Tin thủy sản Vụ tôm nước lợ năm 2016 chậm nhưng vẫn chưa thật sự chắc!

Vụ tôm nước lợ năm 2016 chậm nhưng vẫn chưa thật sự chắc!

Author Xuân Trường, publish date Friday. May 20th, 2016

Báo cáo của Chi cục Thủy sản tỉnh Sóc Trăng, đến ngày 6-5, toàn tỉnh chỉ mới thả nuôi được 7.857,5ha tôm nước lợ, tức chỉ bằng 91,2% so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, tôm thẻ là 5.300,5ha, còn lại là tôm sú. Chỉ có 1.135,4ha tôm nuôi đã thu hoạch, tổng sản lượng ước đạt 5.342,8 tấn nhưng đã có 1.202,2ha tôm nuôi bị thiệt hại, chủ yếu là trên tôm thẻ, chiếm 15,3% diện tích thả nuôi và cao hơn 4,1% so với cùng kỳ. Những con số trên cho thấy, vụ tôm năm 2016 đang gặp những khó khăn nhất định, dù giá tôm từ đầu vụ đến nay rất khả quan.

Người nuôi cần cân nhắc trước khi lấy nước vào ao nuôi ở khu vực có độ mặn cao hơn 10‰.

Theo lịch thời vụ của ngành nông nghiệp, hiện nay là thời điểm thả nuôi tôm nước lợ đợt 2. Diện tích thả nuôi trong tuần đầu tháng 5 tuy có tăng nhưng không đáng kể do nhiệt độ và độ mặn tại các vùng nuôi vẫn còn cao. Thạc sĩ Quách Thị Thanh Bình, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Sóc Trăng, nhận định: "Tình hình nắng nóng gay gắt và độ mặn tăng cao trong suốt đầu vụ đến nay là nguyên nhân chính làm chậm tiến độ thả nuôi và làm cho tôm bị thiệt hại nhiều. Do đó, dù đã bước vào vụ thả nuôi đợt 2 theo lịch mùa vụ nhưng đơn vị vẫn tiếp tục khuyến cáo người nuôi hạn chế thả giống ở những công trình ao nuôi chưa thật sự đảm bảo".

Theo kết quả quan trắc môi trường do ngành nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng công bố, trong tuần đầu tháng 5, đa số các thủy vực có độ mặn không biến đổi nhiều so với tuần trước, nhưng độ mặn vẫn đang ở mức cao. Cụ thể: khu vực thị xã Vĩnh Châu, độ mặn cao hơn cùng kỳ 2015 từ 2 - 8‰, khu vực Cù Lao Dung cao hơn cùng kỳ 2 - 6‰, khu vực Trần Đề (cống Xà Mách) cao hơn cùng kỳ 3‰... Thạc sĩ Quách Thị Thanh Bình khuyến cáo: "Người nuôi cần cân nhắc trước khi lấy nước vào ao nuôi ở khu vực có độ mặn cao hơn 10‰ vì độ mặn trong ao có thể tăng cao hơn nữa khi nắng nóng kéo dài. Người nuôi tôm cần theo dõi sát diễn biến độ mặn ngoài kênh rạch, chuẩn bị ao lắng, ao chứa để chủ động lấy được nguồn nước có độ mặn thích hợp vào ao khi cần thiết".

Những dự báo cũng cho thấy, thời tiết và môi trường sẽ còn tiếp tục gây khó khăn cho vụ tôm năm 2016 từ nay cho đến cuối vụ. Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Sóc Trăng, vào nửa cuối tháng 5, trên địa bàn tỉnh mới xuất hiện mưa chuyển mùa. Ông Nguyễn Mạnh Hồng, Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn Sóc Trăng, nhận định: "Sớm nhất cũng phải sang đầu tháng 6, Sóc Trăng mới chính thức bước vào mùa mưa... Tổng lượng mưa trong nửa đầu mùa ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm cùng thời kỳ một ít, còn nửa cuối mùa từ tháng 8 đến tháng 10 tổng lượng mưa ở mức xấp xỉ và cao hơn. Mùa mưa có khả năng kết thúc vào trung tuần tháng 11, với tổng lượng mưa xấp xỉ trung bình nhiều năm".

Nếu căn cứ vào những dự báo trên, tiến độ thả tôm tại một số vùng, diện tích trong tỉnh sẽ tiếp tục chậm từ nay cho đến hết tháng 5. Như thế, sẽ có nhiều diện tích tôm được thả nuôi tập trung từ tháng 6 trở đi và điều này cũng sẽ hết sức khó khăn, vì khi các nơi đồng loạt thả nuôi rất dễ xảy ra tình trạng sốt giá con giống, tạo điều kiện cho con giống kém chất lượng xâm nhập vào vùng nuôi, nhất là những hộ nuôi nhỏ lẻ. Không những thế, theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Sóc Trăng, từ tháng 6 trở đi, áp thấp nhiệt đới và bão sẽ hoạt động mạnh và phức tạp hơn do cường độ El Nino suy yếu dần và chuyển sang trạng thái trung tính. Khi đó, môi trường ao nuôi sẽ có sự biến động mạnh do mưa bão, gây bất lợi cho sự phát triển tôm nuôi, tôm dễ thiệt hại do môi trường và dịch bệnh.

Mưa muộn sẽ khiến cho vùng tôm – lúa của huyện Mỹ Xuyên thả giống trễ, kéo theo trễ vụ lúa lắp lại trên nền đất nuôi tôm, tạo nguy cơ thiếu nước cho cây lúa vào giai đoạn cuối vụ, nhất là đối với những diện tích thả nuôi tôm sú. Mặt khác, việc thả nuôi tập trung quá nhiều cùng một thời điểm rất dễ dẫn đến giá tôm bị sụt giảm do có nhiều diện tích cùng thu hoạch. Đó là chưa kể nếu như xảy ra dịch bệnh thì nguy cơ lây lan và thiệt hại sẽ là rất lớn. Như vậy, từ nay đến khi điều kiện thả nuôi thuận lợi vẫn còn một khoảng thời gian khá dài, nên mọi hộ nuôi, vùng nuôi phải hết sức cân nhắc chọn lựa đối tượng cũng như mô hình nuôi phù hợp, nhằm đảm bảo an toàn và hiệu quả nhất.

Những khó khăn ở đầu vụ tôm nước lợ 2016 đã hiện hữu, nhưng những nguy cơ tiềm ẩn từ nay đến cuối vụ vẫn còn không ít. Có thể nói, vụ nuôi tôm nước lợ 2016 thật sự là một thách thức lớn cho cả ngành chức năng lẫn người nuôi tôm nếu muốn có một vụ mùa bội thu cả về diện tích, năng suất lẫn sản lượng.


Related news

gia-ca-thap-ngu-dan-van-quyet-vuon-khoi-bam-bien Giá cá thấp, ngư dân… quang-tri-ho-tro-tren-13-000-ho-ngu-dan-bi-anh-huong-boi-hai-san-chet Quảng Trị hỗ trợ trên…