ha, trong đó vùng nguyên liệu do nhà máy trực tiếp đầu tư là 500 ha.
Ông Lê Thành Được – Giám đốc Nhà máy đường Biên Hoà - Trị An, cho biết: “Năm nay, nhà máy đề ra những giải pháp chống thất thoát sau thu hoạch. Thí dụ chặt sát gốc. Khuyến khích bà con chặt mía sát gốc theo quy định của nhà máy, bà con sẽ có thêm thu nhập khoảng 4 triệu đồng/ha. Hoặc khi vận chuyển về nhà máy phải phủ bạt lại để giảm bớt suy giảm chữ đường trong quá trình vận chuyển. Và việc loại bỏ bớt lá, ngọn sẽ là tăng chữ đường, giúp giá mía của bà con cao lên.
Giá đường xuống thấp, lượng hàng tồn kho cao, tiêu thụ khó khăn là những áp lực đang đè nặng các nhà máy đường khi vụ sản xuất mới lại bắt đầu. Trong khi đó những yếu kém của ngành đường lâu nay vẫn đang tồn tại, đó là sự lạc hậu về công nghệ, sự thấp kém về năng suất, chất lượng mía, cũng như những tổn thất sau thu hoạch cao dẫn đến giá thành sản xuất đường trong nước không cạnh tranh nổi với đường nhập lậu. Tình hình ngày càng trở nên cấp bách khi Hiệp định Khu vực mậu dịch tự do ASEAN đang đến rất gần.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao