Mô hình kinh tế Vú Sữa Bơ Hồng Cơm Vàng Bén Rễ Trên Đất An Hữu

Vú Sữa Bơ Hồng Cơm Vàng Bén Rễ Trên Đất An Hữu

Publish date Thursday. January 15th, 2015

Thời gian gần đây, nhiều nhà vườn đón nhận tin vui, anh Lê Văn Chía, một nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi ở Tổ 13, ấp 5, xã An Hữu (huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) đã nhân thành công giống vú sữa bản địa mới, đó là: Vú sữa bơ hồng cơm vàng. Giống vú sữa này vừa đoạt được giải Nhì tại “Hội thi Trái ngon - an toàn và củ quả lạ quý hiếm Đồng bằng sông Cửu Long - Cần Thơ năm 2013”.

Vú sữa bơ hồng cơm vàng dễ trồng, sản lượng cao. Nếu trồng nhánh chiết đến năm thứ 3 cây bắt đầu cho trái, đến năm thứ 6, nếu được chăm sóc tốt đạt năng suất 2 tấn/công (1.000 m2). Kích cỡ trái to (trung bình 2 - 3 trái/kg), có vị ngọt thanh, cơm dày, vỏ mỏng; khi chín vỏ trái nổi lên màu hồng nhạt, pha lẫn một ít màu xanh ngọc chìm rất đẹp.
Khi được hỏi về nguồn gốc giống, anh Chía cho biết: Năm 2000, thân phụ anh là ông Lê Văn Nghiêm đi cúng chùa Kim Tiên (ấp 1, xã An Hữu) thấy cây vú sữa có trái to, đẹp hơn so với các giống vú sữa hiện hữu nên ông xin chiết 1 nhánh về trồng thử.
Đến năm 2004 cây cho trái say, to và rất ngon, nên anh Chía chiết ra nhân giống. Năm 2008, anh quyết định đốn hết 0,5 ha cam sành để trồng đặc sản vú sữa bơ hồng cơm vàng. Anh Chía bộc bạch: Trồng cam sành chi phí rất cao nên lợi nhuận không bằng cây vú sữa bơ hồng cơm vàng.
Theo anh, trồng vú sữa bơ hồng cơm vàng chi phí đầu vào rất thấp, mỗi vụ chỉ tốn 100kg phân NPK/công và chi phí thuốc trừ sâu phun 2 đợt khi trái mới đậu và sau 3 tuần tuổi, tính chung khoảng 1,5 triệu/công. Khi trái bằng quả trứng gà anh tiến hành bao trái để sản phẩm sạch.
Điều đáng nói ở đây là vú sữa bơ hồng cơm vàng cho trái rải vụ từ tháng 9 năm trước đến tháng 2 năm sau. Giá trên thị trường hiện nay trung bình 30.000 đồng/kg, lúc nghịch vụ giá có thể tăng gấp 2 lần. Mùa vú sữa năm 2014 - 2015, đến thời điểm này, anh thu nhập từ 0,5 ha vú sữa bơ hồng cơm vàng hơn 200 triệu đồng, chưa tính còn khoảng 2 tấn trái sẽ cho thu hoạch bán vào dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi - năm 2015.
Thị trường tiêu thụ chủ yếu của vú sữa bơ hồng cơm vàng là các siêu thị ở TP. Hồ Chí Minh và một số thành phố khác. 2 năm trở lại đây, thương lái đến tận nhà mua hàng. Hiện anh đang nhân giống bán cho các nhà vườn và sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm trồng với bà con nông dân khi có nhu cầu.
Ở Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay có nhiều giống vú sữa như: Vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim, vú sữa bơ, vú sữa tím… Trong đó, vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim xưa nay được nhiều nông dân quan tâm nhất, bởi vì có thương hiệu, cho năng suất cao, phẩm chất trái ngon.
Tuy nhiên, qua thực tế trồng và thu thập ý kiến của nhiều nông dân cho thấy, vú sữa Lò Rèn chỉ khi trồng trên “thánh địa” Vĩnh Kim (huyện Châu Thành, Tiền Giang) thì loại trái ngon này mới thật sự phát huy phẩm chất, nhất là kích cỡ trái to, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.
Còn nếu trồng ở các nơi khác thường không cho nhiều trái, hoặc trái có kích cỡ nhỏ. Với những đặc tính ưu thế và kết quả trồng thực tế của anh Lê Văn Chía, cho thấy vú sữa bơ hồng cơm vàng là giống bản địa có nhiều triển vọng, thể hiện ít nhất trên 3 mặt: Thích nghi trên nền đất phù sa ven sông Tiền, có chất lượng cao và đáp ứng thị trường tiêu thụ với yêu cầu ngày càng cao về trái cây sạch cho người tiêu dùng.
Ngày 14-5-1014, tại Quyết định 26638/QĐ-SHTT, Cục Sở hữu trí tuệ, thuộc Bộ Khoa học & Công nghệ đã chấp nhận hồ sơ của anh Lê Văn Chía về việc xin cấp Giấy chứng nhận độc quyền sở hữu trí tuệ với tên gọi: Cơ sở Năm Chía “Mua bán giống, quả vú sữa bơ hồng cơm vàng tươi”.


Related news

an-giang-trong-quyt-o-doi-latina An Giang Trồng Quýt Ở… sang-tao-cua-nong-dan-mot-kieu-tuoi-goc-tiet-kiem-hieu-qua Sáng Tạo Của Nông Dân…